Hải Phòng: Kiểm soát và cải thiện hiệu quả chất lượng không khí trên địa bàn
Theo kết quả xếp hạng bộ chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI), TP.Hải Phòng thuộc TOP 10 địa phương dẫn đầu cả nước. Đến nay, chỉ số chất lượng không khí tốt của thành phố này đã tăng lên 100%, trước đó vào năm 2022 chỉ đạt khoảng 86,9%.
Để kiểm soát hiệu quả tình trạng ô nhiễm môi trường không khí, TP.Hải Phòng đã thực hiện nhiều giải pháp, trong đó chú trọng hướng dẫn cộng đồng doanh nghiệp, dân cư cùng tham gia việc giảm thiểu phát tán các chất khí, bụi gây ô nhiễm môi trường không khí. Theo kết quả xếp hạng bộ chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) do VCCI công bố hằng năm, liên tiếp trong năm 2022 và 2023, TP.Hải Phòng đều thuộc TOP 10 địa phương dẫn đầu cả nước.
Chất lượng môi trường không khí tại thành phố này ngày càng được cải thiện và nâng cao. Chỉ số AQI kiểm soát chất lượng không khí thường xuyên ở ngưỡng tốt. Năm 2022, chỉ số chất lượng không khí tốt của thành phố chỉ đạt khoảng 86,9%, đến thời điểm này tăng lên 100%.
Các đợt quan trắc chất lượng môi trường không khí của thành phố thời gian qua cho thấy nhìn chung giá trị các chất khí gây ô nhiễm như O3, bụi PM2,5, SO2, CO, NO2 ít biến động và đang nằm trong giá trị giới hạn cho phép. Trong tháng 6/2024, phần lớn quan trắc chất lượng không khí trên địa bàn thành phố tại các thời điểm đều cho kết quả tốt.
Đặc biệt, TP.Hải Phòng dẫn đầu cả nước về chỉ sốThúc đẩy thực hành xanh. Việc triển khai chính sách và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường được đánh giá cao. Tỷ lệ doanh nghiệp tham gia khảo sát PGI ghi nhận sự hỗ trợ, chỉ dẫn từ chính quyền địa phương về cách giảm thiểu, xử lý khí thải và chất thải gần gấp đôi mức trung bình cả nước.
Đến nay, 100% các dự án, nhà máy có nguồn thải lớn, nguy cơ gây ô nhiễm cao như nhiệt điện than, sản xuất thép, hóa chất và phân bón hóa học, chế biến và khai thác khoáng sản, xi măng, tái chế phế liệu trên địa bàn đều lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động, truyền số liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường 24/24 giờ.
Bên cạnh đó, nhiều chủ đầu tư thực hiện xây dựng khu công nghiệp sinh thái gắn với sử dụng năng lượng sạch; tận dụng tín chỉ carbon hướng đến ngành sản xuất công nghiệp bền vững thông qua các sáng kiến như: Lắp đặt tấm pin năng lượng mặt trời, xây dựng các trạm pin mặt trời và tua bin gió. Tiêu biểu trong việc thực hiện mô hình này là Khu công nghiệp Deep C và Nam Cầu Kiền.
Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Hải Phòng Phạm Văn Thuấn cho biết: Công tác kiểm soát chất lượng môi trường không khí được thành phố chú trọng. Thành phố đã có những quy định về phòng, chống ô nhiễm từ các công trình xây dựng, hoạt động vận chuyển trong các đô thị, khu dân cư. Thực hiện việc kiểm soát khí thải, lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động và truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định.
Theo Giám đốc Trung tâm Quan trắc môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) Đàm Quang Quỳnh, với tốc độ phát triển của thành phố ngày càng tăng cao thì công tác tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp sử dụng năng lượng thân thiện với môi trường tiếp tục là giải pháp được coi trọng. Đồng thời tăng diện tích cây xanh, công viên dải trung tâm thành phố, nhằm tạo không gian thoáng mát trong đô thị.
Để kiểm soát chất lượng không khí tốt hơn trong thời gian tới, TP.Hải Phòng đã đưa hệ thống quan trắc không khí tự động vào sử dụng thử nghiệm. Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục vận hành đường dây nóng, nhanh chóng nắm bắt phản ánh của người dân về các vấn đề môi trường, trong đó có môi trường không khí để xử lý kịp thời các trường hợp ô nhiễm.