Cảnh báo nóng từ việc đổ xô mua thuốc kháng virus
Bộ Y tế cảnh báo không nên tùy tiện uống thuốc kháng virus khi nhiễm cúm vì có thể gây hậu quả khó lường
Với kết quả test dương tính virus cúm A, đau mỏi người, ho nhiều, sốt nhẹ, anh Nguyễn Văn Công (33 tuổi, ở quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) ra hiệu thuốc để tìm mua Tamiflu - một loại thuốc kháng virus. Sau khi hỏi qua nhiều nhà thuốc anh mới mua được vỉ Tamiflu 75 mg với giá 750.000 đồng/vỉ/10 viên.
Liều đi mua thuốc, bất chấp kê toa
Chị Vũ Hằng, nhân viên một hiệu thuốc ở quận Hai Bà Trưng, cho hay từ sau Tết Nguyên đán nhiều người hỏi mua thuốc trị cúm A. Người mua kể rằng họ có các triệu chứng ho, nhức đầu, sổ mũi, đau người… và đề nghị được mua Tamiflu để chữa bệnh. Thậm chí, có người còn mua sẵn dự phòng nguy cơ mắc cúm.
Trước tình trạng người dân đổ xô đi mua thuốc Tamiflu (thuốc chứa hoạt chất Oseltamivir) - thuốc kháng virus cúm A, đại diện Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho biết thuốc Tamiflu không thuộc diện kiểm soát đặc biệt, nhập khẩu theo nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, đây là loại thuốc phải bán theo đơn. Đại diện cơ quan này khẳng định các thuốc chứa hoạt chất Oseltamivir điều trị cúm hiện vẫn bảo đảm về nguồn cung. Tuy nhiên, khuyến cáo người dân không tự ý mua và sử dụng loại thuốc này, tránh nguy cơ gây hại cho sức khỏe.
![Tiêm vắc-xin phòng cúm tại Viện Pasteur TP HCM ngày 10-2. Ảnh: HUẾ XUÂN](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_15_51447101/d36a0f753b3bd2658b2a.jpg)
Tiêm vắc-xin phòng cúm tại Viện Pasteur TP HCM ngày 10-2. Ảnh: HUẾ XUÂN
PGS-TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai, cho biết đây là thuốc dùng để ức chế virus nhân lên, làm giảm khả năng bám dính của virus ở đường hô hấp. Không phải bệnh nhân nào bị cúm cũng dùng thuốc kháng virus. Thuốc điều trị nào cũng có tác dụng phụ nên chỉ dùng Tamiflu trong những trường hợp cúm A và cúm A trên những cơ địa đặc biệt như bệnh nhân có nguy cơ tiến triển bệnh nặng (mắc các bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường hoặc suy giảm miễn dịch…). Việc dùng thuốc Tamiflu chỉ có tác dụng nếu chẩn đoán phát hiện cúm sớm trong 48 giờ đầu, theo chỉ định của bác sĩ vì thuốc này là thuốc kê đơn, thường chỉ dùng đối với các trường hợp có nguy cơ chuyển nặng.
Nếu dùng tràn lan thuốc Tamiflu có thể dẫn đến kháng thuốc, vô cùng nguy hiểm.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh 80%-90% các trường hợp mắc cúm là ở thể nhẹ, có thể tự khỏi. Những trường hợp sốt cao kéo dài, liên tục, tổn thương phổi mới cần nhập viện điều trị. PGS Cường cho biết người khỏe mạnh có hệ miễn dịch tốt thì các biểu hiện cúm thường nhẹ như sổ mũi, ngạt mũi, hắt hơi, ho, đau người, sốt và nếu được nghỉ ngơi, giữ ấm, ăn uống đầy đủ và uống thuốc cảm cúm thông thường thì thường tự khỏi và không phải nhập viện. "Tuy nhiên, ở những người có hệ miễn dịch yếu mang bệnh nền, bệnh mạn tính hoặc người cao tuổi thì virus sẽ tấn công mạnh vào hệ hô hấp và gây ra những biến chứng như viêm phổi, bội nhiễm các vi khuẩn, viêm cơ tim, suy hô hấp nặng, suy đa tạng có thể phải thở máy, lọc máu, nguy cơ tử vong cao. Những trường hợp này cần đến cơ sở y tế thăm khám, điều trị" - PGS Cường lưu ý.
Giá thuốc "nhảy múa"
Tại TP HCM, nhiều người lo ngại đi mua thuốc kháng virus Tamiflu cũng đã khiến giá "nhảy múa". Nhiều nhà thuốc thông báo hết hàng. Đi qua 3 nhà thuốc trên đường Nguyễn Thái Sơn (quận Gò Vấp) đều được thông báo không còn thuốc Tamiflu. Để mua được phải đặt trước vài ngày. Giá thuốc Tamiflu hiện khoảng 750.000 đồng một hộp 10 viên, giá tăng cao do nhu cầu lớn. Khi hỏi mua thuốc Tamiflu, nhân viên thông báo thuốc phải có đơn của bác sĩ. Tuy nhiên, khi nói cần gấp cho người nhà bệnh thì được báo với giá 850.000 đồng/10 viên. Tại tiệm thuốc trên đường Đặng Văn Bi (TP Thủ Đức), giá thuốc Tamiflu được báo là 690.000 đồng/hộp/10 viên.
Còn tại Hệ thống nhà thuốc Pharmacity, lượng khách mua các loại thuốc điều trị cúm tăng hơn 50% so với trước. Đại diện nhà thuốc cho hay vẫn bảo đảm cung ứng thuốc Tamiflu dù dịch có bùng phát ở một số khu vực. Một vấn đề báo động là tình trạng tự ý mua Tamiflu để tích trữ. Tamiflu là thuốc kháng virus và chỉ nên được sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ. Việc tự ý sử dụng thuốc có thể gây ra các tác dụng phụ không mong muốn, thậm chí có thể làm giảm hiệu quả điều trị nếu không sử dụng đúng cách. Bên cạnh đó, việc tích trữ thuốc cũng có thể ảnh hưởng đến chất lượng thuốc do không được bảo quản đúng cách. "Với vai trò là nhà cung cấp thuốc, Pharmacity cũng luôn sẵn sàng điều chuyển thuốc trong trường hợp dịch bùng phát, bảo đảm không có tình trạng thiếu thuốc cho người bệnh, đặc biệt là Tamiflu. Giá thuốc này là 69.000 đồng một viên, đúng theo giá niêm yết và không bị tăng giá dù tình trạng thiếu thuốc đang diễn ra ở một số nơi. Khi khách hàng đến mua thuốc, chúng tôi luôn khuyến cáo họ chỉ nên sử dụng Tamiflu khi có sự chỉ định của bác sĩ và không tự ý sử dụng hoặc tích trữ thuốc" - đại diện nhà thuốc khẳng định.
Theo dược sĩ Châu Thanh Tú, Trưởng Hội đồng chuyên môn dược - Hệ thống nhà thuốc và trung tâm tiêm chủng FPT Long Châu, gần đây lượng khách mua thuốc Tamiflu tăng gấp 7 lần so với ngày thường. Nhiều người hoang mang tự ý mua đã khiến tình trạng lợi dụng đầu cơ xảy ra.
Nguy cơ chực chờ
Dược sĩ Tú cho biết thêm thuốc Tamiflu chỉ được bán khi có đơn kê của bác sĩ và nhà thuốc phải kiểm soát việc bán thuốc đúng quy định của Bộ Y tế. Trong trường hợp khan hiếm, nhà thuốc cam kết duy trì giá bán ổn định và khuyến cáo người dân không mua tích trữ, tránh ảnh hưởng đến cơ hội điều trị cho người khác. "Việc tích trữ Tamiflu có thể làm giảm cơ hội điều trị cho những bệnh nhân thực sự cần thuốc, đặc biệt khi nguồn cung khan hiếm. Việc tự ý sử dụng thuốc mà không có chỉ định có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng như kháng thuốc, ngộ độc và các tương tác nguy hiểm" - ông Tú cảnh báo.
Theo PGS-TS-BS Trần Phủ Mạnh Siêu, Giám đốc Bệnh viện quận Gò Vấp (TP HCM), việc người dân tự mua Tamiflu mà không qua thăm khám có thể dẫn đến những hậu quả không mong muốn. Trước hết, cúm mùa có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến những nhóm đối tượng như người cao tuổi và trẻ em. Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp cúm đều cần đến Tamiflu. Các bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng thuốc này trong những trường hợp cúm nặng, khi có nguy cơ biến chứng. "Việc tự ý mua thuốc mà không có chứng cứ virus cúm rõ ràng sẽ không có hiệu quả và có thể làm tăng nguy cơ kháng thuốc, đặc biệt là khi người bệnh không xác định đúng tình trạng bệnh" - BS Siêu nói thêm.
