Cảnh báo những nguy hiểm từ việc sản xuất thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm
Các phương pháp sản xuất thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm hiện tại có thể gây hại cho môi trường hơn nhiều so với chăn nuôi gia súc lấy thịt truyền thống.
Dù có những tiến bộ trong việc tạo ra các sản phẩm thịt được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm với hương vị giống như thịt động vật thật sự, hiện vẫn chưa thấy một nhà máy nào sản xuất thịt nuôi cấy khối lượng lớn.
Theo một nghiên cứu gần đây của các nhà nghiên cứu từ Đại học California ở Davis (UCD) và Đại học California ở Holtville, đó có thể không phải là điều tồi tệ.
Họ cảnh báo các phương pháp sản xuất thịt nuôi trong phòng thí nghiệm hiện tại có thể gây hại cho môi trường nhiều hơn so với chăn nuôi gia súc lấy thịt, mặc dù nuôi cấy thịt thường được quảng cáo là một giải pháp thay thế bền vững.
Đánh giá mới của các nhà nghiên cứu đối với những quy trình phát triển thịt hiện tại dù chưa được kiểm chứng, nhưng cho thấy sản xuất thịt nuôi cấy có thể thải ra lượng carbon dioxide cao hơn từ 4 - 25 lần so với sản xuất thịt động vật thông thường, tùy thuộc vào kỹ thuật đã sử dụng.
Nhà khoa học thực phẩm của UCD Derrick Risner và các đồng nghiệp viết trong báo cáo khoa học của họ: "Đây là một kết luận quan trọng vì đã có không ít tiền đầu tư được phân bổ cho lĩnh vực này với luận điểm rằng sản phẩm sẽ thân thiện với môi trường hơn thịt bò". Đồng thời, ông Risner giải thích thêm: "Mối quan ngại của tôi là quy mô này sẽ mở rộng quá nhanh và làm điều gì đó có hại cho môi trường".
Thịt nuôi cấy được phát triển từ các tế bào động vật không hiệu quả để hình thành các mô mà chúng ta rất khoái khẩu khi ăn, chẳng hạn như chất béo, cơ và các mô liên kết.
Trong khi thịt được nuôi cấy sử dụng ít đất hơn so với nuôi một đàn gia súc, thì chúng ta lại ít chú ý đến việc sử dụng nước, các loại thuốc, phí tổn môi trường tạo các chất dinh dưỡng đặc biệt cao để tốc độ phát triển sản phẩm tăng lên nhanh chóng.
Để có thịt nhân tạo, sẽ tốn kém nguồn lực điều hành các phòng thí nghiệm để chiết xuất các yếu tố tăng trưởng từ huyết thanh động vật, cũng như nuôi cấy để lấy đường và vitamin.
Sau đó, lại cần năng lượng để làm sạch tất cả các thành phần nước được dùng theo tiêu chuẩn cao trước khi chúng có thể được cung cấp cho các khối thịt đang sinh trưởng. Mức độ thanh lọc cực cao, sẽ tốn rất nhiều năng lượng để ngăn chặn việc đưa vi khuẩn vào môi trường nuôi cấy.
Risner khẳng định: "Nếu không chịu tốn kém năng lượng thì các tế bào động vật sẽ không phát triển, vì vi khuẩn sẽ nhân lên nhanh hơn nhiều".
Nhưng việc này cũng không chỉ toàn tin xấu. Giảm tiêu chuẩn tinh chế từ cấp dược phẩm xuống cấp thực phẩm sẽ giảm đáng kể nhu cầu năng lượng. Do đó, lượng khí thải nhà kính từ sản xuất thịt nuôi cấy có thể giảm xuống hơn một phần tư so với chăn nuôi bò thịt thông thường. Trong trường hợp tốt nhất, đó có thể là một lựa chọn “xanh” hơn, tốt hơn đến 80% so với chăn nuôi gia súc truyền thống.
Tuy nhiên, theo ước tính của các nhà nghiên cứu, các hệ thống chăn nuôi bò thịt hiệu quả nhất ngày nay vẫn có thể vượt trội so với hệ thống nuôi cấy thịt theo tiêu chuẩn cấp thực phẩm.
Edward Spang, nhà khoa học thực phẩm của UCD giải thích: “Có thể chúng ta có thể giảm tác động môi trường của nó trong tương lai, nhưng nó sẽ đòi hỏi tiến bộ kỹ thuật đáng kể để đồng thời tăng hiệu suất và giảm phí tổn môi trường khi nuôi cấy tế bào”.
Hơn nữa, các tính toán của các nhà nghiên cứu chỉ gồm chi phí năng lượng để sản xuất thịt được nuôi trong phòng thí nghiệm bằng các phương pháp hiện tại, chứ chưa tính tác động của việc xây dựng các cơ sở lớn hơn để sản xuất quy mô hàng loạt.
Nuôi cấy tế bào động vật khó phát triển hơn nhiều so với vi khuẩn và nấm vì chúng nhạy cảm với môi trường hơn nhiều. Thực sự không có gì đáng ngạc nhiên vì tế bào động vật đã tiến hóa để được giữ an toàn trong các lớp bảo vệ khác của cơ thể.
Điều này có nghĩa là tế bào động vật cần các lò phản ứng sinh học chuyên biệt, đã được tiệt trùng và tiêu tốn nhiều năng lượng để cung cấp các điều kiện và biện pháp bảo vệ phù hợp cho các tế bào mỏng manh này.
Các nhà nghiên cứu cho biết sẽ hợp lý hơn nếu đầu tư vào việc nâng cao hiệu quả của các trang trại chăn nuôi hiện có để hạn chế ảnh hưởng đến môi trường của chúng, điều này có thể nhanh chóng giúp giảm lượng khí thải nhiều hơn mà ngành công nghiệp thịt nuôi trong phòng thí nghiệm non trẻ này có thể làm được.
Risner và các cộng sự kết luận "Với đánh giá này, việc đầu tư mở rộng quy mô công nghệ này trước khi giải quyết các vấn đề chính... sẽ đi ngược lại các mục tiêu môi trường mà lĩnh vực này đã đạt được".
Theo Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên Hợp Quốc, nhu cầu chung về thịt dự kiến sẽ tăng hơn 70% vào năm 2050 và chăn nuôi gia súc hiện chiếm khoảng 15% tổng lượng phát thải khí nhà kính do con người tạo ra hiện nay. Đối với những người mong mỏi một loại thịt thay thế bền vững hơn, có vẻ như protein từ thực vật (như đậu phụ, đậu nành…) vẫn là lựa chọn khả thi nhất.