Cảnh báo một mùa hè đổ lửa
Cuối tháng 4, đầu tháng 5, khi mà cao điểm mùa hè chưa tới thì Ấn Độ, Pakistan và một số quốc gia Nam Á đã phải chịu đựng những đợt nắng nóng kéo dài. Mặt trời chói chang ngay từ sáng sớm và cứ đổ lửa xuống cho tới hơn 6 giờ chiều. Nhiều dòng sông đã dần cạn nước. Sinh hoạt của người dân bị đảo lộn. Nhưng, không chỉ châu Á mà cả châu Phi nắng nóng cũng đã tấn công, cảnh báo một mùa hè dữ dội.
“Thử thách giới hạn sinh tồn của con người”
Cục Khí tượng Ấn Độ (IMD) cho biết, nhiệt độ tối đa trung bình ở vùng tây bắc và miền trung nước này trong tháng 4 là cao nhất, tính từ kỷ lục được thiết lập cách đây 122 năm, lần lượt là 35,9 và 37,78 độ C. Người dân ở Kolkata (bang Tây Bengal) nói với CNN rằng, họ đang đợi cao điểm mùa hè nóng bỏng đến mà không có cách nào tự vệ.
Cuối tháng 4, New Delhi đã phải oằn mình trước đợt nắng nóng kéo dài 7 ngày, khi mà nhiệt độ liên tiếp trên 40 độ C, cao hơn 3 độ so với nhiệt độ trung bình tháng 4 của nhiều năm. Ở một số bang, nắng nóng đã buộc các trường học phải đóng cửa, làm hư hại mùa màng và gây áp lực lên nguồn cung năng lượng, khi giới chức cảnh báo cư dân nên ở trong nhà và uống nhiều nước. Các thành phố Jacobabad và Sibi ở tỉnh Sindh phía đông nam Ấn Độ đã ghi nhận mức nhiệt độ kỷ lục là 47 độ C vào ngày cuối cùng của tháng 4.
Người ta trông đợi một trận mưa nhưng nền trờ lúc nào cũng xanh trong, không một bóng mây. Giới chuyên gia khí tượng cho rằng, khủng hoảng khí hậu sẽ gây ra các đợt nắng nóng thường xuyên hơn và kéo dài hơn.
Trong khi đó, tiến sĩ Chandni Singh (Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu -IPCC, Ấn Độ) nhận định đợt nắng nóng vắt từ tháng 4 sang tháng 5 ở quốc gia 1,3 tỉ dân này có thể là chưa từng có.
“Chúng tôi đã thấy sự thay đổi về cường độ, thời điểm xuất hiện và quãng thời gian mà sóng nhiệt diễn ra. Điều đó sẽ có những tác động lớn đến sức khỏe con người. Đặc biệt, từ giữa tháng 5 cho tới cuối tháng 6, mới là cao điểm mùa hè, tình hình sẽ còn phức tạp hơn”- ông Singh nói và cho rằng điều đó sẽ thử thách giới hạn sinh tồn của con người.
Tại bang Punjab - nơi được coi là “vựa bánh mì của Ấn Độ”, nắng nóng khiến hàng triệu người làm nông “bó tay” đứng nhìn những cánh đồng lúa mì khô khốc. “Do nắng nóng, sản lượng đã giảm hơn hơn 5 tạ/ha trong tháng 4”- lãnh đạo cơ quan nông nghiệp ở Pubjab, ông Gurvinder Singh, cho biết. Cũng tại khu vực này, người dân chỉ được dùng điện 9 tiếng mỗi ngày.
“Sống trong hỏa ngục”
Pakistan, quốc gia láng giềng với Ấn Độ, nắng nóng khiến nhiều nơi như “đang sống trong hỏa ngục”. “Đây là lần đầu tiên trong nhiều thập niên, Pakistan trải qua tình trạng mà nhiều người gọi là “năm không có mùa xuân” - Bộ trưởng Bộ Biến đổi khí hậu Pakistan, ông Sherry Rehman, nói và mô tả rằng phải trú ẩn trong nhà vào ban ngày và làm việc vào ban đêm, thiếu nước, thiếu điện trầm trọng giữa nhiệt độ liên tục ở mức gần 50 độ C là những gì người dân ở thành phố Turbat hứng chịu suốt nhiều tuần qua.
