Cảnh báo ngập lụt theo thời gian thực: 'Lá chắn' công nghệ trước thời tiết cực đoan
Trong bối cảnh nhiều cơn bão hiện nay diễn biến phức tạp, việc tiếp cận thông tin thời tiết theo thời gian thực không chỉ giúp người dân chuẩn bị ứng phó kịp thời mà còn giảm thiểu rủi ro về người và tài sản.
Người dân chủ động ứng phó thiên tai bằng công nghệ
Hiện nay, có nhiều nền tảng số và ứng dụng miễn phí cho phép theo dõi tình hình mưa bão, ngập lụt một cách trực quan. Một trong những công cụ hữu ích nhất là hệ thống Hymetnet - radar thời tiết thời gian thực của Việt Nam. Được phát triển bởi Trung tâm Kỹ thuật Quan trắc Khí tượng Thủy văn, hệ thống này cập nhật dữ liệu mỗi 5 - 10 phút, cho phép người dùng theo dõi các vùng mưa, sét, lượng mưa tích lũy từ 17 trạm radar trải dài trên toàn quốc.
Những bản đồ động giúp người dân nhận biết sớm các vùng có khả năng mưa lớn, lũ quét hoặc giông sét. Ngoài ra, người dân ở khu vực miền núi có thể truy cập vào website https://luquetsatlo.nchmf.gov.vn để nắm bắt khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Trong thời tiết xấu, thông tin này có thể cứu mạng và hỗ trợ việc sơ tán kịp thời.
Một ứng dụng phổ biến khác là Windy (windy.com), tích hợp dữ liệu từ các trung tâm dự báo lớn như GFS (Mỹ), ECMWF (châu Âu). Windy cung cấp bản đồ tương tác về sức gió, lượng mưa, hướng đi của bão và mức độ ảnh hưởng thời gian thực.
Đối với người dân Hà Nội, công cụ giám sát ngập lụt cụ thể theo từng tuyến phố đã được triển khai thông qua hệ thống HSDC Maps. Cập nhật từ camera thực tế, hệ thống này cung cấp thông tin ngập úng trên Cổng thông tin điện tử Hà Nội (hanoi.gov.vn) và website của Công ty Thoát nước Hà Nội (thoatnuochanoi.vn). Ứng dụng đi kèm cũng gửi cảnh báo trực tiếp đến người dân.
Ngoài ra, các website chính thức của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia như thoitietvietnam.gov.vn và nchmf.gov.vn vẫn là nguồn tin chuẩn xác nhất, cung cấp thông tin tổng hợp về mưa, lũ, điểm ngập và cảnh báo sớm trên cả nước.
Cảnh báo theo thời gian thực - bước tiến vượt bậc
Cùng với các công cụ cập nhật thời tiết, Việt Nam đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại vào hệ thống cảnh báo ngập lụt theo thời gian thực - một bước tiến vượt bậc trong quản lý rủi ro thiên tai.
Tại Hà Nội, các cảm biến mực nước đã được lắp đặt ở các điểm thoát nước trọng yếu. Khi có mưa lớn, dữ liệu sẽ được truyền về Trung tâm để phân tích, giúp các cơ quan chức năng nhận biết sớm nguy cơ ngập cục bộ. Không dừng ở đó, việc nghiên cứu triển khai công nghệ Flood4Cast, với sự hỗ trợ của Vương quốc Bỉ, đang được thử nghiệm tại Hà Nội và Đà Nẵng. Flood4Cast cho phép dự báo ngập chi tiết theo tuyến đường, xác định phạm vi và độ sâu ngập tính từ 3 - 6 giờ.
Bên cạnh đó, nghiên cứu của nhóm TS Trần Anh Phương và các nhà khoa học (Viện Khoa học Tài nguyên nước), đã phát triển hệ thống cảnh báo lũ, lụt và hạn hán theo thời gian thực trên nền tảng WebGIS. Hệ thống này tự động thu thập và xử lý dữ liệu từ các cảm biến đo mưa, mực nước, kết hợp trí tuệ nhân tạo (AI) và mô hình toán học để đưa ra dự báo chính xác mà không cần vận hành thủ công. Điểm đặc biệt của hệ thống là khả năng gửi email, tin nhắn tự động khi chỉ số vượt ngưỡng nguy hiểm. Đồng thời, người dân ở vùng ngập có thể gửi ảnh, tọa độ cần cứu hộ trực tiếp lên bản đồ. Những thông tin này hỗ trợ đắc lực cho lực lượng chức năng trong việc lập kế hoạch cứu hộ, sơ tán dân cư và điều phối giao thông trong điều kiện thời tiết xấu.
Việc theo dõi mưa bão và cảnh báo ngập lụt theo thời gian thực đã và đang trở thành xu hướng tất yếu trong bối cảnh diễn biến khí hậu ngày càng cực đoan. Với sự hỗ trợ của công nghệ, từ cảm biến, AI đến bản đồ số, người dân Việt Nam có thể chủ động bảo vệ bản thân và cộng đồng trước thời tiết cực đoan. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để các cơ quan chức năng nâng cao năng lực dự báo, lập kế hoạch ứng phó và xây dựng đô thị an toàn, thích ứng với biến đổi khí hậu trong tương lai.
Tiếp tục phối hợp nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo sự cố thiên tai, thảm họa
Chiều 23/7, Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia tổ chức Hội nghị rút kinh nghiệm hoạt động phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Theo thông tin tại Hội nghị, từ đầu năm đến ngày 20/7/2025, trên cả nước xảy ra 3.154 sự cố, thiên tai, tai nạn, làm 389 người chết, 144 người mất tích. Đặc biệt, gần đây khi bão số 3 đổ bộ vào các tỉnh từ Ninh Bình đến Thanh Hóa, Quân đội đã huy động hơn 346.000 lượt cán bộ, chiến sĩ, hơn 8.200 phương tiện tham gia phòng, chống và tìm kiếm cứu nạn. Bộ đội Biên phòng đã phối hợp với địa phương, gia đình, chủ tàu thuyền, thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho hơn 54.000 lượt phương tiện, hơn 227.000 người biết diễn biến, hướng đi của bão để chủ động di chuyển, vòng tránh thoát khỏi khu vực nguy hiểm.
Về nhiệm vụ trong thời gian từ nay đến cuối năm 2025, Trung tướng Thái Đại Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam yêu cầu các lực lượng tiếp tục phối hợp nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo sự cố thiên tai, thảm họa, bảo đảm yêu cầu dự báo sớm, kịp thời, chính xác diễn biến sự cố thiên tai, thảm họa, nhất là các loại hình thiên tai thường xuyên diễn ra gây thiệt hại lớn như bão, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất; thông tin kịp thời đến chính quyền địa phương và người dân để chủ động ứng phó.
Đồng thời, ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác chỉ đạo điều hành, các cơ quan, đơn vị tổ chức huấn luyện, tập huấn, diễn tập, ứng phó sự cố thiên tai, thảm họa và tìm kiếm cứu nạn theo tình huống, phương án; nghiên cứu đổi mới phương pháp huấn luyện, diễn tập phòng thủ dân sự kết hợp với diễn tập khu vực phòng thủ sát thực tế. (T.O)