Cảnh báo nguyên nhân bệnh thận mạn tăng ở người trẻ

Thời gian gần đây, bệnh thận mạn đang có xu hướng trẻ hóa, rất nhiều trường hợp chỉ dưới 30 tuổi.

Tôi năm nay mới 28 tuổi, không có bệnh nền nhưng gần đây đi khám lại phát hiện chức năng thận bị giảm nhẹ. Tôi không hiểu sao còn trẻ mà thận đã yếu như vậy, bác sĩ có thể chia sẻ về bệnh thận mạn, đặc biệt là ở người trẻ không ạ?

Trả lời

Thận có nhiệm vụ đào thải độc tố và tham gia vào quá trình sản xuất một số loại hormone cần thiết cho cơ thể.

Bệnh thận mạn làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, và các bệnh không lây nhiễm khác, rối loạn chuyển hóa, thiếu máu, stress, bệnh lý về xương… và cả tăng nguy cơ bị viêm nhiễm dẫn đến tăng tỉ lệ tử vong, giảm tuổi thọ.

Hiệu quả điều trị kém, tăng nguy cơ nhập viện, nhất là giai đoạn cuối đòi hỏi chi phí điều trị lớn và gây áp lực lên hệ thống y tế cũng như tài chính của bản thân và gia đình.

Bệnh thận mạn ở các nước có thu nhập trung bình - cao thường do đái tháo đường và tăng huyết áp gây ra.

Triệu chứng bệnh thận mạn

- Mệt mỏi, chán ăn, suy nhược cơ thể, khó ngủ, khó tập trung trong công việc.

- Đau đầu, chóng mặt.

- Da khô, hay bị ngứa, chuột rút.

- Phù ở mắt cá chân và phần mặt trước của cẳng chân. Khi suy thận nghiêm trọng, người bệnh có thể bị phù toàn thân, thường xuyên bị đau tức ngực, khó thở.

- Suy giảm ham muốn.

- Rối loạn tiểu tiện, trong nước tiểu có thể lẫn máu hoặc có bọt.

Suy thận có thể xảy ra với bất cứ ai và trong bất cứ lứa tuổi nào. Thông thường, tuổi càng cao thì càng dễ mắc suy thận. Tuy nhiên, thời gian gần đây, căn bệnh này đang có xu hướng trẻ hóa, rất nhiều trường hợp chỉ dưới 30 tuổi.

Nguyên nhân suy thận ở người trẻ

- Do dị tật bẩm sinh: Những vấn đề bất thường ở thận mà các em gặp phải ngay từ khi sinh ra chính là nguyên nhân khiến trẻ bị bệnh suy thận. Trong đó, một số dị tật bẩm sinh ở thận bao gồm:

+ Trẻ được sinh ra chỉ với duy nhất một quả thận.

+ Trẻ có đầy đủ 2 quả thận nhưng 1 trong 2 thận lại không thực hiện được đúng chức năng hoạt động của nó.

+ Vị trí của thận bất thường, nằm quá thấp hoặc quá cao so với vị trí thận ở những người khỏe mạnh.

+ Có bất thường ở bàng quang hay niệu quản: Những vấn đề này có thể là nguyên nhân khiến nước tiểu bị chặn và chảy ngược từ bàng quang lên thận.

Nhiều trẻ bị dị tật bẩm sinh ở thận vẫn có thể sống khỏe mạnh mà không gặp phải những vấn đề gì quá nghiêm trọng đến sức khỏe do dị tật này

Tuy nhiên, nhóm đối tượng này lại có nguy cơ suy thận trong tương lai cao hơn những trẻ khác. Do đó, nếu trường hợp con bị dị tật bẩm sinh về thận, cha mẹ nên đưa con đi khám càng sớm càng tốt.

- Tình trạng suy thận ở người trẻ còn có thể do lối sống không lành mạnh có thể kể đến như ăn những loại đồ ăn chế biến sẵn, uống nhiều nước ngọt, ăn những loại thực phẩm có chứa chất bảo quản, lối sống lười vận động,...

