Cảnh báo nguy cơ cháy rừng cấp cực kỳ nguy hiểm ở nhiều khu vực

Mới đây (ngày 2/4), Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã cảnh báo nguy cơ cháy rừng cấp nguy hiểm và cấp cực kỳ nguy hiểm ở nhiều vùng.

Cảnh báo nguy cơ cháy rừng cấp cực kỳ nguy hiểm

Theo Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm, có 64 khu vực được cảnh báo cháy rừng, trong đó 37 khu vực đạt mức nguy cơ cấp IV (nguy hiểm) và 27 khu vực ở mức cấp V (cực kỳ nguy hiểm). Những khu vực này đều trải qua nhiều ngày không mưa, dẫn đến tình trạng thời tiết khô hanh kéo dài.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm cho biết, 37 vùng có nguy cơ cháy rừng cấp IV kéo dài từ các huyện Châu Thành, Gò Dầu, Tân Biên, Tân Châu, thị xã Trảng Bàng, thành phố Tây Ninh (tỉnh Tây Ninh); các huyện Côn Đảo, Đất Đỏ, Châu Đức, Xuyên Mộc, thị xã Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu); các huyện Tân Hưng, Mộc Hóa, Đức Hòa, Bến Lức, thành phố Tân An (tỉnh Long An); huyện Châu Thành, Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp); các huyện Tịnh Biên, Chợ Mới, Châu Thành, Tri Tôn, Châu Phú, thành phố Châu Đốc (tỉnh An Giang); huyện Gò Công Đông, Tân Phước, thị xã Gò Công (tỉnh Tiền Giang); huyện Ba Tri, Bình Đại (tỉnh Bến Tre); huyện Châu Thành, Giang Thành, thành phố Phú Quốc, thành phố Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang); huyện Duyên Hải, Châu Thành, Cầu Ngang (tỉnh Trà Vinh) và huyện Đầm Dơi (tỉnh Cà Mau).

27 vùng được cảnh báo nguy cơ cháy rừng cấp V - cấp cực kỳ nguy hiểm gồm: các huyện Bù Đốp, Lộc Ninh, Đồng Phú, thị xã Phước Long (tỉnh Bình Phước); các huyện Bến Cầu, Dương Minh Châu, thị xã Hòa Thành (tỉnh Tây Ninh); các huyện Nhơn Trạch, Long Thành, Trảng Bom, TP Biên Hòa, TP Long Khánh (tỉnh Đồng Nai); các huyện An Biên, An Minh, U Minh Thượng, Kiên Hải, Kiên Lương, Hòn Đất, thành phố Rạch Giá, (tỉnh Kiên Giang); huyện Châu Thành, Long Phú, thị xã Ngã Năm (tỉnh Sóc Trăng); huyện Trần Văn Thời, U Minh, Ngọc Hiển, Năm Căn, Bình Thới (tỉnh Cà Mau).

Để ứng phó với tình hình nguy cơ cháy rừng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Quốc Trị đã yêu cầu các cơ quan chức năng và chủ rừng xây dựng và triển khai Kế hoạch bảo vệ rừng, cùng phương án phòng cháy, chữa cháy một cách kịp thời khi có sự cố xảy ra.

Trong trường hợp cháy rừng, cần nhanh chóng huy động lực lượng, phương tiện và thiết bị để dập tắt đám cháy, ngăn ngừa nguy cơ lan rộng và cháy lớn.

Tại Tây Nguyên, hầu hết các địa phương thuộc khu vực (gồm 11 tỉnh, thành phố) hiện đang ở mức cảnh báo cháy rừng cấp II và cấp III.

Phó Chi cục trưởng Phụ trách Chi cục Kiểm lâm vùng IV, ông Bùi Sanh, cho biết lực lượng kiểm lâm đang túc trực 24/7 để tiếp nhận kịp thời mọi thông tin liên quan, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng phương án ứng phó và chữa cháy khi cần thiết.

Riêng tại Đắk Nông, các điểm nghi ngờ cháy rừng vừa qua đã được lực lượng kiểm lâm xác minh và xác định nguyên nhân là do việc xử lý thực bì sau khai thác của chủ rừng.

Biến đổi khí hậu dẫn đến cháy rừng

Các nhà khoa học cho biết, các hiện tượng thời tiết cực đoan như những đợt nắng nóng chết người, lũ lụt, cháy rừng và bão là hệ quả từ sự nóng lên toàn cầu. Cảnh báo rằng thế giới đang bước vào một kỷ nguyên mới với những thảm họa như lũ lụt, bão, cháy rừng... xuất phát từ biến đổi khí hậu do con người gây ra.

Thời gian gần đây, các vụ cháy rừng đã trở thành một thách thức lớn cho nhiều quốc gia trên thế giới. Biến đổi khí hậu, với hiện tượng nhiệt độ toàn cầu tăng cao tạo ra những điều kiện thuận lợi cho các vụ cháy rừng phát sinh và lan rộng.

Biến đổi khí hậu là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến cháy rừng, khi nhiệt độ tăng cao, độ ẩm giảm và thời tiết khắc nghiệt tạo điều kiện thuận lợi cho lửa bùng phát và lan rộng.

Hậu quả của cháy rừng rất nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về tài sản, môi trường và đe dọa đời sống của con người cũng như các loài sinh vật. Rừng bị tàn phá không chỉ làm mất đi sự phong phú về sinh thái mà còn làm gia tăng lượng khí nhà kính, góp phần đẩy nhanh biến đổi khí hậu.

Để ngăn chặn và giảm thiểu tác động của hiện tượng này, cần thực hiện các biện pháp như nâng cao nhận thức cộng đồng, áp dụng công nghệ tiên tiến trong dự báo và phòng cháy, và thúc đẩy sự hợp tác quốc tế trong bảo vệ và phục hồi rừng. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể bảo vệ hành tinh xanh cho các thế hệ mai sau

Bích Ngọc

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/canh-bao-nguy-co-chay-rung-cap-cuc-ky-nguy-hiem-o-nhieu-khu-vuc-97597.html