Cảnh báo nguy cơ doanh nghiệp Việt bị nước ngoài thâu tóm với giá rẻ
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cảnh báo, nếu dịch tiếp tục kéo dài, việc mua bán sáp nhập doanh nghiệp sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn, nguy cơ các doanh nghiệp tiềm năng của Việt Nam sẽ bị thâu tóm bởi các nhà đầu tư nước ngoài với giá rẻ.
Lò xo kinh tế phải bật mạnh sau đại dịch
Sáng 10/4, chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các địa phương về các giải pháp, nhiệm vụ cho 4 nội dung lớn ứng phó tổng thể, toàn diện với những tác động từ dịch COVID-19 tới các mặt của đời sống xã hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, dịch bệnh sẽ còn diễn biến khó lường, không được chủ quan.
“Dịch sẽ ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu, phải có biện pháp mạnh mẽ để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Phải vươn lên mạnh mẽ, và nhiệm vụ của chúng ta là thực hiện nghiêm túc các giải pháp để giải quyết việc làm, thúc đẩy nền kinh tế vượt mạnh lên, như cái lò xo bị nén bật mạnh ra để đuổi kịp thời gian”, Thủ tướng nêu rõ.
Về giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng yêu cầu cần giải ngân hết gần 700.000 tỷ đồng vốn của năm 2019, năm 2020 và cần kiểm điểm người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương không giải ngân đúng yêu cầu.
Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, với tình hình dịch bệnh xảy ra nghiêm trọng, lan rộng và kéo dài tại các thị trường xuất nhập khẩu sản phẩm chủ yếu của Việt Nam như châu Âu, Mỹ thì Việt Nam cùng lúc đối mặt với “khó khăn kép” về nguyên liệu đầu vào cho sản xuất và thị trường xuất khẩu, tiêu thụ hàng hóa, nhất là hàng điện tử, điện thoại, may mặc, da giày.
“Nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài, tình hình sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn hơn sẽ tác động nặng nề đến lao động và việc làm. Quy mô lao động, đặc biệt trong khu vực du lịch, dịch vụ, kinh doanh ăn uống sẽ giảm mạnh. Các cơ sở giáo dục ngoài công lập có khả năng bị sụt giảm mạnh doanh thu và có nguy cơ phá sản, đứng trước tình trạng phải sa thải hàng hoạt giáo viên”, Bộ trưởng KH&ĐT lo ngại.
Nguy cơ bị nước ngoài thâu tóm với giá rẻ
Đặc biệt, trong bối cảnh doanh nghiệp có nguy cơ đóng cửa, giải thể, phá sản rất cao, ông Dũng cảnh báo, nếu dịch tiếp tục kéo dài, việc mua bán sáp nhập doanh nghiệp sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn, nguy cơ các doanh nghiệp tiềm năng của Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn, đã có thị phần nhất định, có khả năng tạo nền tảng cho sản xuất kinh doanh của một số ngành kinh tế quan trọng sẽ bị thâu tóm bởi các nhà đầu tư nước ngoài với giá rẻ.
Để tháo gỡ khó khăn, ông Dũng đề xuất cung cấp các khoản vay ưu đãi về lãi suất cho các doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn chịu thiệt hại nặng nề của dịch và các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ với thời hạn vay từ 3- 6 tháng thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Cùng với đó, Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan thực hiện việc miễn, giảm phí, trong đó có một số loại phí sau: phí cầu đường, phí cảng biển, phí bảo trì đường bộ, giá dịch vụ hàng không như phí bãi đậu, phí cất, hạ cánh, phí điều hành bay, phí an ninh soi chiếu, phí phục vụ mặt đất… theo quy định.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cũng đề nghị các cơ quan chức năng cần đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công là giải pháp ưu tiên và có tính khả thi nhất để hỗ trợ nền kinh tế. Phấn đấu hoàn thành giải ngân 100% số vốn kế hoạch năm 2020, kế hoạch các năm trước được kéo dài sang năm 2020 và các nguồn bổ sung khác.
Box: “Đối với doanh nghiêp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, cũng như các hộ kinh doanh cá thể: Phần lớn các doanh nghiệp chỉ có khả năng cầm cự trong ngắn hạn: 35% doanh nghiệp có khả năng cầm cự trong 3 tháng; 38% doanh nghiệp có khả năng cầm cự trong 6 tháng; 13% có khả năng cầm cự trong 1 năm; và 14% có khả năng cầm cự trên 1 năm”, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết.