Cảnh báo nguy hiểm tiềm ẩn từ pháo nổ tự chế

Chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Thời điểm này, không ít thanh, thiếu niên, đặc biệt là các em học sinh, sinh viên đang ở độ tuổi cắp sách tới trường lén lút mua các vật liệu tiền chất pháo nổ trôi nổi, sau đó tự chế, quấn pháo tại nhà.

Mới đây, tại huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang ghi nhận vụ tai nạn do tự ý quấn pháo tự chế tại nhà làm một người tử vong, nhà cửa bị hư hỏng nặng, mái nhà bị thổi bay, gạch vỡ tung tóe trên nền đất. Điều này đang dấy lên thực trạng đáng lo ngại về tình trạng sử dụng, chế tạo pháo tự chế gây nguy hiểm khôn lường đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân và tình hình an ninh, trật tự tại các địa phương mỗi dịp cuối năm.

Hội nhóm làm pháo tự chế thu hút nhiều người dùng mạng tham gia. Ảnh chụp màn hình

Hội nhóm làm pháo tự chế thu hút nhiều người dùng mạng tham gia. Ảnh chụp màn hình

Cụ thể, truy cập vào các hội nhóm hàng trăm bài viết rao bán pháo tự chế từ pháo cỡ nhỏ, cỡ lớn, pháo hoa, hay pháo dàn... cùng các công thức làm pháo “đơn giản bất ngờ” thu hút số lượt người theo dõi, bình luận, đặt hàng rất sôi nổi. Theo đó, tùy từng kích cỡ, loại pháo sẽ có các mức giá khác nhau dao động từ 80.000 đồng đến 500.000 đồng bao gồm: than, lưu huỳnh, bột Kclo3, giấy bạc... Chưa kể, các tài khoản mạng xã hội Youtube, Tiktok đăng tải các video hướng dẫn cụ thể công thức, trộn hóa chất để tạo pháo từ các nguyên liệu “đời thường” dễ dàng tìm kiếm như: các loại giấy cuộn (làm thân pháo), dây cháy chậm, các túi thuốc pháo với tên gọi “bột than mịn bón cây”, “hóa chất vàng”, hay “phân bón”, “bột vàng chanh nhiều ứng dụng”...

Các nguyên liệu chế tạo pháo được bán công khai trên các trang mạng xã hội. Ảnh nguồn Internet

Thực tế, tình trạng tự chế pháo đã diễn ra âm ỉ trong một vài năm trở lại đây; mặc dù các cấp chính quyền và các cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt nhưng những con số thương vong do pháo nổ vẫn ở mức đáng báo động và đa số nạn nhân đều còn rất trẻ. Không ít trường hợp bị bỏng nặng, mù mắt, nát bàn tay hay đáng thương tâm hơn là tử vong từ trò “nghịch dại” này. Để phòng ngừa, ngăn chặn cần có sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và toàn xã hội trong công tác tuyên truyền, giáo dục người dân tuân thủ chấp hành quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng pháo nổ; tuyệt đối không lên mạng học các công thức làm pháo gây nguy hại cho bản thân, gia đình và xã hội.

Tại điểm i khoản 4 điều 11 Nghị định 144/2021 quy định về hành vi mua bán nguyên liệu có thể gây cháy nổ như lưu huỳnh, thuốc pháo, diêm... hay hướng dẫn chế tạo pháo nổ có thể bị xử phạt hành chính bằng hình thức phạt tiền từ 10-20 triệu đồng. Mặt khác, căn cứ tại Điều 305 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 tùy theo mức độ nguy hiểm, người bán có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép.

Các loại pháo tự chế bán “trôi nổi” trên mạng xã hội.

Theo đó, người từ 14 tuổi trở lên tự chế pháo gây tiếng nổ sẽ bị xử lý hành chính về hành vi sản xuất, tàng trữ, mua, bán, vận chuyển trái phép pháo, thuốc pháo và đồ chơi nguy hiểm với mức phạt từ 5-10 triệu đồng. Trường hợp người đủ 16 tuổi trở lên chế tạo pháo gây tai nạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ. Đồng thời, Bộ luật Dân sự quy định người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình, nếu không đủ thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình. Với người dưới 15 tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại.

Phú Lan

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/canh-bao-nguy-hiem-tiem-an-tu-phao-no-tu-che-34334.htm