Cảnh báo lừa đảo bán vé máy bay giá rẻ dịp lễ 30/4-01/5 và mùa du lịch 2025

Dịp 30/4 và 1/5 hằng năm là thời điểm nhu cầu đi lại, du lịch, thăm thân tăng cao. Năm nay, lượng người tìm kiếm vé máy bay tới các địa phương, điểm du lịch nổi tiếng gia tăng đột biến. Lợi dụng tâm lý muốn mua vé giá rẻ, nhiều đối tượng đã thực hiện chiêu trò lừa đảo qua mạng xã hội, khiến nhiều người rơi vào cảnh 'tiền mất tật mang', ảnh hưởng công việc, kế hoạch cá nhân và gia đình.

Ảnh chụp màn hình các thông báo cảnh báo của Công an thành phố Hà Nội, Công an tỉnh Bình Thuận, Công an tỉnh Hà Nam và Công an tỉnh Lào Cai về tình trạng lừa đảo mua bán vé máy bay giá rẻ qua mạng dịp lễ 30/4 và 1/5. (Ảnh chụp màn hình).

Ảnh chụp màn hình các thông báo cảnh báo của Công an thành phố Hà Nội, Công an tỉnh Bình Thuận, Công an tỉnh Hà Nam và Công an tỉnh Lào Cai về tình trạng lừa đảo mua bán vé máy bay giá rẻ qua mạng dịp lễ 30/4 và 1/5. (Ảnh chụp màn hình).

Nhiều chiêu trò lừa đảo tinh vi

Theo Công an Thành phố Hồ Chí Minh, những ngày gần đây, trên các nền tảng mạng xã hội xuất hiện hàng trăm tài khoản Facebook, fanpage và website giả mạo các hãng hàng không lớn cũng như đại lý vé máy bay chính hãng. Các đối tượng thường đăng tải quảng cáo vé máy bay giá rẻ bất thường kèm những thông điệp hấp dẫn như: “vé hot, giá siêu hời, số lượng có hạn”, “vé thanh lý phút chót giá rẻ bất ngờ”. Cùng với đó là hình ảnh vé, lịch trình bay cụ thể để dụ dỗ người mua.

Chiêu thức phổ biến là các đối tượng yêu cầu khách chuyển khoản nhanh để “giữ chỗ”, với lý do vé giá rẻ chỉ áp dụng trong thời gian ngắn. Sau khi nhận được tiền, nhóm lừa đảo hoặc cắt đứt liên lạc, hoặc tiếp tục báo lỗi giao dịch, yêu cầu khách chuyển thêm tiền để “mở khóa vé” hay “lấy lại tiền đặt cọc”. Cuối cùng, khách nhận được mã vé giả hoặc mã đặt chỗ không tồn tại, chỉ đến khi ra sân bay làm thủ tục mới phát hiện bị lừa.

Bà Tòng Thị Hồng Duyên ở quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: “Tôi thấy một fanpage quảng cáo vé máy bay giá rẻ đi Đà Nẵng dịp 30/4 chỉ 799 nghìn đồng/chiều, trong khi vào website chính thức của hãng thì giá cao hơn nhiều. Tôi vội nhắn tin hỏi thì người bán nói chỉ còn hai vé cuối, yêu cầu tôi chuyển khoản giữ chỗ ngay. Sau khi chuyển tiền, họ gửi cho tôi hình vé và mã đặt chỗ, nhưng đến sân bay tra mã thì không có. Gọi lại thì số điện thoại khóa luôn, fanpage cũng biến mất”.

Không chỉ chiếm đoạt tiền, một số đối tượng còn yêu cầu người mua cung cấp ảnh căn cước công dân, mã xác thực (OTP) ngân hàng để “xác nhận thông tin đặt vé”, rồi lợi dụng chiếm đoạt tiền trong tài khoản của nạn nhân.

Trước tình trạng trên, Công an tỉnh Lào Cai cũng đã đăng tải nội dung cảnh báo người dân trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, lưu ý tuyệt đối không mua vé qua các fanpage, group mạng xã hội không rõ nguồn gốc. Các đối tượng lừa đảo hiện nay ngày càng tinh vi, lập fanpage có tên gần giống với hãng hàng không, thiết kế giao diện trang web giống y hệt để đánh lừa khách hàng.

Đại diện Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Lào Cai cho biết, dịp nghỉ lễ dài ngày và mùa hè sắp tới là cao điểm các đối tượng gia tăng hoạt động lừa đảo vé máy bay giá rẻ. Người dân nên cẩn trọng với bất kỳ lời mời chào nào qua mạng, nhất là các lời rao bán vé giá rẻ bất thường, yêu cầu chuyển khoản nhanh. Do đó, khi bị lừa đảo, người dân cần nhanh chóng đến cơ quan công an gần nhất trình báo, cung cấp các thông tin, chứng cứ liên quan để cơ quan chức năng kịp thời điều tra, xử lý, tránh để đối tượng tiếp tục lừa đảo người khác.