“Chúng tôi đang sống trong hỏa ngục” - ông Nazeer Ahmed, cư dân thành phố Turbat, nói với tờ The Guardian. Trong khi đó, nông dân ở tỉnh Balochistan gần như mất trắng các vườn táo, có ngày bị cắt điện tới 18 giờ. Ngày 30/4 vừa qua, nhiệt độ lên tới 49 độ C và đã trở thành một trong những “kỷ lục thế giới” đáng sợ nhất.
Ông Ahmed nói với truyền thông rằng: “Nếu các anh còn nghi ngờ nhiệt độ ở đây thì chỉ cần nhìn lũ trẻ sẽ biết vì quá nóng nên rất nhiều đứa bị chảy máu cam”.
Vẫn theo Bộ trưởng phụ trách về khí hậu của Pakistan Sherry Rehman, trong khi một số nơi khô hạn cùng cực, đợt nắng nóng lại khiến các sông băng ở phía bắc đất nước tan chảy với tốc độ chưa từng có, dẫn đến nguy cơ lũ lụt ở nhiều vùng khác.
Tuy nhiên, theo Tổ chức Khí tượng thế giới, nhiệt độ “địa ngục” ở Ấn Độ và Pakistan là điều đã dự đoán trước, đồng thời cảnh báo các đợt nắng nóng sẽ còn thường xuyên hơn, gay gắt hơn và bắt đầu sớm hơn mỗi năm. Tất cả đều do biến đổi khí hậu làm Trái đất ấm lên, làm gia tăng sự cực đoan của thời tiết.
Nắng nóng, bão cát và hạn hán
Tại châu Phi, mùa hè năm nay cũng đến sớm. Nhưng đáng ngại hơn là nắng nóng lại mang theo những cơn bão cát và nạn hạn hán. Hầu như không có một giọt mưa nào ở làng Hargududo trong 18 tháng, xác dê, bò và lừa chết khô rải rác trên mặt đất gần những túp lều tranh ở vùng Somali, Ethiopia.
Theo Liên hợp quốc, đợt hạn hán tồi tệ nhất xảy ra ở vùng Sừng châu Phi trong nhiều thập kỷ đang đẩy 20 triệu người tại đây vào cảnh chết đói, phá hủy lối sống lâu đời và khiến nhiều trẻ em bị suy dinh dưỡng trầm trọng.
Tháng 4 được coi là một trong những tháng ẩm ướt nhất trong năm ở khu vực này. Tuy nhiên, không khí ở làng Hargududo nóng và khô, bụi bặm và cằn cỗi. Nhiều gia súc thuộc 200 gia đình chăn nuôi bán du mục trong làng đã bị chết.
Những người có “300 con dê trước khi hạn hán nay chỉ còn lại 50 đến 60 con. Đối với một số người, không có con nào sống sót”- Hussein Habil, 52 tuổi, cư dân ở làng Hargududo nói với phóng viên AFP.
Tuy nhiên, tình trạng hạn hán tồi tệ đang diễn ra trên toàn bộ vùng đất phía Nam Ethiopia và các nước láng giềng Kenya và Somalia chứ không chỉ có trong một làng, một tỉnh nào đó.
Với riêng Ethiopia, theo Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA), có tới 6,5 triệu người (chiếm hơn 6% dân số) đang trong tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng vì hạn hán. Thiếu mưa gây ra hạn hán đã khiến gần 1,5 triệu gia súc bị chết. Số gia súc sống sót đã kiệt sức, giá trị của chúng cũng giảm mạnh.
