Cảnh báo nguy cơ ô nhiễm môi trường không khí

Mặc dù hiện nay, chất lượng môi trường không khí trên địa bàn tỉnh vẫn đang ở mức an toàn song nguy cơ ô nhiễm môi trường luôn tiềm ẩn. Nhận thức rõ điều này, các cấp, các ngành chức năng, các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực nhằm kiểm soát các nguồn thải gây ô nhiễm môi trường không khí, giảm cường độ phát thải khí nhà kính để bảo vệ sức khỏe người dân và góp phần thúc đẩy phát triển KT - XH theo hướng bền vững.

Cán bộ Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường (Sở TN&MT) thường xuyên kiểm tra chỉ số tại Trạm quan trắc tự động KCN Khai Quang (Vĩnh Yên) đối với môi trường nước mặt và môi trường không khí xung quanh.Ảnh: Nguyễn Lượng

Cán bộ Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường (Sở TN&MT) thường xuyên kiểm tra chỉ số tại Trạm quan trắc tự động KCN Khai Quang (Vĩnh Yên) đối với môi trường nước mặt và môi trường không khí xung quanh.Ảnh: Nguyễn Lượng

Qua kết quả phân tích chất lượng môi trường không khí xung quanh năm 2021 của ngành chức năng cho thấy, chất lượng môi trường không khí trên địa bàn tỉnh tương đối tốt, tất cả các thông số giám sát tại các vị trí quan trắc đều có kết quả dưới giới hạn cho phép của QCVN 05:2013/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng không khí xung quanh.

Có được kết quả này nhờ chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng làm tốt công tác tuyên truyền, nhận thức của nhân dân trên địa bàn tỉnh trong công tác bảo vệ môi trường (BVMT) được nâng lên, nhiều phong trào BVMT đã được thực hiện.

Bên cạnh đó, tỉnh đã đầu tư lắp đặt 6 trạm quan trắc môi trường tự động, trong đó, có 3 trạm quan trắc không khí đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về công tác dự báo, quản lý nhà nước về môi trường. Hoạt động kiểm soát ô nhiễm đối với các nguồn thải đã được các sở, ngành, địa phương tích cực triển khai, góp phần giảm thiểu ô nhiễm từ các nguồn thải...

Cụ thể như trong lĩnh vực giao thông vận tải (GTVT), giai đoạn 2016- 2020, tỉnh tiếp tục triển khai phát triển hạ tầng giao thông đường bộ theo Quy hoạch phát triển GTVT tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, trong đó, các tuyến đường mới đều được tính đến quỹ đất để trồng cây xanh hai bên đường, hè phố, dải phân cách, góp phần tạo môi trường xanh - sạch - đẹp.

Các chủ đầu tư khi lập, triển khai dự án giao thông đều chú trọng sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường như sử dụng bê tông xi măng thay cho đá dăm nhựa, vật liệu gạch không nung trong xây dựng rãnh thoát nước...

Đặc biệt, tổ chức đấu thầu công tác quản lý vận hành các tuyến xe buýt, đã cơ bản thay thế hệ thống xe buýt cũ, lạc hậu bằng các xe mới hiện đại hơn, giảm lượng lớn khí thải ra môi trường.

Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tuyên truyền và hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến như quản lý dịch hại tổng hợp IPM; sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sinh học thay thế các loại thuốc hóa học trên cây trồng; thu gom, tiêu hủy bao bì, vỏ thuốc BVTV đúng cách; hỗ trợ xây dựng hầm biogas cho các hộ chăn nuôi gia súc, làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi gà...

Mặc dù vậy, nguy cơ ô nhiễm không khí trên địa bàn tỉnh luôn tiềm ẩn; đặc biệt, tình trạng ô nhiễm bụi do các hoạt động xây dựng, hoạt động của các phương tiện giao thông, sản xuất công nghiệp với lượng thải ngày càng tăng; diện tích cây xanh, mặt nước trong phát triển đô thị chưa đạt yêu cầu;...

Triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 03 ngày 18/1/2021, Chỉ thị số 03 ngày 16/4/2021 của UBND tỉnh về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí trên địa bàn tỉnh, Sở TN&MT đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố nghiên cứu, đề xuất UBND tỉnh ban hành Kế hoạch quản lý chất lượng không khí tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021 - 2025 theo hướng dẫn của Bộ TN&MT.

Đồng thời, thường xuyên nghiên cứu, cập nhật điều chỉnh mạng lưới quan trắc môi trường định kỳ và thiết lập mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường xung quanh tự động, liên tục, nhằm tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm bụi (PM10, PM2.5) trong môi trường không khí.

Công bố kết quả, công khai thông tin và kịp thời cảnh báo cho cộng đồng về chất lượng môi trường trên địa bàn tỉnh; tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện các biện pháp kiểm soát, xử lý khí thải.

Nâng cao chất lượng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư, nhất là các dự án có phát sinh lượng khí thải lớn; yêu cầu các cơ sở sản xuất có phát sinh bụi, khí thải thuộc đối tượng phải lắp đặt quan trắc khí thải tự động, liên tục theo quy định.

Sở GTVT đã xây dựng kế hoạch phát triển hệ thống giao thông công cộng, ưu tiên phương tiện sử dụng năng lượng sạch, không phát thải; đẩy mạnh tuyên truyền sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường; tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc tuân thủ công tác BVMT đối với các chủ dự án, đơn vị quản lý, đơn vị thi công các công trình giao thông trên địa bàn tỉnh…

Ban Quản lý các KCN chủ trì, phối hợp với Sở TN&MT và các cơ quan liên quan thẩm định dự án đầu tư trong KCN; kiên quyết không chấp thuận đầu tư đối với dự án có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường của chủ đầu tư hạ tầng và doanh nghiệp trong các KCN, nhất là các cơ sở có hoạt động xả thải gây ô nhiễm không khí.

UBND các huyện, thành phố nâng cao chất lượng thẩm định, xác nhận hồ sơ môi trường của các dự án đầu tư trên địa bàn, đặc biệt là các dự án thuộc loại hình sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường không khí.

Phối hợp với Sở GTVT và các sở, ngành liên quan thường xuyên kiểm tra, kịp thời duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường đã bị hư hỏng, xuống cấp để hạn chế phát sinh bụi; phối hợp với các đơn vị công ích thực hiện thu gom triệt để rác, bụi bẩn trên các trục đường...

Phùng Hải

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/74505/canh-bao-nguy-co-o-nhiem-moi-truong-khong-khi.html