Cảnh báo mưa dông, tố lốc khi miền Bắc đón không khí lạnh
Sau ngày 30/4, khoảng ngày 1-3/5 có khả năng xảy ra một tương tác giống như tương tác của hình thế thời tiết ngày 24/4 vừa rồi, tức là nền nhiệt cao có một chút không khí lạnh gây ra hiện tượng mưa dông, tố lốc, mưa đá...
Mưa dông, lốc sét sau nắng nóng kỷ lục 10 năm
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày 29 và 30/4, khu vực Tây Bắc Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng đặc biệt gay gắt với nền nhiệt cao nhất phổ biến từ 39-42 độ C, có nơi trên 42 độ C. Độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến từ 30-35%.
Các khu vực khác ở Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nền nhiệt cao nhất phổ biến từ 35-39 độ C, có nơi trên 39 độ C. Độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến từ 40-50%. Khu vực từ Khánh Hòa đến Bình Thuận có nắng nóng với nền nhiệt cao nhất phổ biến từ 35-36 độ C, có nơi trên 36 độ C. Độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến từ 50-55%.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia dự báo nắng nóng có khả năng giảm dần từ ngày 1-2/5 ở Bắc Bộ và Trung Bộ; từ ngày 4-5/5 ở Tây Nguyên và Nam Bộ. Độ rủi ro thiên tai do nắng nóng cấp 1; riêng khu vực Sơn La, Hòa Bình và từ Thanh Hóa đến Phú Yên cấp 2.
Từ chiều tối và đêm 30/4-1/5, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường yếu kết hợp với hội tụ gió trên cao, thời tiết Hà Nội có khả năng có mưa rào và giông rải rác, nắng nóng suy giảm. Trong ngày 1/5, nhiệt độ cao nhất hạ liền 8 độ so với trước đó, trời dịu mát.
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết: "Theo đánh giá của chúng tôi, kỳ nghỉ lễ năm nay có thời tiết tương đối đặc biệt. Thống kê của chúng tôi trong giai đoạn 10 năm qua cho thấy chưa có năm nào mà cả 3 miền Bắc-Trung-Nam cùng xảy ra nắng nóng trong dịp 30/4 và 1/5".
Hiện nay đang trong giai đoạn chuyển mùa, thường xuyên có sự tranh chấp của các khối khí có đặc điểm khác nhau, khí quyển trở nên bất ổn định hơn nên mưa dông cũng xảy ra nhiều hơn so với các thời điểm khác trong năm. Trong một số trường hợp ổ dông có đối lưu phát triển mạnh thì ngoài việc gây ra mưa to có có thể kèm theo hiện tượng mưa đá và gió giật mạnh.
Trường hợp dông ngày 24/4 ở khu vực giữa Hòa Bình và Sơn La là một ví dụ điển hình, nguyên nhân là do ảnh hưởng rìa phía nam của một khối không khí lạnh yếu, kết hợp với hoạt động một vùng hội tụ gió trên độ cao 1500m được tạo ra bởi rìa phía tây của lưỡi áp cao cận nhiệt đới (khối không khí biển lấn từ phía đông vào), cộng thêm gió tây nam di chuyển từ vùng Thượng Lào sang, hội tụ ở khu vực dọc kinh tuyến 105.
Ông Hưởng cho biết, theo số liệu vệ tinh ước tính nhiệt độ đỉnh mây đối lưu thời điểm dông ở mức -81,2 độ C. Đây là dấu hiệu cho thấy tháp mây đối lưu phát triển rất dữ dội. Độ cao khối mây có thể trên 10km. Sự bột phát của những tháp mây như vậy thường xuất hiện vào giai đoạn giao mùa và gây ra dông lốc mạnh hoặc mưa đá.
"Chúng tôi dự báo sau ngày 30/4, khoảng ngày 1-3/5 có khả năng xảy ra một tương tác giống như tương tác của hình thế thời tiết ngày 24/4 vừa rồi, tức là nền nhiệt cao có một chút không khí lạnh gây ra hiện tượng mưa dông ở khu vực phía Bắc Bộ, trong đó trọng tâm của khu vực và vùng núi Trung du Bắc Bộ trong khoảng đêm 30/4, ngày 1/5 có khả năng xảy ra hiện tượng mưa giông lốc và gió giật mạnh", ông Hưởng nói.
Ứng phó với dông lốc bất ngờ
Ông Nguyễn Văn Hưởng cho biết, tùy theo từng vùng, miền, thời gian xảy ra hiện tượng dông nhiều ở mỗi địa phương một khác nhau. Mặc dù vậy, nhìn chung ở nước ta mùa dông thường bắt đầu từ cuối tháng 3 và kết thúc vào khoảng cuối tháng 11, đầu tháng 12. Lốc thường xảy ra trong khoảng từ tháng 4 đến tháng 10. Ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, trong mùa Đông hầu như không có hiện tượng này. Lốc xoáy thường xảy ra vào mùa Hè, nhất là ở những vùng núi và vùng sát biển. Ở Nam Bộ, hiện tượng gió lốc trong mùa Hè không phổ biến như ở Bắc Bộ và Trung Bộ.
Theo chuyên gia, rất khó nhận biết và dự báo khi nào sẽ có mưa đá. Do đó, để giảm thiểu thiệt hại do mưa đá gây ra thì việc chủ động phòng ngừa vẫn là giải pháp chính.
Để chủ động ứng phó mưa đá, khi xảy ra mưa đá, người dân nên tìm chỗ trú ẩn an toàn, tập trung ở những ngôi nhà mái bằng, mái tôn kiên cố. Nếu ở trong nhà lợp Fibroxi măng thì nên tìm nơi có thể "trốn" được như gầm bàn, gầm giường, tìm các vật cứng để che đầu đề phòng đá rơi vỡ ngói.
Về lâu dài, để đề phòng mưa đá có thể xảy ra, quá trình xây dựng nhà cửa, bà con nên lưu ý kết cấu khung mái, xà gồ phải sử dụng vật liệu chịu lực tốt, chống ăn mòn, được gia cố cẩn thận. Khi làm mái nhà, nên thiết kế dốc nhiều xuống hai bên, cách dựng mái nhà này sẽ làm giảm lực tác động từ mưa đá, giúp giảm thiệt hại do mưa đá gây ra.
Theo chuyên gia, vấn đề cần lưu ý là khó có thể dự báo xa được những hiện tượng dông lốc sét, mưa đá mà chỉ có thể tập trung cảnh báo sớm. Vì thế, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia khuyến cáo trong giai đoạn giao mùa người dân nên cập nhật thường xuyên các bản tin dự báo thời tiết; đặc là cảnh báo liên quan đến hiện tượng dông lốc sét, mưa đá. Đồng thời khi có các cảnh báo sớm, người dân nên tránh ra khỏi nhà vào những thời điểm có mưa dông, tìm nơi tránh trú an toàn.
Cũng theo đại diện cơ quan khí tượng, thời gian tới hiện tượng lốc sét mưa đá này vẫn còn khả năng xảy ra ở các tỉnh miền Bắc, miền Trung và miền Nam bởi vì từ nay đến đầu tháng 6 là giai đoạn giao mùa. "Hiện tượng dông lốc sét và mưa đá này năm nay còn có thể xảy ra nhiều và dữ dội hơn vì nền nhiệt cao hơn so với trung bình nhiều năm" - ông Hưởng cảnh báo.