Cảnh báo nguy hiểm tai nạn thương tích ở trẻ nhỏ trong dịp lễ Tết
Vào dịp Tết, trẻ em được nghỉ học dài ngày, người lớn lại quá bận rộn với những công việc chuẩn bị đón Tết. Vì thế, việc theo dõi và chăm sóc trẻ dễ bị lơ là dẫn đến những tai nạn thương tích nguy hiểm đáng tiếc.
Bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP. Hồ Chí Minh) cho biết, trẻ em nói chung, đặc biệt với lứa tuổi từ 1 - 3 tuổi nói riêng, có thể dễ gặp các tai nạn sinh hoạt trong nhà như nuốt phải vật thể gây ngạt thở, điện giật, chấn thương, bỏng, đuối nước, uống hoặc ăn nhầm các chất độc hại,…
Chính vì vậy, để tết vui vẻ sum vầy, an toàn và trọn vẹn, phụ huynh cần lưu ý một số tai nạn thương tích thường gặp để phòng ngừa sau đây:
Bỏng
Gắn liền với Tết là những nồi bánh chưng, bánh tét, thịt kho hột vịt,….và với tính hiếu động của trẻ nhỏ, thì việc có nguy cơ bỏng do sờ chạm hoặc vấp ngã vào chúng là điều có thể xảy ra.
Để phòng tránh những sự đáng tiếc ấy, mọi người nên trông nom trẻ thật kỹ và dặn dò tránh xa nếu trẻ đã biết nghe hiểu, hoặc đặt chúng ở trên cao, ngoài tầm với của trẻ. Ngoài ra, những ấm trà nóng hoặc chiếc bàn ủi mới sử dụng cũng có thể trở thành nguyên nhân gây bỏng cho trẻ.
Dị vật đường thở
Những món ăn thường thấy trong dịp tết bao gồm hạt dưa, hạt hướng dương, hạt bí, rau câu, bánh mứt,…hoặc những món đồ chơi nhỏ đều ẩn chứa nhiều nguy cơ gây dị vật đường thở cho trẻ.
Để phòng tránh điều đáng tiếc xảy ra, mọi người nên hạn chế cho trẻ ăn các loại thực phẩm trên. Trường hợp cho trẻ ăn trái cây có hạt thì cần loại bỏ hạt, đồng thời không cho trẻ chơi những món đồ chơi có kích thước nhỏ tránh việc trẻ có thể nuốt hoặc nhét chúng vào lỗ tai, lỗ mũi.
Điện giật
Nguy cơ xảy ra cao trong những ngày cận tết và tết, bởi nhiều gia đình trang trí đèn trên cây kiểng, chúng nhấp nháy bắt mắt, hấp dẫn và gây sự tò mò cho trẻ. Hoặc những ổ điện đặt dưới thấp, trong tầm với của trẻ đều có thể là nguyên nhân dẫn đến việc trẻ bị điện giật.
Để phòng tránh, phụ huynh cần giám sát trẻ thật kỹ nếu trong nhà có sử dụng đèn trang trí tết hoặc đặt các ổ điện trên cao, ngoài tầm với của trẻ và nên đậy kín các ổ điện dưới thấp bằng nút nhựa an toàn.
Đuối nước
Một số gia đình có hồ cá kiểng, hồ bơi, lu nước, xô nước hoặc nhà nằm cạnh ao hồ, sông suối. Trẻ em vốn có tính hiếu động nên dù là trẻ lớn hay trẻ nhỏ đều có nguy cơ ngã hoặc té xuống gây đuối nước.
Để phòng ngừa, phụ huynh cần giám sát trông nom trẻ thật kỹ và đảm bảo các dụng cụ chứa nước có kích cỡ lớn được đậy nắp chắc chắn. Đối với trẻ lớn có thể nghe hiểu, khuyến cáo phụ huynh nên dạy cho trẻ biết mối nguy hiểm của đuối nước và dặn dò trẻ.
Uống hoặc ăn nhầm chất độc hại
Trẻ em có thể bò hoặc đi quanh nhà và đưa bất kỳ vật gì vào miệng bởi tính hiếu động và tò mò vốn có. Thật nguy hiểm nếu như đó là một bình dầu hôi, xăng hoặc chất tẩy rửa,… Dẫn đến nguy cơ ngộ độc và gây nguy hiểm cho trẻ.
Để phòng tránh, phụ huynh không nên đựng các hóa chất trong các chai nước giải khát và không để các vật dụng chứa chất độc hại gần tầm với, tầm nhìn của trẻ.
Tai nạn giao thông
Vào các dịp lễ tết, số trường hợp trẻ bị tai nạn giao thông cũng không ít. Nguyên nhân thường xảy ra do phụ huynh không kiểm soát trẻ để trẻ tự do điều khiển phương tiện xe cộ, chạy nhảy ngoài đường thiếu quan sát, chở quá số lượng người quy định, tham gia lưu thông bằng xe máy nhưng không đội nón bảo hiểm cho trẻ,…
Để phòng tránh, phụ cần kiểm soát chặt chẽ và không cho phép trẻ điều khiển phương tiện giao thông khi chưa đủ tuổi hoặc khi không có sự quan sát theo dõi của phụ huynh. Đối với trẻ có thể nghe hiểu, phụ huynh cần dạy cho trẻ về mối nguy hiểm của việc chơi đùa dưới lòng đường và dặn dò trẻ.
Đồng thời, khuyến cáo phụ huynh hãy để mắt đến con trẻ, không nên để trẻ một mình, lơ là trẻ. Đồng thời, thiết kế môi trường xung quanh nhà đảm bảo an toàn cho trẻ.