Cảnh báo lừa đảo thương mại với doanh nghiệp xuất khẩu
Thời gian gần đây, nhiều Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài như Thụy Điển, Na Uy, Canada... đã đưa ra cảnh báo cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.
Thủ đoạn tinh vi
Mới đây 5 container hồ tiêu, quế, hoa hồi, điều... xuất khẩu sang các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE), với tổng trị giá 516.761 USD có dấu hiệu bị lừa đảo xuất khẩu theo hình thức thanh toán DP, trong đó có 4 container đã bị lấy ra khỏi cảng, nhưng các doanh nghiệp Việt Nam chưa được trả tiền hàng. Vụ việc vẫn đang trong quá trình xử lý...
Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Tham tán Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển cho biết, gần đây xuất hiện tình trạng mạo danh các công ty của Na Uy để lừa đảo các đối tác nước ngoài. Các đối tượng lừa đảo lập website giả danh các công ty xuất khẩu có thật, với đầu mối liên hệ là giả mạo. Thậm chí, có trường hợp, đối tượng lừa đảo tinh vi hơn khi lập hẳn website ngân hàng giả mạo. Lợi dụng tâm lý cho rằng Na Uy là một nước phát triển, hệ thống luật pháp chặt chẽ, các công ty làm ăn đảm bảo uy tín, một số công ty khi thấy hợp đồng có điều khoản hấp dẫn, nên đã tiến hành gấp sợ mất cơ hội và không kiểm tra kỹ thông tin về đối tác... Do đó, các đối tượng xấu đã lừa đảo được nhiều công ty của một số nước, trong đó có Việt Nam.
Tương tự, Thương vụ Việt Nam tại Canada mới đây cũng đã có cảnh báo các doanh nghiệp Việt Nam cần cảnh giác trước nhiều chiêu thức lừa đảo xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này. Theo bà Trần Thu Quỳnh, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Canada, hiện nay, một số cá nhân tự tiếp cận hồ sơ đăng ký kinh doanh của các doanh nghiệp lớn, có uy tín cao, có danh tiếng của Canada, tải đăng ký kinh doanh và dùng vỏ bọc của các doanh nghiệp; dùng tên của các chủ doanh nghiệp này để lừa đảo các doanh nghiệp Việt Nam.
Các hình thức lừa đảo phổ biến là: Gọi điện trực tiếp, email (đuôi email miễn phí như gmail, hotmail...) hoặc thông qua các ứng dụng Whatsapp, Viber để gửi hồ sơ đăng ký kinh doanh, tài khoản, số dư, chứng nhận nộp thuế... để xác nhận uy tín; sau đó trao đổi đặt hàng, gửi hợp đồng (thường yêu cầu giá CIF), đóng dấu đầy đủ...
Cẩn trọng khi giao dịch
Theo khảo sát của PWC năm 2022 tại Việt Nam, 52% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết đã trải nghiệm lừa đảo hoặc tội phạm kinh tế khác trong 2 năm trước thời điểm khảo sát. Đây là mức cao hơn khu vực châu Á - Thái Bình Dương (46%).
Theo đánh giá của các chuyên gia, một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp rơi vào tình huống tranh chấp, lừa đảo là do doanh nghiệp không kiểm tra thông tin đối tác môi giới, thị trường, ngân hàng, phương thức thanh toán. Mặt khác, đa số doanh nghiệp vẫn giấu thông tin, không trao đổi, chia sẻ với đồng nghiệp, hiệp hội ngành hàng, cơ quan quản lý Nhà nước... vì tâm lý sợ lộ thông tin, sợ mất đơn hàng.
Ông Ngô Khắc Lễ, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho biết, để hạn chế rủi ro trong thương mại quốc tế, doanh nghiệp Việt Nam nên chọn hình thức giao dịch đảm bảo an toàn như chỉ định ngân hàng quốc tế có uy tín tại nước nhập khẩu để thu tiền, ký hậu vận đơn (trong trường hợp dùng 1 bộ vận đơn). Chi phí tăng thêm không đáng kể so với trị giá lô hàng để bảo đảm an toàn. Nếu thông qua người môi giới, doanh nghiệp cần hiểu rõ địa vị pháp lý của người môi giới để sử dụng đúng, hạn chế rủi ro.
Doanh nghiệp cần thận trọng hơn với doanh nghiệp đối tác mới giao dịch lần đầu, có thể kiểm tra qua bạn hàng cùng hiệp hội ngành nghề. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể tìm hiểu đối tác qua sự giúp đỡ của đại sứ quán, thương vụ Việt Nam ở nước sở tại. Lựa chọn đối tác gần như là khâu quyết định của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Đối tác có uy tín, làm ăn lâu năm thì dù giá có tăng hay giảm, họ vẫn duy trì hợp đồng.
“Trong quá trình tư vấn cho các doanh nghiệp, không ít doanh nghiệp không yêu cầu đối tác phải đặt cọc. Đây là điểm bất lợi, doanh nghiệp nên yêu cầu khách mua hàng đặt cọc một số tiền để giảm thiệt hại khi người mua không nhận hàng; thông thường khoảng 10% trị giá lô hàng. Đây là điều khoản hợp lý”, ông Lễ chia sẻ.
Để tránh rủi ro, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) khuyến cáo, doanh nghiệp nên thông qua tổ chức đánh giá tín nhiệm hoặc các tổ chức tư vấn doanh nghiệp. Bên cạnh đó, một phương thức để doanh nghiệp có thể hạn chế rủi ro là thông qua các doanh nghiệp dịch vụ logistics uy tín. Ngoài ra, bản thân doanh nghiệp phải luôn chủ động nâng cao nhận thức thông qua làm việc với các đơn vị tư vấn luật hoặc luật sư trong suốt quá trình kinh doanh, không phải chỉ khi tranh chấp xảy ra.
Đồng thời, doanh nghiệp cần thường xuyên chia sẻ, cập nhật thông tin, nâng cao ý thức cảnh giác với những dấu hiệu bất thường như người mua sử dụng địa chỉ email miễn phí để giao dịch, đưa ra những yêu sách dồn dập, lảng tránh việc gặp mặt và tiếp xúc trực tiếp, đặt mua những lô hàng đầu với số lượng nhỏ và sau đó đột nhiên đặt hàng với số lượng lớn...