Như ánh nắng ban mai
Khi biết chúng tôi muốn gặp tấm gương nhân đạo hỗ trợ Nhân dân vùng lũ, chị Trần Thị Sáu, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa) không chần chừ, giới thiệu ngay: 'Em gặp chị Cúc, tổ dân phố Vĩnh Hưng nhé. Chị ấy là người khởi xướng hàng nghìn suất cơm miễn phí đấy'.
“Cắm” gạo nấu cơm thiện nguyện
Người chúng tôi nói đến là chị Phạm Thị Kim Cúc, một đảng viên, công dân của tổ dân phố Vĩnh Hưng, thị trấn Vĩnh Lộc. Phải khó lắm, chúng tôi mới gặp được chị, bởi mấy hôm nay chị đang tất bật đưa các đoàn thiện nguyện đi cứu trợ tại các địa phương bị ảnh hưởng ngập lụt trên địa bàn huyện. Chị Cúc là một giáo viên nghỉ hưu. Chị bảo, khi nghe thông tin đại chúng cảnh báo về ảnh hưởng của bão, đồng thời thông tin mở 8 cửa đáy đập thủy điện chị lo lắm. Biết là đợt này nước sẽ lên to, cả đêm chị không ngủ được, chị đã đi báo một số hộ dân vùng trũng di chuyển, sơ tán.
Sáng mùng 10, khi nước lũ về, chị đã đề xuất với anh Minh, Chủ tịch thị trấn, cần tre, cần gỗ làm bè mảng cứ bảo anh em lên đồi nhà chị chặt, lấy bao nhiêu cũng được. Đồng thời, chị bảo với anh em lực lượng cứu hộ của thị trấn: “Anh em cứ yên tâm đi làm việc đi, buổi trưa chị nấu cơm cho, bao nhiêu suất cứ báo chị. Chị nấu”. Bữa đầu tiên chị tự nấu được 78 suất cơm. Thực phẩm, chị lấy gạo, măng của nhà. Ngoài ra, chị còn thịt 6 con gà, 2 con vịt, 2 con ngan chị tự nuôi trong vườn; rau ngót chị xin hàng xóm.
Chiều về, thấy mực nước dâng cao và dâng nhanh quá, một mặt chị đề xuất với chị Sáu, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn được nấu cơm cho mọi người, một mặt chị huy động bà con trong xóm góp tiền, hỗ trợ nấu cơm thiện nguyện, mặt khác chị nhờ các tổ dân phố thông báo cho bà con, những hộ nào không nấu được ăn, báo chị. Mực nước dâng càng cao, người dân chạy lụt càng nhiều, theo đó, số suất ăn tăng cao theo. Ngày đầu tiên chỉ vài trăm suất, ngày thứ 2, thứ 3 cứ tăng dần lên. Có bữa, các chị nấu trên 1.000 suất ăn phục vụ bà con.
Để nấu được những suất ăn cho đội cứu hộ và phục vụ bà con ngập lụt, chị Cúc kêu gọi hỗ trợ trên trang cá nhân, huy động chị em trong xóm hỗ trợ. Ngày đầu chưa có lương thực thực phẩm, chị chạy ra quán “cắm” 50 kg gạo, 10 kg thịt, 30 kg lạc về nấu, rau củ bà con đóng góp. Đến ngày thứ 2, thứ 3, được ủng hộ lương thực từ các nơi về, chị bớt một gánh nặng, chỉ tập trung chế biến, các suất cơm cũng tăng lên.
Cụ Đỗ Thị Huệ, 77 tuổi, tổ dân phố Vĩnh Hưng là một trong số những cụ cao tuổi cùng chung tay nấu cơm thiện nguyện, chia sẻ: “Thấy các nhà đều ngập, xót lòng lắm, không ở yên được. Nên khi chị Cúc kêu gọi bà con đi hỗ trợ nấu cơm, tôi xung phong đi ngay. Dù chỉ hộ được những việc nhỏ, như nhặt rau, xếp hộp thôi, cũng thấy vui cô ạ”.
Chị Cúc chia sẻ: “Nhìn bà con chung tay giúp đỡ nấu cơm cảm động lắm. Có rất nhiều cụ 76, 77 tuổi cũng lên hỗ trợ, động viên chị em. Các cụ chỉ lên hộ nhặt rau thôi, nhưng mọi người cũng thấy phấn chấn rất nhiều”.