Nhiễm trùng thận: Là vấn đề có thể xảy ra nếu người bệnh bị vi khuẩn tấn công. Thông thường, bệnh nhân sẽ được điều trị hiệu quả bằng thuốc kháng sinh và không gây tổn thương nghiêm trọng về sức khỏe.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nhiễm trùng thận có thể gây phản ứng viêm và dẫn đến những tổn thương nghiêm trọng như viêm cầu thận, viêm thận kẽ xuyên... làm tăng nguy cơ bị suy thận.

- Hội chứng thận hư: Đây cũng là một trong những nguyên nhân suy thận ở người trẻ. Bệnh có thể gây ra một số triệu chứng như sưng bàn chân, phù mắt cá chân, phù tay và mặt.

- Suy thận có thể là do tình trạng tăng huyết áp gây ra.

- Do bệnh tiểu đường: Những người trẻ mắc bệnh tiểu đường cũng là đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh thận mạn. Khi lượng đường trong máu thường xuyên tăng cao, có thể ảnh hưởng đến mạch máu nhỏ có chức năng nuôi dưỡng thận.

Sau một thời gian, thận rất dễ bị tổn thương, suy giảm chức năng. Từ đó, lượng chất độc có nguy cơ tích tụ trong cơ thể và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bệnh nhân.

- Các vấn đề tại các cơ quan trong hệ tiết niệu cũng có thể là nguyên nhân suy thận ở người trẻ, chẳng hạn tình trạng tắc nghẽn hệ thống tiết niệu, trào ngược nước tiểu...

Phòng ngừa suy thận

Để hạn chế những dị tật bẩm sinh ở thận hay dị tật ở một số cơ quan trong cơ thể trẻ, ngay từ khi mang thai, thai phụ nên thực hiện chế độ ăn uống và nghỉ ngơi khoa học, đặc biệt cần khám thai theo đúng lịch hẹn của bác sĩ.

- Về chế độ ăn:

+ Nên ăn nhạt để bảo vệ thận và phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

+ Nên ăn nhiều rau xanh và trái cây.

- Về chế độ sinh hoạt:

+ Ngủ đủ giấc.

+ Hạn chế thức khuya.

+ Kiểm soát căng thẳng tốt.

+ Cân bằng chế độ nghỉ ngơi và làm việc.

+ Thường xuyên tập thể dục.

- Các bạn trẻ cần chú trọng đến việc khám sức khỏe định kỳ để hiểu rõ về tình trạng sức khỏe của mình, kịp thời phát hiện bất thường và điều trị hiệu quả, đồng thời phòng ngừa những biến chứng nguy hiểm.

Nếu được chẩn đoán là suy thận, bạn cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ, tránh tuyệt đối việc tự ý mua và dùng thuốc khi chưa được bác sĩ kê đơn.

Bệnh thận mạn là 1 vấn đề sức khỏe toàn cầu đáng ngại, tỉ lệ mắc bệnh rất cao, ước tính hiện có khoảng 850 triệu người mắc bệnh thận, tỉ lệ mắc khoảng 10-14%, gần gấp đôi so với số người bệnh mắc bệnh đái tháo đường và gần 20 lần so với tỉ lệ mắc bệnh ung thư hoặc HIV/AIDS trên toàn thế giới.

Năm 2017, bệnh thận mạn và tác động của bệnh có liên quan đến 2,6 triệu ca tử vong, tăng từ vị trí 19 lên 11 trong các nguyên nhân gây tử vong hàng đầu từ năm 1990 đến năm 2019, dự kiến trong 10 năm tới có thể tăng tỉ lệ mắc bệnh thận mạn lên đến 16,5% và nhu cầu chạy thận nhân tạo tăng 75%. Nguy cơ tử vong trong 10 năm của người bệnh thận mạn có thể vượt quá 47% và ước tính có đến 5-10 triệu người chết mỗi năm do bệnh thận mạn.

BS CKII Nguyễn Thị Bích Uyên, Trưởng Khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Lê Văn Việt

DI LINH (ghi)

Nguồn PLO: https://plo.vn/canh-bao-nguyen-nhan-benh-than-man-tang-o-nguoi-tre-post859796.html