Cảnh báo những sai lầm tai hại sau Tết rất nhiều bà nội trợ mắc phải
Việc xử lý không đúng cách các loại thực phẩm sau Tết tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại đối với sức khỏe người dùng.
Không vệ sinh tủ lạnh sau Tết
Cứ Tết đến, tủ lạnh của mỗi gia đình đều được coi là “kho” chứa đồ, từ các loại thực phẩm tươi sống, rau củ quả đến các loại đồ ăn chín được đun đi đun lại nhiều lần. Việc để chung các loại thực phẩm trong tủ lạnh vô tình đã tạo điều kiện cho nhiều loại vi khuẩn sinh sôi phát triển.
Tuy nhiên, sau Tết, rất nhiều bà nội trợ lại “quên” việc phải vệ sinh tủ lạnh để loại bỏ “ổ” vi khuẩn. Điều này làm gia tăng nguy cơ vi khuẩn tấn công thực phẩm và ảnh hưởng đến sức khỏe của mọi người trong gia đình.
Do đó, để đảm bảo an toàn, tốt nhất, sau kỳ nghỉ lễ, các bà nội trợ nên dành thời gian để lau dọn sạch sẽ tủ lạnh. Loại bỏ những đồ ăn đã để quá lâu trong tủ, nhất là các thức ăn chín đã được hâm đi hâm lại nhiều lần, hết giá trị dinh dưỡng.
Sau đó, bao gói, đóng hộp các thực phẩm còn lại, sắp xếp một cách hợp lý nhất để hạn chế sự tấn công của vi khuẩn.
Đưa thực phẩm lưu cữu ở ngăn mát lên cấp đông
Bên cạnh việc không vệ sinh tủ lạnh, một thói quen tai hại mà khá nhiều bà nội trợ mắc phải là đưa những thực phẩm thừa đã được rã đông hoặc để dưới ngăn mát tủ lạnh trong nhiều ngày lên cấp đông trở lại trên ngăn đá với mục đích sử dụng lâu dài.
Trên thực tế, các chuyên gia cho biết, khi thực phẩm đã được mang ra ngoài rã đông, tức là đã có nguy cơ bị vi khuẩn tấn công. Khi đó, nếu không chế biến ngay mà lại để trở lại ngăn mát hoặc tiếp tục cấp đông thì vừa làm mất giá trị dinh dưỡng của thực phẩm vừa làm gia tăng khả năng bị nhiễm khuẩn.
Rán bánh chưng mốc để ăn
Bánh chưng là món ăn truyền thống trong mỗi dịp Tết. Tuy nhiên, khi gặp thời tiết nắng nóng hoặc nồm ẩm, mưa phùn, bánh rất dễ bị thiu hoặc nấm mốc. Mặc dù các phương tiện truyền thông đã cảnh báo, nấm mốc gây ra nhiều tác hại xấu đối với sức khỏe con người, thế nhưng, với tâm lý tiếc của, một số người lại có quan niệm chỉ cần loại bỏ phần bánh bị mốc, sau đó rán lên là các loại vi khuẩn sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, đây là một quan niệm hoàn toàn sai lầm. Bởi lẽ, việc gọt phần mốc trên bề mặt bánh thực chất chỉ là làm sạch phần vỏ bên ngoài chứ không thể loại bỏ các chất độc đã ngấm sâu bên trong bánh.
Hơn nữa, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, dù nhiệt độ rất cao nhưng độc tố của các loại nấm mốc vẫn không bị phá hủy và hoàn toàn có khả năng gây hại. Do đó, khi thấy bánh chưng đã bị nấm mốc, tốt nhất không nên tiếc rẻ giữ lại ăn mà nên bỏ đi, tránh gây hại cho sức khỏe.
Ngâm quả quất cảnh
Nhiều năm nay, cây quất được lựa chọn là một loại cây cảnh trưng Tết của rất nhiều gia đình Việt. Sau Tết, nhiều người thường tận dụng quả quất để chế biến thành đồ ăn như quất ngâm đường, mứt quất, quất làm gia vị hoặc làm si-rô chữa bệnh ho...
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc tận dụng quất cảnh làm thực phẩm chỉ đảm bảo an toàn và phát huy tác dụng cho người dùng khi quất phải được phát triển tự nhiên chứ không phải loại quất trồng trong điều kiện ô nhiễm, bị phun nhiều loại thuốc kích thích, thuốc trừ sâu độc hại với mục đích làm đồ trang trí trong dịp Tết.
Thực tế, theo tiết lộ của những người có kinh nghiệm trồng cây cảnh, trước khi cây quất ra hoa kết trái các nhà vườn sẽ phun lên đó rất nhiều loại thuốc hóa học, thuốc trừ sâu với nồng độ đậm đặc. Càng tới gần ngày mang đi bán thì chủ vườn càng phun nhiều thuốc hơn để giữ màu, bảo quản quả khỏi rụng...
Do đó, dư lượng đọng lại trên vỏ thậm chí ngấm vào cả bên trong quả là rất lớn.Vì thế, để đảm bảo cho sức khỏe, tốt nhất không nên ăn để tránh rước họa vào người.
Trong trường hợp vẫn muốn tận dụng quất làm thực phẩm thì phải sơ chế cẩn thận trước khi đưa vào sử dụng. Có thể ngâm quất qua vài lần nước muối để các chất độc ngấm sâu trong vỏ quả nhạt phai bớt hoặc ngâm trong các dung dịch rửa rau quả trước khi sử dụng.