Cảnh báo ngập úng do mưa lũ kết hợp triều cường tại miền Tây

Ngày 13-9, Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam phát đi bản tin cảnh báo, tình trạng ngập úng do mưa lũ kết hợp triều cường có thể xuất hiện tại một số địa phương vùng ĐBSCL trong những ngày tới. Thời điểm này, nông dân miền Tây đang tập trung thu hoạch cùng lúc 2 vụ lúa: hè thu và thu đông (lúa vụ 3).

Nước tràn đồng ở vùng tứ giác Long Xuyên

Nước tràn đồng ở vùng tứ giác Long Xuyên

Đến giữa tháng 9-2024, nông dân ĐBSCL đã thu hoạch 1,1/1,47 triệu ha lúa hè thu, trong đó, Vĩnh Long, Cần Thơ và An Giang đã thu hoạch dứt điểm lúa hè thu. Cùng lúc này, nông dân miền Tây chủ yếu ở Long An, Trà Vinh và Vĩnh Long đã tranh thủ tối đa để thu hoạch gần 20.000 ha/600.000 ha lúa thu đông (lúa vụ 3).

 Do mưa kéo dài, nhiều diện tích lúa cũng nông dân ở Hậu Giang bị sập, thiệt hại nặng

Do mưa kéo dài, nhiều diện tích lúa cũng nông dân ở Hậu Giang bị sập, thiệt hại nặng

Theo Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, trong 10 ngày tới, mực nước trên vùng ĐBSCL có xu thế tăng do lũ kết hợp triều cường. Mực nước nội đồng các trạm vùng thượng phổ biến dưới mức báo động (BĐ) I, một số trạm biến đổi từ BĐI - BĐII, một số trạm vượt mức BĐII. Mực nước các trạm vùng giữa phổ biến ở mức từ BĐI - BĐII, một số trạm ven sông chính mực nước biến đổi từ BĐII - BĐIII và vượt mức BĐIII vào thời kỳ triều cường kết hợp lũ đầu nguồn tăng. Các địa phương cần đề phòng ngập úng do mưa lũ kết hợp triều cường vào các ngày từ 16 đến 21-9. Đặc biệt trên địa bàn vùng giữa và ven biển ĐBSCL gồm TP Cần Thơ, tỉnh Vĩnh Long, các huyện ven sông của tỉnh Đồng Tháp, các khu vực trung tâm vùng bán đảo Cà Mau như TP Vị Thanh, TP Ngã Bảy của tỉnh Hậu Giang, các huyện Phước Long, huyện Hồng Dân của tỉnh Bạc Liêu, thị xã Ngã Năm, huyện Mỹ Tú của tỉnh Sóc Trăng, các huyện Trần Văn Thời, huyện Thới Bình, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau…

 Nông dân miền Tây tranh thủ thu hoạch lúa

Nông dân miền Tây tranh thủ thu hoạch lúa

Đến nay, trên biển Đông đã xuất hiện 3 cơn bão và 2 áp thấp nhiệt đới. Trong đó, cơn bão số 3 xảy ra trong tuần qua gây mưa lớn trên lưu vực, đây là yếu tố chính làm mực nước trên dòng chính sông Mê Công và đầu nguồn sông Cửu Long tăng mạnh. Diễn biến thời tiết ngày càng biến đổi bất thường, dự báo từ nay đến cuối năm trạng thái La Nina sẽ chiếm ưu thế đặc biệt trong tháng 10 và tháng 11. Theo đó, nguy cơ cao tiếp tục xảy ra các trận bão/áp thấp nhiệt đới mạnh gây mưa lớn trên lưu vực sông Mê Công và vùng ĐBSCL trong 2 tháng cuối mùa lũ. Các địa phương phải theo dõi chặt chẽ các thông tin dự báo từ các cơ dự báo Khí tượng Thủy văn… để kịp thời xây dựng kế hoạch ứng phó phù hợp

VĨNH TƯỜNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/canh-bao-ngap-ung-do-mua-lu-ket-hop-trieu-cuong-tai-mien-tay-post758695.html