Cảnh báo một số bệnh lý về não từ dấu hiệu thường xuyên chóng mặt, đau đầu
Thời gian gần đây, số lượng bệnh nhân tại Đồng bằng sông Cửu Long đến các bệnh viện khám bệnh do chóng mặt, đau đầu gia tăng.
Đây được coi là căn bệnh “thời đại” do chế độ ăn uống, nghỉ ngơi cũng như vận động chưa khoa học. Do đó, việc điều chỉnh nếp sinh hoạt sẽ cải thiện đáng kể tình trạng bệnh. Tuy nhiên, theo báo cáo của các trung tâm y tế, thường xuyên chóng mặt, đau đầu còn là dấu hiệu cảnh báo của một số bệnh lý về não, tỉ lệ tử vong cũng như những biến chứng để lại sau can thiệp cao.
Cuối tháng 4/2020, Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ tiếp nhận trường hợp bệnh nhân Trần Thị Th. (sinh năm 1991, ngụ tại Cần Thơ) nhập viện vì triệu chứng đau đầu, chóng mặt bắt đầu từ ngày 19/4 và ngày càng tăng. Bệnh nhân cho biết đã điều trị bằng thuốc giảm đau nhiều ngày không khỏi. Khai thác bệnh sử, bệnh nhân có uống thuốc ngừa thai trong thời gian dài.
Sau khi chụp cộng hưởng từ não - mạch não kết hợp khảo sát động - tĩnh mạch, xét nghiệm máu D-Dimer, bệnh nhân được chẩn đoán bị huyết khối tĩnh mạch nội sọ. Đây là hiện tượng hình thành các cục máu đông trong các tĩnh mạch và xoang tĩnh mạch của não, khiến não không được cung cấp đủ máu nuôi. Bệnh nhân Th được điều trị bằng thuốc kháng đông máu nhằm giảm thiểu việc hình thành các cục máu đông, ngưng thuốc tránh thai. Bệnh được phát hiện sớm nên việc điều trị giúp bệnh nhân không có biến chứng gì.
Bác sĩ Trương Yến Trân, Khoa Nội thần kinh - Cơ xương khớp cho biết: Bệnh huyết khối tĩnh mạch nội sọ được ghi nhận gia tăng nhanh số lượng các ca mắc trong thời gian gần đây, trong đó, nhiều bệnh nhân nhập viện với triệu chứng ban đầu khá mơ hồ là chóng mặt, nhức đầu. Bệnh gặp nhiều ở nữ hơn nam do có liên quan đến thời kỳ mang thai, hậu sản ở nữ. Ngoài ra, người bệnh sẽ có nguy cơ cao nếu đang uống thuốc ngừa thai, nhiễm trùng tai mũi họng, ung thư, tình trạng tăng đông, chấn thương đầu, chọc dò tủy sống… Tuy nhiên khoảng 1/3 trường hợp không tìm được nguyên nhân.
Triệu chứng thường gặp nhất là chóng mặt, đau đầu. Ngoài ra, khi bệnh tiến triển nặng hơn còn có biểu hiện giảm ý thức, co giật và dấu thần kinh khu trú. Để chẩn đoán xác định cần dựa vào hình ảnh học: CT, MRI tĩnh mạch sọ não, cần thiết có thể chụp DSA tĩnh mạch não. Trong quá trình điều trị, quan trọng nhất là kháng đông, ngoài ra kết hợp điều trị các biến chứng đi kèm như tình trạng tăng áp lực nội sọ, động kinh… điều trị nguyên nhân nếu tìm thấy.
Bệnh cũng có thể khởi phát đột ngột như các thể đột quỵ mạch máu não khác hoặc cũng có thể tiến triển chậm như u não. Đây là bệnh lý dễ bị bỏ sót vì không có triệu chứng riêng biệt nổi bật trong giai đoạn sớm nên cần đến cơ sở y tế thăm khám, kiểm tra bằng hình ảnh học khi có biểu hiện, đặc biệt ở những người có các yếu tố nguy cơ kể trên.
Bác sỹ Trương Yến Trân cho biết thêm, khi phát hiện huyết khối tĩnh mạch nội sọ nên điều trị càng sớm càng tốt. Do vậy, việc chẩn đoán sớm huyết khối tĩnh mạch nội sọ giúp bệnh nhân tránh được các biến chứng như tai biến, động kinh, tụt não… và khi bệnh nhân vào viện sớm có ý nghĩa rất lớn đối với việc cấp cứu, điều trị.
Ngày 13/4, Bệnh viện Đột quỵ - Tim mạch SIS Cần Thơ tiếp nhận trường hợp nữ bệnh nhân N.P.U. (45 tuổi, ngụ tại Cần Thơ) trong tình trạng chóng mặt, đau đầu, uể oải, yếu nửa người phải. Kết quả chụp MRI cho thấy: bệnh nhân có huyết khối làm tắc hoàn toàn xoang tĩnh mạch dọc trên. Ngay lập tức, bệnh nhân được can thiệp DSA để hút huyết khối. Rất nhiều cục máu đông được hút ra (nhiều gấp 2 - 3 lần huyết khối động mạch), do đường kính của tĩnh mạch lớn hơn động mạch. Sau can thiệp, bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn, đi đứng bình thường.
Bác sĩ Trần Chí Cường - Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đột quỵ - Tim mạch Cần Thơ cho biết: Xoang tĩnh mạch dọc trên là đường thoát của hệ tĩnh mạch não. Bình thường để nuôi một cơ quan, máu đi vào đường động mạch và đi ra đường tĩnh mạch, tuần hoàn não cũng vậy, đòi hỏi có sự lưu thông của động mạch đi vào và tĩnh mạch đi ra. Nếu máu từ động mạch đi vào được mà không đi ra được thì bệnh nhân sẽ bị phù não, xuất huyết não, không cấp cứu và điều trị kịp thời thì khả năng tử vong gần như 100%.
Theo bác sĩ Cường, đột quỵ nhồi máu não là mạch máu bị tắc nghẽn, nguồn máu đi vào không có, làm cho phần não chết đi. Còn trường hợp huyết khối xoang tĩnh mạch dọc trên thì ngược lại, máu đi vào đầy đủ bình thường, nhưng máu đi ra bị tắc nghẽn. Nếu xoang dọc trên chỉ bị huyết khối bít/tắc một phần nhỏ thì có thể điều trị thành công bằng những phương pháp thông thường, đó là dùng thuốc chống đông máu, ngăn không cho cục máu đông hình thành. Tuy nhiên, nếu huyết khối bít, tắc 2/3 hoặc hoàn toàn xoang dọc trên thì bệnh nhân có thể diễn tiến nặng và tử vong bất cứ lúc nào. Phương pháp điều trị tối ưu nhất là khai thông mạch máu bị tắc, đòi hỏi phải có trang thiết bị hiện đại (máy chụp DSA) và bác sĩ can thiệp thần kinh giàu kinh nghiệm.
Về yếu tố nguy cơ, bác sĩ Cường cho biết: Rất nhiều trường hợp huyết khối xoang dọc trên liên quan tới bệnh nhiễm trùng vùng hệ thần kinh trung ương như: viêm tai xương chũm, huyết khối liên quan đến bệnh nhiễm trùng, nhiễm trùng huyết… hoặc uống thuốc ngừa thai trong thời gian dài.