Cảnh báo nguy hiểm khi uống i-ốt để phòng COVID-19
Các nhà khoa học đã lên tiếng cảnh báo về một phương pháp điều trị không hiệu quả khác với COVID-19, đang được lan truyền trong nhóm những người phản đối và hoài nghi vaccine ở Mỹ.
Đầu tiên là thuốc trị sốt rét Hydroxychloroquine, sau đó là thuốc diệt giun và ký sinh trùng Ivermectin. Và hiện nay, theo nhiều báo cáo, một số người Mỹ đang súc miệng hoặc uống Betadine lỏng chứa thành phần i-ốt để ngăn ngừa nhiễm COVID-19 thay vì tiêm chủng.
Betadine là tên thương hiệu của povidone-iodine, một chất lỏng màu hổ phách thường được bán dưới dạng dung dịch 10% như một chất khử trùng để làm sạch vết thương và da. Dung dịch Betadine 0,5% được bán dưới dạng nước súc miệng trị viêm họng, nhưng nhà sản xuất cảnh báo mọi người không được nuốt. Gần đây, nhà sản xuất đã cảnh báo người tiêu dùng không nên sử dụng Betadine để điều trị COVID-19, hoặc coi nó như một hình thức điều trị.
Thông báo trên trang web của một nhà sản xuất Betadin nêu rõ: “Các sản phẩm sơ cứu bằng thuốc sát trùng Betadine chưa được phê duyệt để điều trị COVID-19. Sản phẩm chỉ được sử dụng để ngăn ngừa nhiễm trùng ở các vết rách nhỏ, vết xước và vết bỏng. Các sản phẩm thuốc sát trùng Betadine không được chứng minh là hiệu quả trong điều trị hoặc ngăn ngừa nhiễm COVID-19 hoặc bất cứ virus nào khác”.
Tùy thuộc vào loại Betadine được uống, các tác dụng phụ có thể bao gồm từ đau dạ dày, buồn nôn, sốt, khát nước cháy họng, bí tiểu cho đến tiêu chảy, nôn mửa và bỏng đường tiêu hóa.
Rõ ràng không có bằng chứng khoa học nào cho thấy Betadine có thể giúp điều trị hoặc ngăn ngừa COVID-19, nhưng làm thế nào xu hướng nguy hiểm này lại xảy ra?
Không rõ thời điểm chính xác, nhưng một số nguồn từ truyền thông xã hội cho biết việc sử dụng Betadine để “điều trị COVID-19” đã manh nha từ cuối năm 2020. Tới tháng 4/2021, một đoạn video có chủ đích của một bác sĩ đã lan truyền trên mạng, trong đó bác sĩ này khẳng định Betadine giúp điều trị và ngăn ngừa nhiễm COVID-19.
Những người ủng hộ quan điểm sai lầm đó thường nhắc đến một số nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy, các chất khử trùng làm giảm tải lượng virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên theo các chuyên gia y tế, những thí nghiệm như vậy là vô nghĩa.
Tiến sĩ Benhur Lee, Giáo sư Vi sinh học tại trường Y Icahn tại Mount Sinai (New York, Mỹ), cho biết những thí nghiệm như vậy chỉ diễn ra trong các ống nghiệm, đĩa petri, hoặc môi trường bên ngoài người bệnh. Ông Lee lưu ý những gì xảy ra trong ống nghiệm có thể không đúng như trong cơ thể người.
Giáo sư Lee lấy ví dụ: “Tôi có thể tăng 50% nồng độ natri clorua (muối ăn) vào các tế bào nuôi cấy mô của mình và chứng kiến sự ức chế hầu hết các loại virus. Nhưng tôi không yêu cầu mọi người ăn càng nhiều thức ăn mặn càng tốt để ngăn ngừa lây nhiễm virus, chứ chưa nói đến SARS-CoV-2”.
Vị Giáo sư khẳng định, niềm tin rằng các nghiên cứu trong ống nghiệm sẽ hình thành một phương pháp điều trị hiệu quả là “tư duy ma thuật”.
Giống như nhiều “huyền thoại” khác về các loại thuốc trị COVID-19, ý tưởng cho rằng Betadine là một phương pháp điều trị khả thi xuất phát từ các bằng chứng khoa học không rõ ràng và được đưa ra bởi những nhân vật dường như chỉ có ảnh hưởng trên mạng xã hội.
Chẳng hạn, một nghiên cứu vào năm 2020 cho thấy nước súc miệng Listerine, Iso-Betadine và Dequonal có thể làm giảm tải lượng virus trong nước bọt, do đó làm giảm sự lây lan của SARS-CoV-2. Một nghiên cứu gần đây hơn lại phát hiện, nước Listerine và Chlorhexidine (chứa i-ốt) đã ngăn chặn virus gây COVID-19 trong ống nghiệm. Nhưng không một bằng chứng nào ở thế giới thực hay các thử nghiệm trên người cho thấy việc súc miệng bằng Listerine hay Betadine có tác động gì với COVID-19.
Ngay cả nếu những loại nước này thực sự tiêu diệt được virus trong miệng một người nào đó, thì cũng không đủ để ngăn chặn virus.
Nhà virus học Angela Rasmussen nói với New York Times: “Chuyện đó không giống như việc các tế bào của bạn bị nhiễm virus, sau đó chúng sản sinh ra một nhóm virus, và thế là xong. Các tế bào đã nhiễm sẽ liên tục tạo ra nhiều virus hơn".
Nhà sản xuất Listerine cũng cảnh báo người tiêu dùng không sử dụng nước súc miệng này như một phương pháp điều trị COVID-19.
Công ty tuyên bố: "Mặc dù gần đây có các báo cáo dựa trên nghiên cứu trong ống nghiệm về một số loại nước súc miệng LISTERINE có hoạt tính chống lại virus bao bọc, bao gồm cả SARS-CoV-2, nhưng dữ liệu hiện có không đủ và không có kết luận lâm sàng dựa trên bằng chứng nào có thể được đưa ra liên quan đến khả năng chống virus hiệu quả của nước súc miệng Listerine tại thời điểm này”. Nhà sản xuất Listerine cũng khẳng định, "cần nghiên cứu thêm để xác định liệu việc sử dụng nước súc miệng có thể ảnh hưởng đến việc lây truyền virus, phơi nhiễm, xâm nhập, tải lượng virus và cuối cùng là có ảnh hưởng đến kết quả lâm sàng hay không”.
Không chỉ các nhà sản xuất cảnh báo mạnh mẽ chống lại nhận thức thiếu cơ sở nói trên, mà nhiều bác sĩ và chuyên gia y tế công cộng cũng có những cảnh báo tương tự.
Scott Schaeffer, Giám đốc điều hành Trung tâm Thông tin Thuốc và Chất độc bang Oklahoma (Mỹ), nói: “Kali i-ốt là một dạng hợp chất mà nếu sử dụng quá mức có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng về đường tiêu hóa”. Ông Schaelffer nhấn mạnh: “Betadine và những sản phẩm cùng loại có nồng độ rất thấp. Nếu một người sử dụng một dạng iốt tinh khiết, như kali i-ốt, thì có thể gây bỏng nặng ở miệng, cổ họng, thực quản. Điều cuối cùng bạn gây ra là đốt thủng một lỗ ở dạ dày hoặc thực quản”.