Cảnh báo nguy cơ nhiễm độc chì trong thực phẩm

Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho hay, một số mẫu thực phẩm có thể dùng để chế biến cho trẻ em tại một số địa bàn ở nội thành Hà Nội bị nhiễm kim loại độc hại vượt tiêu chuẩn cho phép.

TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết, đó là một nghiên cứu quy mô nhỏ về khẩu phần ăn của trẻ em ở Hà Nội được thực hiện từ tháng 3-2009 đến 3-2010 tại các phường của các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa và Hai Bà Trưng.

Các chuyên gia dinh dưỡng đã lấy danh sách trẻ từ 24 -36 tháng tuổi ở một số trường mầm non của những quận nói trên và các mẫu thực phẩm được mua ở chợ, siêu thị dựa trên thực đơn hàng ngày của trẻ tại các trường mầm non này. Thực phẩm được mua về từ chợ, siêu thị được nhóm nghiên cứu sơ chế giống quy trình các bậc phụ huynh thường nấu cho con ăn hằng ngày.

Sau khi sử dụng phương pháp xét nghiệm cẩn trọng, nhóm nghiên cứu thấy 12 mẫu thực phẩm tiêu thụ hằng ngày của nhóm tuổi này cho dù được rửa, sơ chế sạch sẽ trước khi nấu thì hàm lượng kim loại tồn dư vẫn còn cao quá ngưỡng của Bộ Y tế quy định (TCCP), trong đó nhóm thực phẩm nhiễm chì cao nhất là gạo, thịt lợn, tôm, cam, quýt, rau muống.

Bảng thống kê của nghiên cứu cho thấy, tình trạng ô nhiễm chì cao nhất ở rau muống và thịt lợn (5/8 mẫu nhiễm chì), tiếp đến là gạo (5/12 mẫu). Trong tổng số các mẫu cam, quýt và tôm được xét nghiệm có 1/4 số mẫu vượt quá tiêu chuẩn cho phép về hàm lượng chì. Chỉ tiêu kim loại nặng như Cadmium (kim loại gồm sulfua lẫn với carbonate kẽm) vượt quá TCCP nhiều nhất là ở gạo (3/12 mẫu); tiếp đến là thịt lợn 2/8 mẫu, thịt bò 2/4 mẫu.

Chưa thể khẳng định điều gì

Các mẫu thực phẩm dùng để nghiên cứu với số lượng nhỏ, được lấy tại các chợ, siêu thị không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. TS Nguyễn Thị Lâm nhấn mạnh chưa thể khẳng định điều gì dựa trên kết quả nghiên cứu nhỏ này vì mẫu thực phẩm ngoài chợ, siêu thị độc lập với khẩu phần ăn của trẻ tại các nhà trẻ.

Nghiên cứu này chỉ là thăm dò yếu tố nguy cơ, không mang tính đại diện. Những số liệu đưa ra chỉ là kết quả nghiên cứu các thực phẩm bán tại chợ, siêu thị và nguy cơ nếu trẻ dùng sẽ ảnh hưởng thế nào. Nghiên cứu muốn đầy đủ phải thực hiện sâu rộng hơn, quy mô lớn hơn.

Nhiễm độc chì rất khó phát hiện. Ngay cả những người có nồng độ chì trong máu cao cũng có biểu hiện bình thường. Biểu hiện chỉ rõ ràng khi lượng chì trong máu đã tích lũy đến mức độ nguy hiểm.

Mặc dù chì có thể ảnh hưởng xấu đến tất cả bộ phận của cơ thể nhưng đích tác động đầu tiên của nó là hemoglobin - một protein vận chuyển oxy trong máu. Đặc biệt nguy hiểm là trong quá trình tiến triển, hệ thần kinh của nạn nhân có thể bị tấn công.

Trẻ em ngộ độc chì có thể trở nên bị kích thích, khó chịu, chán ăn, sụt cân, mệt mỏi chậm chạp, đau bụng, nôn mửa, xanh xao do thiếu máu, học hành giảm sút. Một lượng chì trong máu dù ở mức độ rất thấp (100 microgam/lít máu) sau một thời gian cũng có thể gây hại, đặc biệt ở trẻ em.

Nguy cơ lớn nhất là đối với não vì nhiễm độc chì có thể gây những tổn thương sớm và không thể hồi phục.

Với nồng độ cao hơn (250 microgam/lít máu) nhiễm độc chì có thể gây phá hủy thận và hệ thần kinh của cả trẻ em lẫn người lớn. Ở mức cao hơn nữa, nhiễm độc chì có thể gây co giật, hôn mê và tử vong.

Thái Hà

Theo Báo giấy

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/canh-bao-nguy-co-nhiem-doc-chi-trong-thuc-pham-post536697.tpo