Tương tự, Công an thành phố Đà Nẵng cũng liên tục cập nhật cảnh báo trên cổng thông tin thành phố và khuyến cáo người dân nên mua vé máy bay trực tiếp trên website chính thức của hãng hoặc qua các đại lý được hãng ủy quyền, tuyệt đối không chuyển tiền cho các tài khoản cá nhân khi chưa xác thực được danh tính người bán.

Hậu quả nghiêm trọng, người dân thiệt đơn, thiệt kép

Không chỉ mất tiền từ vài trăm nghìn đến hàng chục triệu đồng, nhiều nạn nhân còn bị đánh cắp thông tin cá nhân, thông tin ngân hàng, dẫn tới các hệ lụy khác. Ông Nguyễn Minh Đức ở thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Tôi đặt mua bốn vé khứ hồi đi Hà Nội dịp nghỉ lễ cho cả gia đình qua một người quen giới thiệu trên Facebook. Sau khi chuyển hơn 8 triệu đồng, người đó tiếp tục nhắn yêu cầu tôi gửi mã OTP để xác nhận thanh toán. May sao lúc đó tôi thấy nghi ngờ nên đã không gửi. Hôm sau, tôi liên lạc lại thì không được nữa. Nếu gửi OTP lúc đó, chắc tôi mất hết tiền trong tài khoản ngân hàng rồi”.

Các chuyên gia an ninh mạng cũng cảnh báo, chỉ cần người dùng sơ suất cung cấp mã OTP cho đối tượng lạ, hậu quả có thể rất nghiêm trọng, từ việc bị chiếm đoạt tiền đến giả mạo thông tin cá nhân phục vụ các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Vietnam Airlines cảnh báo về tình trạng các website giả mạo sử dụng trái phép logo của hãng và thiết kế giao diện tương tự, gây nhầm lẫn cho khách hàng, nhằm mục đích trục lợi từ người tiêu dùng. Ảnh chụp màn hình

Vietnam Airlines cảnh báo về tình trạng các website giả mạo sử dụng trái phép logo của hãng và thiết kế giao diện tương tự, gây nhầm lẫn cho khách hàng, nhằm mục đích trục lợi từ người tiêu dùng. Ảnh chụp màn hình

Luật sư Nguyễn Văn Thắng (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) nhận định, hành vi lừa đảo bán vé máy bay giả trên mạng có dấu hiệu phạm tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Tùy theo số tiền chiếm đoạt và tính chất vụ việc, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Ngoài ra, nếu đối tượng còn lợi dụng thông tin cá nhân của người bị hại để thực hiện các giao dịch trái phép, hành vi này có thể cấu thành thêm các tội danh như: “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”, theo Điều 290 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) với mức hình phạt tù 3 tháng đến 20 năm; hoặc có thể bị xử lý về tội “Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng” theo Điều 291 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) với mức phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm.

Luật sư Thắng khuyến cáo người dân khi phát hiện bị lừa đảo cần lập tức lưu giữ bằng chứng như tin nhắn, hóa đơn chuyển khoản, thông tin tài khoản nhận tiền… và trình báo cơ quan công an để được bảo vệ quyền lợi, đồng thời giúp lực lượng chức năng kịp thời xử lý đối tượng lừa đảo.

Chủ động bảo vệ bản thân, cùng cộng đồng lên án hành vi vi phạm

Theo cơ quan chức năng, để bảo vệ bản thân trước các thủ đoạn lừa đảo tinh vi, người dân chỉ nên mua vé máy bay qua website chính thức của các hãng hàng không hoặc đại lý được hãng ủy quyền; tuyệt đối không mua vé qua các fanpage, group mạng xã hội không có xác minh rõ ràng, đặc biệt là các quảng cáo giá rẻ bất thường, yêu cầu chuyển khoản trước. Không cung cấp mã OTP, thông tin tài khoản ngân hàng, ảnh căn cước công dân cho người lạ dưới bất kỳ hình thức nào.

Khi phát hiện dấu hiệu nghi vấn, cần gọi ngay đến tổng đài của hãng hàng không để kiểm tra thông tin đặt chỗ, tránh rơi vào bẫy của các đối tượng lừa đảo. Trường hợp bị lừa đảo, cần trình báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất hoặc liên hệ số điện thoại đường dây nóng 113 để được hỗ trợ kịp thời.

Thực tế, giữa bối cảnh nhu cầu di chuyển tăng cao trong dịp lễ và vào hè, việc các đối tượng lợi dụng để thực hiện hành vi lừa đảo bán vé máy bay giá rẻ trên mạng là thủ đoạn tinh vi, cần được người dân nhận diện, cảnh giác và lên án. Các cơ quan chức năng, tổ chức truyền thông cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến phương thức, thủ đoạn lừa đảo, hướng dẫn người dân cách nhận biết và phòng, chống tội phạm công nghệ cao hiện nay.

THÙY LINH-HÀ CƯỜNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/canh-bao-lua-dao-ban-ve-may-bay-gia-re-dip-le-304-015-va-mua-du-lich-2025-post875971.html