Cảnh báo nguy cơ thiếu điện ở miền Bắc mùa nắng nóng 2024-2025

Từ nay đến hết năm 2023, tình hình cung ứng điện cơ bản được đảm bảo nhưng sang năm 2024, 2025, vào một số thời điểm nắng nóng gay gắt, miền Bắc có thể thiếu tối đa gần 2.000 MW.

Ngày 18-8, tại Hà Nội, Văn phòng Ban chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng và một số đơn vị thuộc Bộ Công Thương tổ chức hội nghị Tiết kiệm điện trong mùa nắng nóng.

Ông Trần Viết Nguyên, Phó trưởng Ban Kinh doanh - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cho biết 7 tháng năm 2023, điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt 160,58 tỉ kWh, đây là mức tăng trưởng thấp, chỉ tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Đặc biệt, bắt đầu từ ngày 19-5, nắng nóng gay gắt xuất hiện làm tăng nhu cầu sử dụng điện. Phụ tải ngày 19-5 đạt kỷ lục mới với 918,5 triệu kWh, tăng 12,34% so với cùng kỳ, công suất tiêu thụ cực đại 43.300MW, tăng 9,12% so với cùng kỳ.

Ông Trần Viết Nguyên, Phó trưởng Ban Kinh doanh EVN chia sẻ tại hội nghị. Ảnh: AH

Ông Trần Viết Nguyên, Phó trưởng Ban Kinh doanh EVN chia sẻ tại hội nghị. Ảnh: AH

Những ngày sau đó, nắng nóng gay gắt vẫn kéo dài, trong khi lưu lượng nước về các hồ giảm thấp đột ngột do hiện tượng El-Nino, một số nguồn nhiệt điện than bị sự cố, hoặc thiếu than.

“Điều đó dẫn đến hệ thống điện miền Bắc trong giai đoạn tháng 5, 6-2023 vận hành cực kỳ khó khăn. Cùng đó, hệ thống điện miền Nam cũng xảy ra tình trạng thiếu hụt công suất đỉnh tại một số giờ cao điểm, hệ thống phải huy động các nguồn nhiệt điện chạy dầu để đáp ứng nhu cầu phụ tải đỉnh” - ông Nguyên cho biết.

Về kế hoạch cung ứng điện 5 tháng cuối năm 2023, Phó trưởng Ban Kinh doanh EVN cho biết việc cung ứng điện cơ bản sẽ được đảm bảo.

Thông tin về kết quả tiết kiệm điện mùa nắng nóng, EVN cho biết từ 17-5 đến 16-6, cả nước đã tiết kiệm được hơn 226 triệu kWh. Từ 17-6 đến 16-7, cả nước tiết kiệm được hơn 213 triệu kWh.

Tuy nhiên sang đến năm 2024-2025, việc cung ứng điện sẽ gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân do phụ tải tiếp tục tăng cao, dự báo bình quân 9%/năm, tương ứng công suất tăng 4.000 – 4.500MW/năm. Trong khi đó nguồn điện dự kiến đưa vào vận hành lại thấp hơn so với nhu cầu sử dụng điện, với 1.950MW (năm 2024) và 3.770MW (năm 2025), tập trung chủ yếu tại khu vực miền Trung và miền Nam.

Đặc biệt tại khu vực miền Bắc, công suất dự phòng của hệ thống điện thấp; trong khi nhu cầu điện cho miền Bắc tăng trưởng 10%/năm.

“Ở một số thời điểm nắng nóng của năm 2024, 2025, miền Bắc có thể thiếu tối đa gần 2.000 MW” - ông Nguyên nói.

Trước bối cảnh như trên ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, để đảm bảo cung ứng điện, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, tiết kiệm điện là giải pháp đơn giản nhưng hiệu quả, thiết thực nên cần được ưu tiên thực hiện.

Mục tiêu tiết kiệm điện theo chỉ thị 20 của Thủ tướng

1. Mỗi năm cả nước phải phấn đấu hàng năm tiết kiệm tối thiểu 2% trong giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo.

2. Giảm tốt thất điện năng trên toàn hệ thống dưới 6% vào năm 2025.

3. Giảm công suất phụ tải đỉnh của hệ thống điện trên địa bàn tỉnh, thành phố ít nhất 3% đến năm 2025 thông qua Chương trình quản lý nhu cầu điện (DSM) và điều chỉnh phụ tải điện (DR).

4. Phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50 % nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu phục vụ tại chỗ, không bán vào hệ thống điện quốc gia.

5. Đến năm 2025, phấn đấu 100% chiếu sáng đường phố sử dụng đèn Led.

AN HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/canh-bao-nguy-co-thieu-dien-o-mien-bac-mua-nang-nong-2024-2025-post747370.html