“Cả một cộng đồng đang tan rã vì mất gia súc, đe dọa lối sống của những người chăn nuôi. Dân làng buộc phải rời bỏ nhà cửa để tìm việc ở thành phố, gia đình bị chia cắt, trẻ em bị bỏ rơi khi cha mẹ chúng tập trung vào việc cố gắng cứu vật nuôi, điều cần thiết để duy trì cuộc sống của họ”- mô tả của OCHA.
Mùa hè năm nay vì thế được coi là hết sức dữ dội với những cảnh báo nóng bỏng ngay từ lúc này.
Thế giới đã từng phải chịu đựng những mùa hè khủng khiếp. Trong đó có thể kể đến:
-Tháng 7/1936: Khắp nước Mỹ có tới 997 người thiệt mạng trong đợt nắng nóng kéo dài 10 ngày với nền nhiệt độ lên tới 49 độ C. Riêng thành phố New York có 76 người thiệt mạng.
Tháng 8/1948: Nhiệt độ ở thành phố New York lên tới 42 độ C khiến 33 người thiệt mạng.
Tháng 6/1995: Đợt nắng nóng kéo dài trong 5 ngày được coi tồi tệ nhất lịch sử, tại Chicago đã có tới 750 người thiệt mạng, hơn 3.000 người phải nhập viện.
-Mùa hè 2003: Đợt nắng nóng kỷ lục ở châu Âu cướp đi sinh mạng của 40.000 người, nhiều nhất là ở Pháp (14.802 người). Nhiệt độ ở miền bắc nước Pháp nóng kinh hoàng trong vòng 7 ngày, ở khoảng 40 độ C.
-Năm 2007: Đợt nắng nóng rộng khắp châu Á kéo dài từ tháng 5 đến tháng 9 với nền nhiệt trung bình lên tới 40 độ C, trong đó Ấn Độ, Pakistan, Nepal, Nga, Nhật Bản và Trung Quốc là các quốc gia chịu ảnh hưởng. Riêng tại Nhật Bản, có tới 900 người tử vong vì sốc nhiệt.
-Năm 2009: Vào tháng 1 nắng nóng 43 độ C liền trong vòng 3 ngày tại miền Đông Nam Australia khiến điều hòa chạy liên tục, mạng lưới điện quá tải, gây mất điện và cháy rừng. Nhiệt độ cao nhất ở Hopetoun, Victoria là 49 độ C, Melbourne 46 độ C. Nắng nóng dẫn đến cháy rừng ở Victoria và đám cháy đã lan rộng khiến 173 người tử vong.
-Tháng 7/2010: Là một đất nước khí hậu ôn đới nhưng Nga đã phải hứng chịu đợt nắng nóng tồi tệ nhất trong lịch sử khi nhiệt độ vượt ngưỡng 40 độ C. Ở một số nơi như Yashkul, Belogorsk mức nhiệt lên tới 44 độ C. Nắng nóng gây ra hơn 50 vụ cháy làm thiệt hại hơn 86.000 ha rừng ở nước này.
-Mùa hè năm 2010: Nắng nóng khiến 100 người thiệt mạng ở Montreal, Canada.
-Tháng 5/2015: Nhiều thành phố ở Ấn Độ chìm trong nắng nóng nghiêm trọng với mức nhiệt ban ngày cao nhất chạm mốc 50 độ C. Đợt nắng nóng này khiến hơn 1.400 người thiệt mạng và nhiều người phải nhập viện.
Tháng 6/2016: Trong nhiều tuần, nắng nóng xuất hiện ở miền bắc Ấn Độ, thành phố Allahabad thuộc bang Uttar Pradesh đạt ngưỡng 48 độ C.
-Tháng 6/2015: Khoảng 1.200 người đã tử vong trong một đợt nắng nóng xảy ra ở miền Nam Pakistan. Gần 2/3 trong số này là người vô gia cư. Tại thành phố Phalodi, thuộc bang sa mạc Rajasthan ghi nhận nhiệt độ lên tới 51 độ C khiến một số bệnh viện phải dành riêng các giường để điều trị cho những người bị sốc nhiệt.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/canh-bao-mot-mua-he-do-lua-5685758.html