Cảnh báo lô hàng trái cây vi phạm về kiểm dịch thực vật có chiều hướng tăng
Các nước nhập khẩu nông sản Việt Nam liên tục thông báo về việc các lô hàng không tuân thủ yêu cầu về kiểm dịch thực vật, có dư lượng hóa chất vượt quá quy định.
Sáng 24/8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức “Hội nghị tăng cường quản lý nhà nước về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói (CSĐG)” nhằm đánh giá thực trạng công tác quản lý mã số như công tác cấp phát mã số, kiểm tra, giám sát sau cấp, duy trì điều kiện của các vùng trồng và CSĐG.
Kiểm soát chất lượng ngay tại gốc
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Trung cho biết, việc tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng đòi hỏi người dân và doanh nghiệp tự nâng cao năng lực quản lý để đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật cao đối với chất lượng, quy cách đóng gói các sản phẩm nông, lâm, thủy sản.
“Do đó, việc kiểm soát chất lượng ngay tại gốc và có một hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật đóng vai trò hết sức quan trọng. Hay nói một cách khác, để xuất khẩu nông sản thực sự bền vững, đảm bảo ổn định chất lượng nông sản thì việc thiết lập, cấp và quản lý mã số vùng trồng, CSĐG là điều kiện nền tảng, tiên quyết”, Thứ trưởng Trung nhận định.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cũng chỉ ra rằng, bên cạnh những kết quả đáng mừng về sự gia tăng số lượng, đa dạng về loại hàng hóa được cấp mã số vùng trồng và CSĐG, vẫn còn đối mặt với nhiều tồn tại, thách thức.
Một trong những tồn tại được ông Trung nhắc đến là việc các vi phạm về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm đang có chiều hướng gia tăng trong thời gian gần đây, đặc biệt là đối với các lô hàng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
“Căn nguyên của vấn đề chính là việc kiểm soát tại gốc từ vùng trồng, CSĐG chưa thực hiện các quy trình kỹ thuật một cách nghiêm ngặt theo yêu cầu của các nước nhập khẩu; các địa phương chưa quan tâm đúng mức đến việc giám sát sau khi được cấp mã số”, ông Trung nói.
Là tỉnh biên giới phía Bắc của Việt Nam với trên 230 km đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc, Lạng Sơn đóng vai trò là trọng điểm xuất khẩu nông sản trên bộ qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc.
Trong 8 tháng đầu năm 2023, kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2022. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh 8 tháng thực hiện 2, 9 tỷ USD, tăng 70,3% so với cùng kỳ. Trong đó, nông sản xuất khẩu ước đạt 1,2 tỷ USD.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Lương Trọng Quỳnh cho biết, từ năm 2018, phía Trung Quốc yêu cầu các nông sản xuất khẩu chính ngạch từ Việt Nam sang thị trường này phải đăng ký mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói và phải được Tổng cục Hải Quan Trung Quốc phê duyệt.
Nắm bắt được những thay đổi của thị trường Trung Quốc, từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã cấp được 178 mã số vùng trồng nông sản xuất khẩu với diện tích gần 900 ha, trong đó chủ yếu là vùng trồng thạch đen và ớt cay.
Thiệt hại cho nông sản Việt
Báo cáo đánh giá thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý mã số vùng trồng, CSĐG, ông Huỳnh Tấn Đạt - Cục trưởng Cục BVTV cho biết: “Trong bối cảnh hiện nay, sức hấp dẫn của các mặt hàng nông sản Việt Nam đối với nhiều thị trường trên thế giới ngày càng tăng. Yêu cầu đặt ra là phải duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu, đồng thời nâng cao sức cạnh tranh hàng nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế”.
Theo ông Đạt, tình trạng không tuân thủ các quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn vệ sinh nông sản có nguồn gốc thực vật khi xuất khẩu trong thời gian gần đây đã gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp và ảnh hưởng đến uy tín của nông sản Việt Nam.
Đến nay, cả nước đã có 6.883 mã số vùng trồng và 1.588 mã số CSĐG nông sản được cấp. Các mã số này tập trung chủ yếu vào các sản phẩm xuất khẩu chính như xoài, thanh long, nhãn, lúa, sầu riêng. Thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, New Zealand và Úc là những thị trường có số lượng mã số vùng trồng và CSĐG nhiều nhất.
Tuy nhiên, gần đây Cục Bảo vệ thực vật liên tục nhận được thông báo của nước nhập khẩu liên quan đến việc không tuân thủ các yêu cầu về kiểm dịch thực vật và có dư lượng hóa chất vượt quá quy định.
Các thông báo này cũng yêu cầu Việt Nam phải có biện pháp kiểm soát chặt chẽ các đối tượng kiểm dịch thực vật và dư lượng hóa chất kiểm dịch thực vật tồn dư trong nông sản của các lô hàng xuất khẩu…
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý mã số vùng trồng, CSĐG nông sản xuất khẩu trong thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Trung giao nhiệm vụ cho Cục Bảo vệ thực vật tiếp tục đàm phán để mở rộng thị trường xuất khẩu và để được các nước nhập khẩu cấp thêm các mã số mới cho hàng nông sản Việt Nam.
Song song với đó là tăng cường công tác hướng dẫn, giám sát, kiểm tra việc cấp, quản lý và sử dụng mã số tại các địa phương. Phối hợp với các bộ ngành và địa phương trong công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.
Tại các địa phương, Thứ trưởng Hoàng Trung đề nghị cần xây dựng cơ chế và triển khai thực hiện giám sát thường xuyên việc sơ chế, chọn lọc hàng hóa để đảm bảo không nhiễm sinh vật gây hại tại các nhà đóng gói đã được cấp mã số.
Tổ chức tốt chuỗi liên kết sản xuất thực chất từ vùng trồng – cơ sở đóng gói - cơ sở xử lý kiểm dịch thực vật - doanh nghiệp xuất khẩu nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm; tuân thủ yêu cầu của nước nhập khẩu và đảm bảo quyền lợi của các bên tham gia.
Thứ trưởng cũng đề nghị các doanh nghiệp xuất khẩu chủ động tìm hiểu và tuân thủ các quy định kỹ thuật về mã số của nước nhập khẩu.