Cảnh báo nguy cơ cháy, nổ từ các thiết bị điện không an toàn
Bước vào mùa nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện trong sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh tăng cao, điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến cháy, nổ, tai nạn... Việc sử dụng các thiết bị điện không đúng cách, không bảo đảm chất lượng sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng của người sử dụng và những người xung quanh. Do đó, lực lượng chức năng khuyến cáo người dân nên sử dụng các thiết bị điện an toàn, mua các thiết bị điện rõ nguồn gốc sản xuất, tại cơ sở kinh doanh uy tín.
Theo Công an tỉnh, từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 9 vụ cháy, 6 vụ cứu nạn cứu hộ, làm bị thương 1 người, thiệt hại về tài sản gần 1,5 tỷ đồng. Để chủ động phòng ngừa cháy, nổ, hạn chế tối đa số vụ tai nạn, sự cố, bảo đảm an toàn về tính mạng và tài sản của người dân, lực lượng công an tỉnh phối hợp với cấp ủy, chính quyền các cấp đẩy mạnh tuyên truyền về các biện pháp phòng ngừa hỏa hoạn, sự cố.
Thượng tá Đỗ Văn Dũng, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an tỉnh cho biết: Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh, App báo cháy 114, lực lượng cảnh sát PCCC&CNCH phối hợp với ngành Điện lực hướng dẫn từng khu dân cư, gia đình… để người dân hiểu, nắm rõ các kỹ năng hoặc những quy trình vận hành an toàn của các thiết bị điện, cũng như thiết bị máy phát điện trong gia đình, giảm thiểu nguy cơ phát sinh sự cố đáng tiếc có thể xảy ra.
Khi sử dụng máy phát điện phải rõ nguồn gốc, chất lượng bảo đảm, cần phải đặt nơi thoáng gió, thoáng khí để thải khí độc ra môi trường. Do khí thải của động cơ máy phát điện thường sinh ra bao gồm một số khí: C02, S02, C0, N02, nếu con người hít phải khí đó thì rất dễ dẫn đến khó thở, lịm đi và nguy kịch đến tính mạng…
Để phòng ngừa tai nạn, sự cố, lực lượng chức năng khuyến cáo mỗi gia đình, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cần thiết kế, thi công lắp đặt hệ thống điện bảo đảm tiêu chuẩn và các yêu cầu về kỹ thuật.
Lựa chọn các dây dẫn điện đảm bảo phù hợp với khả năng chịu tải của thiết bị điện; không câu móc, đấu nối điện tùy tiện; không để hàng hóa, vật liệu đè lên dây dẫn điện; không sạc điện thoại, máy vi tính, xe đạp điện, xe máy điện qua đêm. Khi xảy ra sự cố cần ngắt ngay các thiết bị điện, thông báo cho lực lượng cảnh sát PCCC.
Với sự cố ngạt khí vào ban đêm rất khó phát hiện, song, nếu người trong gia đình cảm thấy các hiện tượng như khó thở, buồn nôn… thì cần lưu ý đến tình huống thiếu khí do xả khí thải từ động cơ của máy phát điện.
Gia đình đang sử dụng thì cần có biện pháp dừng ngay hệ thống phát điện, mở các cửa để giảm nồng độ chất độc đang có trong môi trường… Nếu trong trường hợp người dân bị nặng thì cần hô hấp, hà hơi thổi ngạt để cung cấp ô xy cho nạn nhân và nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất.
Cùng với việc chủ động hướng dẫn người dân thực hiện an toàn các biện pháp PCCC và CNCH, lực lượng công an tỉnh tăng cường phối hợp với chính quyền các cấp kiểm tra đột xuất, định kỳ các cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC theo thẩm quyền. Qua đó, kịp thời phát hiện vi phạm, tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động các cơ sở vi phạm nghiêm trọng quy định về PCCC.
Đối với hộ dân kết hợp nhà ở với kinh doanh, lực lượng chức năng vận động tháo dỡ “chuồng cọp” tại các lối ra ban công, bổ sung lối thoát nạn, lối thoát nạn khẩn cấp, trang bị đầy đủ các thiết bị báo cháy, sự cố theo quy định.
Mỗi cơ quan, đơn vị củng cố, kiện toàn và duy trì hoạt động của lực lượng dân phòng tại chỗ, đầu tư trang bị, phương tiện phục vụ chữa cháy và thiết bị bảo hộ cá nhân cho lực lượng này nhằm nâng cao hiệu quả PCCC và CNCH ngay từ ban đầu…
Để bảo vệ sức khỏe, tính mạng, tài sản của người dân và giữ vững ANTT, TTATXH trên địa bàn, mỗi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và gia đình cần thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn phòng cháy và chữa cháy theo quy định.