Cảnh báo ngộ độc do ăn nhầm con so biển
Ngày 7/2, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa cho biết đang tích cực điều trị cho 3 bệnh nhân ở thị xã Ninh Hòa nghi ngộ độc khi ăn con so biển; trong đó 2 người đã ổn định, bệnh nhân còn lại nặng hơn.
Bác sĩ Nguyễn Lương Kỷ, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa cho biết, Khoa tiếp nhận 3 bệnh nhân ngày 5/2; đến nay tình trạng của bệnh nhân N.G.H (sinh năm 2006) và bệnh nhân N.P.Q (sinh năm 2004) đã ổn định. Riêng bệnh nhân N.V.S (sinh năm 1989) tình trạng nặng hơn nhưng sáng 7/2 cũng đã tỉnh, được rút ống thở, sinh hiệu ổn định.
Ông Nguyễn Gia Thịnh, bố của bệnh nhân N.G.H cho biết, cháu nói với gia đình là ăn con sam. Cháu chỉ ăn một muỗng nhưng bị tê lưỡi, tê môi. Khi cháu có dấu hiệu ngộ độc, gia đình đã đưa đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Ninh Hòa, sau đó chuyển vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, được rửa ruột. Hiện tình trạng của cháu đã ổn định.
Theo báo cáo ban đầu của Trung tâm Y tế thị xã Ninh Hòa, 3 bệnh nhân trên là nhân viên tại cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống có địa chỉ tại đường Trần Quý Cáp, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Các bệnh nhân có dấu hiệu ngộ độc với độc tố tự nhiên có trong con sam/so. Lúc 21 giờ ngày 4/2 tại quán, chủ quán đã hấp 2 con sam chín rồi nướng mỡ hành. Trong 10 nhân viên của quán, 3 người trên có triệu chứng tê môi, buồn nôn; 7 trường hợp còn lại chưa có triệu chứng bất thường.
Đoàn Kiểm tra của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Khánh Hòa đã lấy mẫu gửi đến Viện Pasteur Nha Trang để xác định chất gây ngộ độc, tạm đình chỉ cơ sở kinh doanh để tìm nguyên nhân.
Qua sự việc trên, các bác sĩ khuyến cáo một số vấn đề khi ăn hải sản. Bác sĩ Nguyễn Lương Kỷ cho biết, hàng năm, Bệnh viện tiếp nhận rất nhiều trường hợp ngộ độc hải sản, đặc biệt từ tháng 2 đến tháng 7 là mùa sinh sản. Những loại hải sản hay gây ngộ độc gồm con so, ốc bùn móng, ốc răng cưa, cá nóc, cua mặt quỷ… Đặc điểm chung của các tác nhân này là ngộ độc chất tetrodotoxin, tác động lên thần kinh, có khả năng gây tê liệt hô hấp, ngưng thở, tử vong nhanh.
“Con sam và con so rất giống nhau, nhưng con so có chất độc tetrodotoxin, không ăn được. Hình dáng, kích thước con so với con sam khó phân biệt. Nếu người dân không phân biệt được thì sẽ rất nguy hiểm vì đôi khi chỉ ăn nhầm một chút thôi cũng đã có triệu chứng nôn, khó thở, đau bụng, dị cảm tay chân, nặng hơn là sẽ ức chế hô hấp, ngừng tim, ngừng thở, nguy hiểm đến tính mạng. Hiện nay chưa có thuốc giải độc chất tetrodotoxin”, bác sĩ Nguyễn Lương Kỷ khuyến cáo.
Các chuyên gia về độc tố cũng đưa ra lời khuyên người dân, thực khách không nên tự tiện mua con sam ăn nếu không biết cách phân biệt chúng với con so, do hai con vật có hình dáng tương tự nhưng con so có độc.
Sự việc ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên ở hải sản diễn ra tại một quán ăn thường xuyên kinh doanh các món ăn liên quan đến hải sản cũng gióng lên hồi chuông về việc nguồn gốc, cách nhận dạng thực phẩm tươi sống khi được nhập vào để bán cho người dân thưởng thức. Nhiều chủ quán, nhà hàng am hiểu cách phân biệt con sam với con so nhưng cũng có nơi phụ thuộc hoàn toàn vào mối nhập hàng. Một quán ăn tại thành phố Nha Trang cho biết, bằng mắt thường có thể phân biệt được, con sam có đuôi nhọn còn con so thì đuôi tròn. Do đó, người dân khi ăn các loại hải sản cần nâng cao năng lực nhận diện những loài hay gây ngộ độc là loài nào để biết. Đối với những loại hải sản lạ, không biết thì không nên ăn; những loại đã chết, ương, thiu thì không nên ăn vì độc tố sẽ càng nhiều hơn.