Trong 3 ngày, nhóm chị Cúc đã chế biến trên 3.000 suất cơm miễn phí phục vụ lực lượng cứu hộ và bà con vùng lũ. Không chỉ phục vụ riêng bà con trên địa bàn thị trấn, nhóm chị còn phục vụ các suất ăn sáng, ăn trưa cho bệnh nhân tại Trung tâm Y tế Chiêm Hóa, người dân các xã lân cận như: Nhân Lý, Vinh Quang, Trung Hòa và các đoàn thiện nguyện thực hiện công tác cứu trợ trên địa bàn.
Sưởi ấm bà con vùng lũ
Trong trận lụt vừa qua, thị trấn Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa) là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất với tổng số trên 800 hộ dân có nhà cửa bị ngập.
Song song với công tác nấu cơm thiện nguyện phục vụ lực lượng cứu hộ giúp dân, bà con bị ngập lụt, chị Cúc còn làm hoa tiêu đưa các đoàn thiện nguyện đưa quà cứu trợ đến với bà con vùng ngập. Có buổi chị đưa 5 đoàn đi các điểm của xã Vinh Quang, Xuân Quang và Trung Hòa.
Chị Cúc chia sẻ: “Trời mưa như trút, nơi nơi nước ngập, công tác cứu trợ vất vả vô cùng. Tôi nhớ nhất đưa đoàn cứu trợ xuống xã Vinh Quang, đoàn phải lên xuống xe 5 lần, hết bốc hàng lên ô tô tải lại bốc xuống xe công nông tăng bo những chỗ ngập. Người nào người nấy ướt như chuột lột, rét run, thậm chí có nhiều đoạn phải đi bộ vài km. Trong ngày hôm đó, đoàn đi xã Vinh Quang về, lại tiếp tục lên đường đi cứu trợ tại xã Xuân Quang.
Mệt lắm! Nhưng nghĩ đến nhiều nơi cần mình, điện thoại liên tục reo với những cuộc gọi cần giúp: “Cô ơi, chị ơi, bây giờ chỗ em thế này, chỗ cháu thế kia... Mình lại tự động viên phải cố, cố gắng, không quản ngại”.
Mặc dù hôm nay, thị trấn Vĩnh Lộc đã hết ngập nhiều ngày, nhưng chị Cúc vẫn tất bật với hàng núi việc. Lúc chúng tôi gọi hẹn gặp, chị vẫn đang đưa đoàn đi trao quà cứu trợ các xã. Phải đợi hơn tiếng đồng hồ, đoàn chị mới về đến thị trấn. Chị bảo, không chỉ làm hoa tiêu đưa các đoàn thiện nguyện đi trao tặng quà, hễ đoàn nào có nhu cầu ăn uống, chị lại nấu cơm phục vụ miễn phí. Cứ giúp được mọi người là chị thấy vui rồi.
Trong câu chuyện luôn bị ngắt quãng, bởi những cuộc điện thoại của các đoàn thiện nguyện, bà con gọi cho chị. Trò chuyện một lúc, tôi cùng chị đi trao sữa cho các gia đình có người già neo đơn, hộ bị nước ngập.
Ánh mắt rơm rớm, xúc động, bà Trần Thị Xuân, tổ dân phố Vĩnh Thái chia sẻ: “Đợt lụt vừa qua, nhà tôi bị ngập hoàn toàn, may mắn tôi nhận được những suất cơm hỗ trợ ăn hằng ngày nên không bị đói. Hiện nước đã rút, tôi vẫn được chị Cúc thường xuyên qua lại thăm hỏi, giúp đỡ, động viên vật chất, tinh thần. Hôm nay chị còn mang sữa và chăn cho, ấm lòng lắm cô ạ!”.
Suốt buổi trò chuyện, chị Phạm Thị Kim Cúc vẫn nhắc đi nhắc lại với chúng tôi: “Thấy chính quyền, lực lượng ngày đêm hỗ trợ Nhân dân cùng các mạnh thường quân cả nước, trong và ngoài tỉnh ủng hộ, giúp đỡ bà con mình, tôi thấy việc làm của mình rất nhỏ bé, chẳng là gì đâu. Những việc mình làm được tất cả đều nhờ anh chị em hỗ trợ, giúp đỡ cả”. Với suy nghĩ giản đơn và những việc làm giản dị ấy, chị vẫn đang ngày đêm làm việc có ích cho đời. Tấm lòng của chị như ánh nắng ban mai sưởi ấm những trái tim lạnh giá trong những ngày thiên tai, lụt lội.
Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/nhu-anh-nang-ban-mai-198524.html