Cảnh báo lũ quét, vì sao lại khó?

Tính khó lường của thảm họa lũ quét, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, đã khiến công tác dự báo và cảnh báo sớm của các quốc gia thêm phần thách thức.

Trong một báo cáo gửi Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang Mỹ (FEMA) được công bố vào tháng 10-2024, các quan chức quận Kerr (bang Texas, Mỹ) kết luận rằng “rất có khả năng” khu vực này “sẽ trải qua một trận lũ trong vòng một năm tới”, theo tờ The New York Times.

Các quan chức này cũng cảnh báo rằng các trận lũ như vậy có thể đặc biệt nguy hiểm đối với những người sống trong “các công trình không đạt tiêu chuẩn” và có thể gây “gia tăng thiệt hại tài sản, thương tích hoặc thiệt hại về nhân mạng”.

Thế nhưng, trong lúc chính quyền quận Kerr chưa kịp xây dựng hệ thống cảnh báo lũ, mưa xối xả đã khiến sông Guadalupe vỡ bờ hôm 4-7, gây ra thảm họa lũ quét cướp đi sinh mạng của gần 140 người, trong đó có hàng chục trẻ em. Một tuần sau thảm họa, các đội cứu hộ vẫn đang cắt xuyên qua những đống đổ nát cao ngất để tìm kiếm người mất tích.

 Hình ảnh đoạn sông Guadalupe gần Trại Mystic, bang Texas (Mỹ) một ngày sau thảm họa lũ quét hôm 4-7. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Hình ảnh đoạn sông Guadalupe gần Trại Mystic, bang Texas (Mỹ) một ngày sau thảm họa lũ quét hôm 4-7. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Các chuyên gia cho rằng hiếm nơi nào trên thế giới thực sự làm chủ được khả năng phòng ngừa và ngăn chặn tổn thất sinh mạng trong các thảm họa lũ quét tương tự. Điều này là bởi vẫn còn tồn tại một khoảng cách lớn giữa thực tế khó lường của các thảm họa lũ quét với khả năng dự báo và cảnh báo cho người dân của các quốc gia.

“Lũ quét là loại thảm họa khó phòng ngừa nhất” - TS. Erin Coughlan de Perez chuyên về quản lý rủi ro thiên tai tại ĐH Tufts (Mỹ) nhấn mạnh.

Khó khăn trong cảnh báo sớm

Theo bà Perez, thách thức đầu tiên mà nhiều quốc gia đang vật lộn đó là việc xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm các trận lũ quét.

Bà Perez cho rằng đau đầu nhất là tình trạng cảnh báo sớm thất bại, hoặc đã có quá nhiều cảnh báo sai đến mức làm xói mòn niềm tin của người dân.

“Có một vấn đề lớn gọi là ‘cảnh báo giả’ vì lũ quét rất khó dự đoán. Tất nhiên, với biến đổi khí hậu, các trận lũ quét cũng ngày càng mạnh hơn và phổ biến hơn” - bà Perez nói.

Thảm họa lũ quét xảy ra vào cuối tháng 10-2024 tại Valencia (Tây Ban Nha) khiến hơn 200 người thiệt mạng là một minh chứng. Ngày 29-10-2024, chỉ vài tiếng đồng hồ trước khi cơn lũ dữ quét qua thị trấn và làng mạc khu vực Valencia, những con phố lát đá hẹp của thị trấn Utiel ở thượng nguồn con sông Magro đã ngập trong nước.

Hệ thống cảnh báo đã được lắp đặt từ trước, thế nhưng hôm đó, không một cảnh báo nào được phát ra cho cho các thị trấn và làng mạc nằm cách đó chỉ vài chục km cho đến khi thảm họa ập đến.

“Tôi không biết tại sao họ không cảnh báo chúng tôi” - ông José Javier Sanchis Bretones, thị trưởng TP Algemesí (Tây Ban Nha) cho biết. Algemesí nằm ở hạ lưu sông Magro và bị lũ quét qua buổi tối cùng ngày khiến ít nhất 3 người thiệt mạng.

Ngoài ra, bà Perez lưu ý rằng hầu hết các hệ thống cảnh báo sớm chỉ được triển khai sau khi thảm họa xảy ra. Bà cũng nhấn mạnh các biện pháp ứng phó thường giả định rằng thảm họa tiếp theo sẽ giống như lần trước, nhưng với bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng thì đây là một giả định có nhiều sai lầm.

Thành công và chủ quan

Địa hình núi dốc, sông suối chảy xiết và lượng mưa lớn khiến các trận lũ quét trở thành mối đe dọa nghiêm trọng thường xuyên ở Nhật. Tuy nhiên, Nhật là quốc gia được các chuyên gia đánh giá nằm trong số các nước làm tốt công tác cảnh báo sớm thảm họa lũ quét.

Nhờ có việc đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng phòng chống thiên tai và các hệ thống cảnh báo sớm tiên tiến, Nhật đã giảm đáng kể số người thiệt mạng do thiên tai trong nhiều năm qua. Siêu máy tính, vệ tinh thời tiết và radar được chính phủ tận dụng để cung cấp dữ liệu cho các dự báo.

Cảnh báo thời tiết nâng cao sau đó được ban bố trên quy mô lớn chỉ trong vòng vài phút qua các mạng truyền hình và phát thanh địa phương, hệ thống loa phóng thanh, điện thoại di động.

