Cảnh báo nguy cơ đột quỵ ở người hút thuốc
Thói quen hút thuốc lá (nghiện thuốc lá) được biết đến là nguyên nhân có thể làm tăng tới 5 lần nguy cơ đột quỵ. Vậy hút thuốc lá gây đột quỵ như thế nào và cách phòng tránh đột quỵ do hút thuốc ra sao?
Những biến chứng nguy hiểm thường gặp
Đột quỵ não là tình trạng tổn thương nghiêm trọng các tế bào não do thiếu máu nuôi dưỡng hoặc vỡ mạch máu não đột ngột. Khi đột quỵ xảy ra, hàng triệu tế bào não có thể chết đi trong vòng vài phút khiến người bệnh đối mặt với nguy cơ tử vong cao và những di chứng nặng nề nếu không được cấp cứu sớm.
Có rất nhiều yếu tố gây đột quỵ, trong đó có những thói quen thiếu lành mạnh như lạm dụng rượu bia, hút thuốc lá. Các chuyên gia cho biết hút thuốc lá là một tác nhân quan trọng gây đột quỵ não. Theo thống kê của Tổ chức Đột quỵ não thế giới, có đến 25% số ca đột quỵ não liên quan trực tiếp đến thuốc lá. Mức độ nguy cơ phụ thuộc vào lượng thuốc lá mà bạn hút, thời gian và độ tuổi sử dụng.
Các thống kê cho thấy, những người hút thuốc lá khoảng 11 điếu thuốc/ngày có khả năng bị đột quỵ cao hơn 46% so với người bình thường. Những người hút trên 2 bao thuốc/ngày có nguy cơ bị đột quỵ cao gấp 5 lần. Đột quỵ do hút thuốc lá có thể gồm đột quỵ nhồi máu não và đột quỵ xuất huyết não. Với những bệnh nhân có tiền sử đột quỵ, xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, việc hút thuốc lá có thể thúc đẩy quá trình này, khiến nguy cơ đột quỵ ngày càng cao hơn.
Bên cạnh đột quỵ, hút thuốc lá cũng tác động đến phổi làm tăng các cơn đau tim, bệnh mạch máu ngoại biên và rút ngắn thời gian sống của con người.
Các dấu hiệu đột quỵ ở người thường xuyên hút thuốc lá
Hút thuốc nhiều trong một khoảng thời gian dài có thể dẫn đến cao huyết áp, khiến các mạch máu nuôi não bị tổn thương, đặc biệt là thành mạch máu. Lúc này các chất béo, canxi và các chất lắng đọng dễ bám vào thành mạch, làm tăng nguy cơ hình thành các mảng xơ vữa động mạch và cục máu đông trong lòng mạch. Hậu quả là làm hẹp, xơ cứng, tắc nghẽn mạch máu não và dẫn đến đột quỵ.
Các chuyên gia cho biết hút thuốc lá là một tác nhân quan trọng gây đột quỵ não. Theo thống kê của Tổ chức Đột quỵ não thế giới, có đến 25% số ca đột quỵ não liên quan trực tiếp đến thuốc lá. Mức độ nguy cơ phụ thuộc vào lượng thuốc lá mà bạn hút, thời gian và độ tuổi sử dụng.
Tình trạng thành mạch bị tổn thương trong một thời gian dài dẫn đến thành mạch mỏng, suy yếu, dễ vỡ ra đột ngột, gây đột quỵ xuất huyết não. Nhiều trường hợp hình thành các túi phình mạch não sẽ rất nguy hiểm. Khi các túi này vỡ ra, máu sẽ tràn vào nhu mô não, gây tổn thương não một cách nghiêm trọng, gọi là xuất huyết não.
Giống như các trường hợp đột quỵ khác, đột quỵ do hút thuốc lá cũng gây ra các triệu chứng như: Thị lực giảm, nhìn mờ; chóng mặt, khó giữ thăng bằng; tê yếu, liệt mặt, lệch nhân trung, méo miệng; yếu chân tay, khó cử động, phối hợp động tác; gặp khó khăn trong giao tiếp, khó diễn đạt, khó nói, nói ngọng, nói lắp, không hiểu ý người khác; đau đầu dữ dội.
Khi thấy các dấu hiệu này, cần gọi cấp cứu ngay để được xử trí kịp thời. Theo các chuyên gia nội thần kinh, nếu được cấp cứu trong giờ vàng (trong khoảng 3-4,5 giờ đầu kể từ khi xảy ra đột quỵ) thì khả năng bệnh nhân được cứu sống sẽ cao hơn. Ngược lại, nếu xử trí chậm trễ, người bệnh có thể rơi vào nguy kịch hoặc gánh chịu những di chứng nặng nề.
Cai thuốc lá và xây dựng lối sống lành mạnh
Các nghiên cứu cho thấy nếu ngừng hút thuốc từ 2 năm trở lên, nguy cơ đột quỵ bắt đầu giảm xuống. Nếu ngừng hút thuốc được 5 năm thì nguy cơ này trở về bằng với người không hút thuốc. Do vậy, từ bỏ thuốc lá là một việc làm quan trọng giúp ngăn ngừa đột quỵ xảy ra. Đối với những người nghiện thuốc lá nặng, không tự cai thuốc được thì nên nhờ đến sự giúp đỡ của bác sĩ.
Chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học, ít chất béo, giảm muối, đường, tăng cường chất xơ, tăng thịt trắng, hạn chế thịt đỏ… sẽ giúp ích cho hệ tim mạch, huyết áp ổn định, từ đó, giảm nguy cơ đột quỵ đáng kể.
Luyện tập thể chất thường xuyên rất tốt cho việc tăng cường sức khỏe nói chung, giúp giảm cholesterol xấu, tăng lưu thông máu.
Bên cạnh thuốc lá, rượu bia cũng là tác nhân gây đột quỵ. Bởi rượu làm tăng huyết áp, làm tổn thương mạch máu, dẫn đến xơ vữa mạch máu và cục máu đông - các tác nhân trực tiếp gây đột quỵ. Vì vậy nên hạn chế sử dụng loại đồ uống này cũng như các chất kích thích khác.
Các bệnh lý bao gồm tim mạch, tăng huyết áp, tiểu đường, mỡ máu đều có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ, nếu không được kiểm soát có thể gây đột quy não. Vì vậy, việc kiểm soát bệnh lý cần được quan tâm thường xuyên thông qua khám tầm soát sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện và có biện pháp điều trị phù hợp đối với những bệnh lý làm tăng nguy cơ đột quỵ
Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/canh-bao-nguy-co-dot-quy-o-nguoi-hut-thuoc.bbg