Cảnh báo nguy cơ tai nạn, ngộ độc ở trẻ nhỏ trong những ngày cận tết

Giáp Tết, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận liên tiếp 11 trường hợp trẻ bị ngộ độc nghiêm trọng.

Trong những ngày cận Tết, khoa Điều trị tích cực Nội khoa của Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) đã tiếp nhận hai bệnh nhi: Bé D.B (18 tháng tuổi ở Yên Bái) và bé G.K (16 tháng tuổi ở Thái Nguyên) trong tình trạng suy hô hấp, tổn thương phổi nặng, hôn mê và suy giảm tri giác. Nguyên nhân là do các bé uống nhầm dầu thắp đèn bàn thờ được đựng trong chai lọ không dán nhãn và để trong tầm tay trẻ.

Gia đình đã đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để sơ cứu ban đầu trước khi chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương. Tại đây, các bác sĩ tiến hành thở máy, sử dụng kháng sinh, thuốc chống viêm và theo dõi sát. Sau 5 ngày điều trị, tình trạng sức khỏe của cả hai bệnh nhi tiến triển tốt, nhưng vẫn cần theo dõi để phòng ngừa biến chứng.

Một bệnh nhi ngộ độc đang được thở máy và chăm sóc tại khoa Điều trị tích cực Nội khoa - Ảnh: BVCC

Một bệnh nhi ngộ độc đang được thở máy và chăm sóc tại khoa Điều trị tích cực Nội khoa - Ảnh: BVCC

Khoa Cấp cứu và Chống độc của Bệnh viện Nhi Trung ương cũng vừa tiếp nhận và điều trị 8 trường hợp ngộ độc thuốc diệt chuột, trong đó có 2 bé trai (8 và 10 tuổi ở Hòa Bình) đã ăn nhầm trứng gà tiêm thuốc diệt chuột do gia đình sử dụng làm bẫy. Sau vài giờ, các bé chóng mặt, buồn nôn và được đưa đến bệnh viện. Kết quả xét nghiệm phát hiện chất Bromadiolone - một chất gây rối loạn đông máu. Sau một tuần điều trị, hai bé đã hồi phục và xuất viện.

Ngoài ra, Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM cũng tiếp nhận bệnh nhi tên K. trong tình trạng có vết thương trên diện rộng, ảnh hưởng đến 48% cơ thể (độ II - III). Theo lời kể từ gia đình, K. có ý định làm cốm nổ từ lúa, nên lấy một thùng thiếc đổ cồn và cho lúa vào rồi đốt lên. Khi lửa gần tắt, cháu rót thêm cồn từ chai nhựa khiến ngọn lửa bùng lên, gây thương tích nghiêm trọng ở đầu, mặt, cổ, ngực, bụng và tay.

Gia đình đã kịp thời sơ cứu bằng cách dội nước lên người K. và đưa đến bệnh viện gần nhà. Sau đó, cháu được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng thành phố để tiếp tục điều trị. Tại đây, các bác sĩ đã hồi sức tích cực kết hợp truyền dịch chống sốc, hỗ trợ hô hấp, dùng thuốc giảm đau, chăm sóc vết bỏng và ghép da cho bệnh nhi.

Sau gần 3 tuần được điều trị tích cực, sức khỏe của K. đã dần ổn định. Những tổn thương của bệnh nhi đã được kiểm soát, làn da mới bắt đầu phục hồi.

Qua trường hợp trên, các bác sĩ lưu ý, vào dịp Tết, trẻ được nghỉ học và ở nhà, do vậy phụ huynh cần chú ý an toàn cho trẻ như: Không để đồ dùng nóng, sôi (bàn ủi nóng, pô xe mới chạy về), chai lọ hóa chất, thuốc diệt chuột, côn trùng, thuốc uống điều trị… ở ngang tầm với trẻ. Nhà tắm không để xô có nước vì trẻ có thể ngã vào. Hạn chế cho trẻ ở gần các vật dụng kích thước lớn (tủ, bàn…), tránh nguy cơ có thể ngã đè trẻ. Tránh cho trẻ nhỏ tiếp cận những nơi nguy hiểm có dụng cụ, vật liệu cháy nổ, đồ điện, ổ điện.

Gia đình cũng cần tăng cường giáo dục trẻ về mối nguy hiểm khi chơi với lửa; tránh tiếp cận nguồn nước nóng, điện, hóa chất. Trường hợp bị bỏng nước sôi hay lửa, cần đưa trẻ ra nơi an toàn, xối nước lên chỗ vết thương cho bớt phỏng, bớt đau, rồi nhanh chóng đưa trẻ tới bệnh viện.

Đan Thùy

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/canh-bao-nguy-co-tai-nan-ngo-doc-o-tre-nho-trong-nhung-ngay-can-tet-228597.html