 Cây cối, ô tô ngã nghiêng trên đường phố Hitoyoshi, tỉnh Kumamoto (Nhật) sau trận lũ tháng 7-2020. Ảnh: KYODO

Cây cối, ô tô ngã nghiêng trên đường phố Hitoyoshi, tỉnh Kumamoto (Nhật) sau trận lũ tháng 7-2020. Ảnh: KYODO

Tuy nhiên, thảm kịch vẫn có thể xảy ra khi mà biến đổi khí hậu khiến thiên tai ngày càng cực đoan hơn. Tháng 7-2020, ít nhất 58 người thiệt mạng trong trận lũ quét quy mô lớn ở đảo Kyushu (miền nam Nhật), trong đó có 14 người thiệt mạng tại một viện dưỡng lão ở làng Kuma, theo đài ABC.

Thêm vào đó, theo nhận định của bà Yukiko Takeuchi – GS về phòng chống thiên tai tại ĐH Kumamoto (Nhật), chính thành công của nước này trong công tác phòng chống thảm họa lũ quét có thể khiến người dân trở nên chủ quan trước các cảnh báo. Điều này có thể làm hiệu quả của các cảnh báo sớm giảm đi và gia tăng thiệt hại, nhất là khi biến đổi khí hậu khiến lũ quét diễn biến ngày càng khó lường.

“Những người từng được bảo vệ an toàn khỏi các thảm họa trong quá khứ có xu hướng cho rằng mình sẽ không sao. Nhưng rồi chính họ có thể bị mắc kẹt trong thảm họa tiếp theo” - bà Yukiko nói.

Thách thức trong cải tiến

Liên Hợp Quốc đã đặt mục tiêu đến cuối năm 2027 toàn thế giới phải được bao phủ bởi các hệ thống cảnh báo sớm cho mọi loại thiên tai, bao gồm thảm họa lũ quét. Tuy nhiên, cho đến nay chỉ khoảng một nửa quốc gia trên giới đã triển khai các hệ thống cảnh báo, nhiều quốc gia đang phát triển gặp khó trong việc cải tiến hệ thống.

Tại Bangladesh - một quốc gia có địa hình thấp và nằm trong số những nơi có lượng mưa lớn nhất thế giới, các quan chức đã nỗ lực cải thiện hệ thống dự báo và cảnh báo sớm lũ quét trong suốt 25 năm qua. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều khó khăn cần khắc phục.

Bà Shampa - chuyên gia thủy văn tại Viện Quản lý Nước và Lũ lụt Bangladesh - cho biết hệ thống dự báo sớm lũ quét của nước này có thể thông báo cho người dân trước từ 3 đến 5 ngày, “nhưng đến nay, hơn một nửa số cảnh báo vẫn là báo động giả”.

 Ảnh chụp từ trên không cho thấy quang cảnh ngập lụt ở huyện Sylhet (đông bắc Bangladesh) sau trận lũ ngày 21-6-2024. Ảnh: AFP

Ảnh chụp từ trên không cho thấy quang cảnh ngập lụt ở huyện Sylhet (đông bắc Bangladesh) sau trận lũ ngày 21-6-2024. Ảnh: AFP

“Thách thức còn ở chuyện phụ thuộc vào tin nhắn văn bản, vì mưa lớn thường gây mất điện và người dân không sạc được điện thoại. Và ngay cả khi họ nhận được tin nhắn, liệu họ có hiểu một mức nước hay tốc độ dòng chảy nhất định của sông có nghĩa là gì? Hoặc điều đó có ý nghĩa gì với mảnh đất của họ cụ thể ra sao?” - bà Shampa nói.

Các nhà nghiên cứu ở những nước phát triển cũng đã hỗ trợ chính phủ các nước đang phát triển để áp dụng công nghệ có tỉ lệ dự đoán sớm và chính xác hơn cho các hệ thống cảnh báo sớm thảm họa lũ quét.

Bà Liz Stephens - GS tại Khoa Khí tượng học thuộc ĐH Reading (Anh) - cho biết các nhà nghiên cứu đang nỗ lực làm việc tại Uganda, Nepal và những nơi khác để thúc đẩy việc áp dụng giám sát vệ tinh cho công tác dự đoán thảm họa lũ quét.

Tại Uganda, điều này là cần thiết vì một số trận lũ quét mạnh đến mức các con sông cuốn theo cả những tảng đá lớn, làm hỏng các thiết bị đo mực nước đã được lắp đặt.

Còn ở Nepal, công nghệ được ứng dụng nhằm giúp các nhà khoa học cố gắng hiểu rõ hơn cơ chế băng tan từ sông băng khiến các hồ nước trên núi bị sạt lở và gây ra các trận lũ quét.

Trận lũ quét chết người xảy ra ở Texas và ở nhiều nơi khác đã cho thấy rõ rằng vẫn còn nhiều thách thức trên con đường hóa giải tính khó lường của các thảm họa thiên nhiên. Điều này lại càng trở nên cấp thiết đối với các nước trên thế giới, trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang khiến thiên nhiên biến chuyển ngày một cực đoan.

TRỌNG TẤN

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/canh-bao-lu-quet-vi-sao-lai-kho-post860533.html