Cảnh báo mặt trái của xu hướng làm đẹp không xâm lấn
Xu hướng làm đẹp, thẩm mỹ tự nhiên, không phẫu thuật được nhiều người quan tâm nhưng tiềm ẩn rủi ro khi tin quảng cáo sai lệch và kỳ vọng quá cao.
Hội nghị Da liễu thẩm mỹ toàn quốc lần thứ 8 do Bệnh viện Da liễu Trung ương tổ chức, đã khai mạc tối 22-5, tại Kiên Giang.
PGS-TS Lê Hữu Doanh, Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương, cho biết đây là diễn đàn quan trọng để chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và cập nhật các tiến bộ mới trong chuyên ngành da liễu thẩm mỹ, tập trung vào các nghiên cứu, kỹ thuật và xu hướng thẩm mỹ nội khoa trong điều trị da liễu hiện đại.

PGS-TS Lê Hữu Doanh, Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương
Cảnh báo "một mũi tiêm, cả năm đẹp"
Hội nghị diễn ra trong ba ngày với hội thảo chuyên đề "Công nghệ trẻ hóa làn da", hai phiên toàn thể và 20 phiên chuyên sâu, thu hút hơn 1.500 đại biểu trong nước và 11 chuyên gia quốc tế từ Pháp, Ý, Hàn Quốc, Thái Lan, Mỹ…, khẳng định sự hội nhập sâu rộng của ngành da liễu với y học thế giới.
Bên cạnh các báo cáo về kỹ thuật laser, tiêm chất làm đầy, căng chỉ, điều trị sẹo, nám, tái tạo và tạo hình khuôn mặt, việc chia sẻ kinh nghiệm xử lý biến chứng trong thẩm mỹ tiếp tục là chủ đề được giới chuyên môn đặc biệt quan tâm.
Bác sĩ Chu Tấn Thịnh, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kiên Giang, cho biết da liễu hiện không chỉ điều trị bệnh thông thường mà còn mở rộng sang dịch tễ học, miễn dịch da, da liễu cộng đồng, thẩm mỹ và đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao trong chẩn đoán, điều trị. Hội nghị là dịp kết nối tri thức, thúc đẩy hợp tác khoa học và định hướng phát triển ngành da liễu trong bối cảnh hội nhập.

Điều trị, chăm sóc da bệnh lý cho người bệnh tại Bệnh viện Da liễu Trung ương
Theo các chuyên gia, những năm gần đây, thẩm mỹ da liễu chứng kiến sự bùng nổ của nhiều xu hướng như dùng retinol, tretinoin để lột da, peel da tại nhà, tiêm meso, BAP, filler…
Xu hướng làm đẹp sinh học với phương pháp tăng sinh và tái tạo tự nhiên, không phẫu thuật, được nhiều người quan tâm. Dù đây là hướng đi tích cực, an toàn, ít xâm lấn, nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro nếu người dùng bị cuốn theo quảng cáo sai lệch và kỳ vọng quá mức.
"Không ít người tin rằng chỉ cần một mũi tiêm chứa chất A hay B là có thể thay thế hoàn toàn filler hoặc bằng cả năm chăm sóc da tại nhà, đặc biệt khi sản phẩm gắn mác tế bào gốc, tế bào tự thân... Điều này dễ dẫn tới lạm dụng, mất tiền, thậm chí biến chứng nặng nếu thực hiện ở cơ sở kém chất lượng" - PGS Doanh cảnh báo.
Ông nhấn mạnh, làm đẹp an toàn cần cân nhắc đến nền tảng da, phương pháp và nơi thực hiện, không nên đặt niềm tin mù quáng vào những lời quảng cáo.
Nguy cơ từ kem chống nắng kém chất lượng
Liên quan đến lo ngại về hiệu quả và độ an toàn của sản phẩm chống nắng sau vụ kem ghi nhãn SPF 50 nhưng kiểm nghiệm chỉ đạt SPF 2,4, PGS Lê Hữu Doanh cho biết kem chống nắng hiện có ba nhóm chính: vật lý, hóa học và sinh học. Các sản phẩm này không chỉ chống tia UVA, UVB mà một số còn bảo vệ da khỏi ánh sáng xanh từ thiết bị điện tử."
PGS Lê Hữu Doanh chia sẻ về hiệu quả thực sự của các sản phẩm chống nắng và những lưu ý khi sử dụng
Hầu hết mọi người cho rằng chỉ số SPF càng cao thì càng tốt vì khả năng bảo vệ da chống lại tia UV càng cao. Tuy nhiên, trên thực tế thì điều này không hoàn toàn đúng. Vì vậy, người dùng cần hiểu rõ thành phần, chỉ số SPF, PA và khả năng bảo vệ của sản phẩm trước khi lựa chọn.
Ông cảnh báo nếu sử dụng kem chống nắng không đúng loại hoặc không đạt hiệu quả bảo vệ cần thiết, làn da sẽ không được bảo vệ khỏi tác động có hại của tia UV.
Điều này không chỉ làm tăng nguy cơ lão hóa da, sạm nám, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến những người mắc các bệnh lý da nhạy cảm với ánh nắng như lupus ban đỏ, viêm da ánh sáng...
Thậm chí, ở những bệnh nhân đang điều trị bằng thuốc nhạy cảm ánh sáng, việc không dùng kem chống nắng đúng cách có thể khiến tình trạng bệnh trầm trọng hơn.

Kem chống nắng do Đoàn Di Băng quảng cáo ghi chỉ số chống nắng 50 nhưng kiểm nghiệm chỉ đạt 2,4
PGS Doanh cũng cho biết gần đây bệnh viện tiếp nhận, điều trị nhiều bệnh nhân đến khám trong tình trạng biến chứng do dùng sản phẩm chăm sóc da không rõ nguồn gốc, thường gặp nhất là viêm da tiếp xúc, kích ứng hoặc phản ứng do thành phần dược, hóa chất có trong mỹ phẩm mà người dùng không biết hoặc không được thể hiện trên nhãn sản phẩm.