Cảnh báo nguy cơ đột quỵ khi lạm dụng thuốc tránh thai hàng ngày
Theo các chuyên gia, với những trường hợp lạm dụng sử dụng thuốc tránh thai liên tục trong một thời gian quá dài, không có thời gian 'nghỉ' là không đúng với hướng dẫn chuyên môn của viên uống tránh thai đường uống, có nguy cơ gây hệ lụy.
Thông tin từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, các bác sĩ Khoa Đột quỵ não của bệnh viện vừa tiếp nhận và điều trị thành công cho 2 bệnh nhân nữ trẻ tuổi bị đột quỵ do huyết khối xoang tĩnh mạch não.
Đây là một bệnh lý nguy hiểm nhưng dễ bị bỏ sót, đặc biệt ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản và có sử dụng thuốc tránh thai đường uống kéo dài.
Cụ thể, bệnh nhân được đưa đến viện trong tình trạng rối loạn ý thức, co giật toàn thể liên tục, hôn mê sâu, liệt tứ chi, giãn đồng tử. Khai thác tiền sử được biết, bệnh nhân khởi phát với tình trạng đau đầu, dùng thuốc giảm đau đỡ ít, vẫn sinh hoạt bình thường. Trước khi nhập viện, bệnh nhân xuất hiện đau đầu dữ dội nên được đưa đi cấp cứu.

Bệnh nhân được đưa vào viện trong tình trạng nguy kịch. Ảnh: BVCC.
Tại đây, sau khi được chụp cắt lớp vi tính sọ não, dựng mạch máu não, các bác sĩ chẩn đoán xác định bệnh nhân bị chảy máu não lớn chuyển dạng thùy đỉnh 2 bên do huyết khối xoang tĩnh mạch dọc trên và hội lưu xoang. Xét nghiệm D-Dimer tăng cao >5000 ng/mL.
ThS.BS Nguyễn Hải Linh - Khoa Đột quỵ não cho biết, bệnh nhân ngay lập tức được hội chẩn đa chuyên khoa, điều trị đa mô thức: Đặt nội khí quản thở máy chủ động, chống phù não, thuốc chống đông Heparin không phân đoạn được sử dụng ngay từ đầu. Sau đó, phối hợp mở sọ giải chèn ép do phù não đe dọa tụt kẹt. Sau điều trị tích cực, bệnh nhân tỉnh táo, cai được máy thở, giao tiếp được và sinh hoạt chủ động một phần.
Một nữ bệnh nhân trẻ khác, đang trong độ tuổi sinh sản cũng được đưa vào viện vì đau đầu kéo dài, yếu nửa người trái tăng dần, khó đi lại trong vài ngày. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng tỉnh táo, yếu nửa người trái sức cơ 3/5.
Sau khi chụp cắt lớp vi tính và các xét nghiệm sàng lọc, bệnh nhân được chẩn đoán: Nhồi máu não vùng thái dương phải do huyết khối xoang thẳng, xoang sigma và xoang ngang trái.
Bệnh nhân vào viện khi chưa có biến chứng phù não nặng hay tụt kẹt nên được điều trị nội khoa bằng thuốc chống đông theo phác đồ và đã hồi phục tốt, ra viện với khả năng sinh hoạt độc lập.
Theo BS Nguyễn Hải Linh, cả hai bệnh nhân trên đều đang sử dụng thuốc tránh thai hằng ngày trong thời gian kéo dài.
Tại sao lạm dụng thuốc tránh thai có nguy cơ gây hại?
Trên thực tế, đây không phải là trường hợp hiếm gặp họa do lạm dụng thuốc tránh thai trong thời gian dài. Cách đây không lâu, các bác sĩ Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM) cũng đã cấp cứu cho một trường hợp bị thuyên tắc phổi vì sử dụng thuốc tránh thai hàng ngày liên tục trong suốt 10 năm.

Các chuyên gia khuyến cáo, không nên lạm dụng uống thuốc tránh thai trong thời gian dài. Ảnh minh họa.
Theo các chuyên gia, với những trường hợp lạm dụng sử dụng thuốc tránh thai liên tục trong một thời gian quá dài, không có thời gian "nghỉ" là không đúng với hướng dẫn chuyên môn của viên uống tránh thai đường uống, có nguy cơ gây hệ lụy.
Một số tác dụng phụ khi uống thuốc tránh thai như: Buồn nôn, chóng mặt, ngực căng, nổi mụn mất kinh, kinh nguyệt không đều… Tuy nhiên, những vấn đề này không đáng lo ngại, sẽ dần thuyên giảm sau đó.
Đáng chú ý, khi sử dụng thuốc, nếu thấy xuất hiện các dấu hiệu của bệnh lý nội khoa như bệnh tim, gan, tăng huyết áp hoặc tắc mạch…, chị em cần ngưng uống thuốc và sử dụng các biện pháp tránh thai hỗ trợ khác trong thời gian chẩn đoán bệnh.
Đặc biệt, không nên lạm dụng uống tránh thai trong thời gian dài. Trong 3 tháng đầu uống thuốc phải đến cơ sở y tế khám, đo huyết áp, cân nặng và định kỳ khám lại theo hẹn. Trong quá trình sử dụng, nếu thấy có vấn đề bất thường, cần đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Những ai không được sử dụng thuốc tránh thai?
Theo Bộ Y tế, những đối tượng chống chỉ định tuyệt đối, không được sử dụng viên uống tránh thai gồm:
- Người đang có thai hoặc nghi ngờ có thai;
- Phụ nữ đang cho con bú trong vòng 6 tuần sau sinh;
- Phụ nữ lớn tuổi (≥ 35 tuổi) và hút thuốc lá thường xuyên ≥ 15 điếu/ngày;
- Người có nhiều nguy cơ bị bệnh mạch vành (lớn tuổi, hút thuốc lá, đái tháo đường, tăng huyết áp…);
- Người thường xuyên bị tăng huyết áp;
- Đã hoặc đang bị bệnh lý tim mạch và đông máu như: Bệnh lý mạch máu; thuyên tắc tĩnh mạch sâu; thuyên tắc phổi; tai biến mạch máu não…
- Đang bị ung thư vú;
- Đái tháo đường có biến chứng (thận, thần kinh, võng mạc, mạch máu);
- Đang bị lupus ban đỏ hệ thống; bị bệnh gan nặng có suy giảm chức năng gan trầm trọng…