Các chuyên gia khuyến cáo, người dân không nên hoang mang và tự ý mua thuốc mà cần tham khảo ý kiến bác sĩ để có phương án điều trị phù hợp. Các cơ sở y tế và nhà thuốc cũng cần nâng cao trách nhiệm trong việc tư vấn và kiểm soát việc bán thuốc Tamiflu, tránh tình trạng lạm dụng thuốc.
Để phòng chống lây nhiễm cúm, mọi người nên đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi…, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời. Với người bệnh cần chủ động đeo khẩu trang, vệ sinh tay để không lây bệnh ra cộng đồng.
Tăng do thời tiết
Theo Bộ Y tế, từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 900 trường hợp mắc cúm mùa, chưa có trường hợp tử vong. Các ca mắc cúm hiện tại không ghi nhận thay đổi về độc lực, chủ yếu là cúm A/H1N1, A/H3N2 và cúm B. Các chuyên gia cho rằng tỉ lệ mắc cúm tăng cao sau Tết có thể do thời tiết mùa đông xuân, là điều kiện thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm lây lan, nhất là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, trong khi các bệnh này dễ lây lan ở nơi đông người trong đó có các điểm vui chơi, trường học, bệnh viện…
Tiêm vắc-xin ngừa cúm tăng 50%
Tại Viện Pasteur TP HCM, lượng người đến tiêm vắc-xin ngừa cúm rất đông trong ngày 10-2. Chị Ngô Ngọc Phương Thanh (ở TP HCM) cho biết gia đình có 4 thành viên, chị và con trai lớn đã tiêm vắc-xin ngừa tháng trước, hôm nay đến lượt chồng và đứa út. "Đối với người dân lao động, số tiền tiêm cho cả gia đình như vậy tốn cũng khá nhiều nhưng tôi thấy là hợp lý. Con còn nhỏ, tiêm ngừa được cho cả năm" - chị Thanh nói.
Bản thân đang mắc bệnh tim và từng bị đột quỵ nên bà Võ Thị Út (73 tuổi, ở Long An) luôn ý thức bảo vệ sức khỏe. Hai vợ chồng bà chạy xe máy gần 2 giờ lên TP HCM để tiêm phòng cúm. Đây không phải là lần đầu bà tiêm ngừa, đều đặn mỗi năm đều tiêm nhắc lại. Việc tiêm lần này chỉ là thói quen, giúp bà an tâm hơn trong đợt dịch.
Theo ThS-BS Nguyễn Minh Ngọc, phụ trách Phòng khám Đa khoa Viện Pasteur, sau Tết Nguyên đán, lượng người đến tiêm vắc-xin ngừa cúm tăng hơn 50%, có những ngày cao điểm tăng 70%-80%. "Mặc dù nhu cầu tăng nhưng lượng vắc-xin hiện vẫn cung cấp đủ. Viện đang huy động thêm nguồn lực để hỗ trợ khách hàng, hạn chế việc để khách hàng phải chờ đợi quá lâu do nhu cầu tăng đột biến" - BS Ngọc thông tin.
BS Ngọc nhấn mạnh những người nằm trong đối tượng có nguy cơ mắc cao như trẻ em, người lớn tuổi, phụ nữ mang thai, người mắc các bệnh mãn tính như bệnh tim, đái tháo đường, suy giảm miễn dịch,.. cần chủ động tiêm vắc-xin ngừa cúm". Tiêm vắc-xin không giúp miễn dịch hoàn toàn với cúm nhưng sẽ giúp cơ thể hạn chế tối đa những triệu chứng nặng, giảm nguy hiểm cho cơ thể khi không may bị mắc, đặc biệt ở những người nằm trong nhóm nguy cơ cao. "Ngay khi cơ thể đã tiêm vắc-xin ngừa nhưng phát hiện có những triệu chứng của cúm, xuất hiện biến chứng nặng vẫn phải đến ngay cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám. Tùy trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định có dùng Tamiflu hay không" - BS Ngọc khuyến cáo.