Cảnh báo hậu quả thảm khốc do vỡ đập nhà máy thủy điện Kakhovskaya
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm qua (7/6) cảnh báo nguy cơ thảm họa nhân đạo và môi trường quy mô lớn do vụ vỡ đập nhà máy thủy điện Kakhovskaya xảy ra trước đó một ngày ở khu vực Kherson. Phát biểu đưa ra tại cuộc diện đàm giữa Nhà lãnh đạo Nga và Tổng thống Thổ Nhĩ kỳ Tayip Erdogan. Trong khi đó, các chuyên gia cũng đã đưa ra nhiều đánh giá về hậu quả của vụ vỡ đập này.
Theo Điện Kremlin, trong cuộc điện đàm, Tổng thống Nga V.Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ T.Erdogan đã trao đổi quan điểm về tình hình Ukraine. Nhà lãnh đạo Nga tuyên bố rằng, chính quyền Kiev vẫn đang đặt cược nguy hiểm vào việc leo thang chiến sự.
Về phần mình, theo truyền thông Thổ Nhĩ kỳ, Tổng thống Erdogan đề xuất thành lập một ủy ban với sự tham gia của các chuyên gia Nga và Ukraine, đại diện của Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế. Thổ Nhĩ kỳ sẵn sàng hỗ trợ việc này. Trước đó, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ kỳ đã thảo luận về tình hình tại nhà máy thủy điện Kakhovskaya với Tổng thống Ukraine V.Zelensky và đề xuất thành lập một ủy ban quốc tế để điều tra vụ việc.
Theo Tiến sĩ Khoa học Địa lý Arkady Tishkov, Phó Giám đốc Viện Địa lý - Viện Hàn lâm Khoa học Nga, thủy điện Kakhovskaya là bậc thang cuối cùng trên sông Dnieper, nó gắn với những vùng đất nông nghiệp, đông dân cư. Tuy nhiên, ngày 6/6, mực nước tại đây dâng cao hơn quy chuẩn nhiều lần. Do đó, hàng chục khu dân cư rơi vào vùng lũ - một số chìm hoàn toàn dưới nước, số khác ngập đến mái nhà. Theo chuyên gia, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng: chết người, ô nhiễm nguồn nước và sự phá hủy cơ sở hạ tầng của khu dân cư và đất canh tác. Đặc biệt, sự sụt giảm mạnh mực nước trong chính hồ chứa sẽ ảnh hưởng đến việc cung cấp nước và tưới tiêu cho các vùng đất trong khu vực.
Hơn nữa, vỡ đập nhà máy thủy điện Kakhovskaya gây nguy hiểm cho khả năng làm mát hoàn toàn các lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân Zaporozhie. Chuyên gia Tishkov nhấn mạnh, nhìn chung, nhà máy điện hạt nhân có hệ thống bể làm mát riêng, tự chủ và không được kết nối trực tiếp với hồ chứa Kakhovka. Nhưng sự suy giảm chung về mức độ của nó không thể không ảnh hưởng đến trạng thái của nước bề mặt của khu vực, bao gồm cả các nguồn thay thế cho các bể làm mát của nhà máy điện hạt nhân. Ngoài ra, một trận lũ lụt thảm khốc ở khu vực đông dân cư và ở hạ lưu sẽ dẫn đến ô nhiễm môi trường về mặt hóa học và sinh học. Điều này chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng thiếu nước sinh hoạt, dịch bệnh bùng phát và tình hình vệ sinh dịch tễ chung trong vùng ngày càng xấu đi, nhất là trong thời tiết nắng nóng.
Ông Rafael Grossi, Tổng Giám đốc IAEA cũng cho biết, việc phá hủy nhà máy thủy điện Kakhovskaya có thể làm mất nguồn làm mát của nhà máy điện hạt nhân Zaporozhie và gây ra thiệt hại cho các lò phản ứng. Theo ông Grossi, hiện tại chưa có gì đáng lo, nhưng nếu mất khả năng làm mát, sự tan chảy có thể xảy ra, gây ra một số hậu quả phóng xạ, ngoài thực tế là bản thân các lò phản ứng có thể bị hư hỏng rất nghiêm trọng, dẫn đến hậu quả về môi trường. IAEA đang tăng số lượng thanh tra viên của mình tại nhà máy điện hạt nhân Zaporozhie. Ngoài ra, ông hứa sẽ theo dõi sự suy giảm mực nước trong hồ chứa Kakhovka.
Còn theo thông báo trên trang của Bộ Công nghiệp Nông nghiệp Ukraine, "việc phá hủy nhà máy thủy điện Kakhovskaya sẽ dẫn đến thực tế là các cánh đồng ở miền nam Ukraine có thể biến thành sa mạc vào năm tới. Nếu không có hồ chứa Kakhovka, không chỉ nông dân và người sử dụng nước sẽ bị ảnh hưởng mà cả các nguồn cung cấp nước uống đến các khu dân cư”./.