Cảnh báo nguy cơ các VĐV Marathon tử vong và lời khuyên của bác sĩ

24 ngày được các bác sĩ bệnh viện Chợ Rẫy tận tình cứu chữa nhưng anh N.N.T đã tử vong sáng 27-3, sau khi anh bị đột quỵ tại km thứ 19 trong lần tham gia một giải chạy Marathon hồi đầu tháng 3.

Ngày 3-3, anh N.N.T nhập viện cấp cứu và điều trị tại khoa hồi sức tích cực bệnh viện Chợ Rẫy suốt hơn ba tuần, trong tình trạng suy thận, suy tim, suy não… Các bác sĩ rất nỗ lực cứu thận và tim nhưng não đột quỵ sau 23 ngày đã không thể cứu.

Những tai nạn thương tâm trên đường chạy

Đây không phải là trường hợp VĐV bị đột quỵ trên đường chạy dẫn đến tử vong. Ngày 23-3, cũng có một VĐV khác qua đời thương tâm trên đường chạy Marathon 2024 do đột quỵ mà báo chí cũng đã lên tiếng cảnh báo.

Tử vong khi chạy Marathon không phải là trường hợp hiếm gặp trên thế giới và tại Việt Nam. Ví dụ, sự kiện 21 runner đã tử vong tại giải chạy ultra trail ở Cam Túc, Trung Quốc tháng 5-2021. Phần đông trong số 21 VĐV tử nạn trong thảm kịch đều qua đời vì hạ thân nhiệt. Đáng nói là trong số này có cả VĐV chuyên nghiệp như HCV Marathon Đại hội Thể thao người khuyết tật Trung Quốc 2019 Huang Guanjun và Liang Jing Nhà vô địch Ultra Marathon 31 tuổi.

 Phong trào tham gia các giải Marathon đang nở rộ tại Việt Nam. Ảnh: TL.

Phong trào tham gia các giải Marathon đang nở rộ tại Việt Nam. Ảnh: TL.

Còn tại Việt Nam, hồi tháng 6-2022, một VĐV tử vong khi tham gia cự ly 21km một giải ở Quy Nhơn. Trước đó nữa, trong giải chạy ở TP.HCM, một VĐV trẻ 23 tuổi dù được truyền ép tim, sốc điện và dẫn thuốc để hồi sức ngay lập tức khi bất ngờ ngã gục ở km thứ 18, và nam thanh niên đã không qua khỏi.

Không ai phủ nhận các giải Marathon đã cổ vũ phong trào rèn luyện sức khỏe cho mọi đối tượng, tạo sân chơi cho những người đam mê thể thao nói chung và bộ môn chạy bộ nói riêng. Các giải chạy còn có tác dụng quảng bá thương hiệu, quảng bá du lịch, thậm chí phát triển kinh tế địa phương,…

Nhưng liên tiếp xảy ra nhiều trường hợp VĐV tử vong tại các giải chạy Marathon thực sự là hồi chuông cảnh báo khẩn cấp cho cả người tham gia lẫn các nhà tổ chức. Không thể không đặt câu hỏi về mục đích làm kinh tế khi rất nhiều đơn vị tổ chức những giải này, có những “Bib” bán ra đến gần cả 2 triệu đồng. Dĩ nhiên, những số tiền này dùng để chi phí cho mọi công tác trên đường chạy cũng như dịch vụ khác. Và nếu trừ chi phí xong nhân lên với khi với số lượng hàng chục ngàn VĐV tham gia, chưa kể kinh phí của các thương hiệu tài trợ, thì con số này không nhỏ.

 Công tác cứu hộ tại một giải Ultra Marathon. Ảnh: TL.

Công tác cứu hộ tại một giải Ultra Marathon. Ảnh: TL.

Một giải chạy nửa đêm ở TP.HCM gần đây có đến hơn 11.000 VĐV tham gia, theo thông tin của Ban tổ chức. Còn giải đấu Marathon tổ chức vào cuối tháng 3-2024 có gần 12.000 VĐV tranh tài.

Theo thống kê năm 2024 có tổng cộng 47 giải chạy Marathon tổ chức tại Việt Nam. Còn năm 2023 đã diễn ra 41 giải chạy phong trào có cự ly Full Marathon được tổ chức ở Việt Nam, tăng 25% so với năm 2022. Những giải này thu hút hơn 264.000 người tham dự và trải dài trên 27 tỉnh, thành.

Những cảnh báo và lời khuyên của bác sĩ

Có rất nhiều ý kiến của bác sĩ, người có chuyên môn bàn về đột quỵ và vấn đề sức khỏe trên đường chạy, mặc dù các nhà tổ chức bao giờ cũng khuyến cáo VĐV phải am hiểu cơ thể mình. TS Bác sĩ Nguyễn Hà Ngọc, phó chủ nhiệm Khoa y học thể thao bệnh viện 175 cho biết: “Tử vong khi luyện tập, thi đấu thể thao nói chung và chạy bộ nói riêng mà cụ thể là chạy marathon là do quá sức. Nguyên nhân đột tử thông thường là ngừng tim, trường hợp đột quỵ não ít xảy ra hơn.

 Bác sĩ Nguyễn Hà Ngọc cảnh báo những nguy cơ tử vong của các VĐV trên đường chạy. Ảnh: TL.

Bác sĩ Nguyễn Hà Ngọc cảnh báo những nguy cơ tử vong của các VĐV trên đường chạy. Ảnh: TL.

Hiện có hai trường hợp tử vong chiếm tỷ lệ cao nhất với VĐV trong khi tham gia thể thao: 1. Có mắc các bệnh lý về tim mạch, đặc biệt với VĐV có bệnh lý tim mạch tiềm ẩn, mà chính họ cũng chưa phát hiện; 2. Các dị dạng về mạch máu có nguy cơ gây vỡ tại các điểm phình/dị dạng mạch. Đột tử do rối loạn điện giải, mất nước... cũng là một số nguyên nhân khác, nhưng số lượng ít hơn.

Ngoài vấn đề tim mạch nói trên, hoạt động gắng sức khi chạy Marathon còn đối mặt với nhiều nguy cơ khác, trong đó có thể gây mất chức năng thận. Theo đó, khi hoạt động gắng sức, các cơ phải hoạt động quá nhiều, thiếu khối lượng tuần hoàn sẽ dẫn tới không đủ cung cấp oxy và máu tới các vùng cơ. Điều này sẽ gây ra hiện tượng tổn hại, chết tế bào cơ. Quá trình tế bào cơ bị phân hủy sẽ tạo ra các chất trung gian lắng đọng tại thận và khi thận không thể đào thải kịp sẽ gây ra suy thận cấp”.

Theo bác sĩ Ngọc, các nhà tổ chức cũng như cơ quan quản lý cần có những khuyến cáo sức khỏe cho các VĐV, kiểm soát quy trình, nâng cấp điều kiện y tế để giảm thiểu hạn chế rủi ro các trường hợp tử vong.

Cụ thể, các nhà tổ chức phải kiểm tra sức khỏe VĐV như một điều kiện cần thiết để tham gia giải, với những cự ly trên 10km. Trong đó, cần kiểm tra, đánh giá sức khỏe một cách nghiêm túc, phải có có sự sàng lọc, không chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở người tham gia tự chịu trách nhiệm về sức khỏe, cam kết không kiện cáo Ban tổ chức nếu có vấn đề.

HOÀI - NGỌC

Nguồn PLO: https://plo.vn/canh-bao-nguy-co-cac-vdv-marathon-tu-vong-va-loi-khuyen-cua-bac-si-post782430.html