'Cảnh báo sớm, hành động sớm' là chìa khóa giảm thiểu thiệt hại do lũ quét

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Lê Công Thành khẳng định, thiên tai ngày càng phức tạp và khó lường, đặc biệt là lũ quét và sạt lở đất ở miền núi. 'Cảnh báo sớm, hành động sớm' là chìa khóa để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Tuy nhiên, cảnh báo hiện nay vẫn chưa đến được tận các bản làng, nơi người dân thiếu thông tin và hệ thống hỗ trợ.

Công nghệ cảnh báo sớm cần được kết nối dễ hiểu với cộng đồng

Đây là một trong những thông điệp chính được đưa ra tại Tọa đàm “Giải pháp, công nghệ cảnh báo lũ quét, sạt lở đất tại cộng đồng” do Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Quỹ Cộng đồng Phòng tránh thiên tai và Báo Nông nghiệp & Môi trường phối hợp tổ chức sáng 25/4 tại Hà Nội.

Theo Thứ trưởng Lê Công Thành, dù có công nghệ cảnh báo sớm, nhưng cần kết nối nó với cộng đồng một cách hiệu quả, dễ hiểu và kịp thời. Ông Thành đề xuất thúc đẩy xã hội hóa công tác cảnh báo, kết hợp dữ liệu khoa học với kinh nghiệm bản địa, xây dựng các trạm cảnh báo tự động, đồng thời hoàn thiện cơ chế chia sẻ thông tin giữa các cấp.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Lê Công Thành chia sẻ tại tọa đàm.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Lê Công Thành chia sẻ tại tọa đàm.

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã có bước tiến dài trong nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ dự báo, cảnh báo lũ quét và sạt lở đất – từ hệ thống cảm biến đo mưa tự động, kỹ thuật viễn thám, bản đồ nguy cơ đến các mô hình trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn.

Công nghệ chỉ là một phần của lời giải. Vấn đề then chốt là làm sao để thông tin cảnh báo, thường được phát ra bằng các thuật ngữ kỹ thuật, bản đồ phức tạp có thể được người dân ở vùng sâu, vùng xa hiểu rõ và chủ động hành động.

Ông Thành đánh giá, thực tế cho thấy, ở nhiều khu vực miền núi, cảnh báo vẫn còn xa lạ. Người dân chỉ biết đến lũ quét khi nước đã tràn về, khi đất đá đã đổ ập xuống nhà. Không phải vì họ không muốn phòng tránh, mà vì không biết phải làm gì, không được tập huấn, không có cảnh báo đủ sớm và dễ hiểu.

TS Cao Đức Phát, Chủ tịch Quỹ Cộng đồng Phòng tránh thiên tai cũng chung quan điểm: “Chúng ta cần các giải pháp cảnh báo đơn giản, hiệu quả, dễ triển khai và đặc biệt là phù hợp với từng điều kiện địa phương.”

TS Cao Đức Phát, Chủ tịch Quỹ Cộng đồng phòng tránh thiên tai, cho rằng việc triển khai Quyết định 1262/QĐ-TTg về cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét đã tạo chuyển biến tích cực, góp phần tăng cường giám sát và cảnh báo thiên tai tại các khu vực miền núi, trung du.

Quỹ Cộng đồng phòng tránh thiên tai đã và đang triển khai nhiều mô hình cảnh báo sớm thiên tai cấp cộng đồng: từ lắp đặt các trạm đo mưa tự động, xây dựng tháp còi cảnh báo lũ quét, đến hỗ trợ thành lập và nâng cao năng lực cho các đội xung kích phòng chống thiên tai tại thôn bản.

Đến nay, đã có 16 tháp cảnh báo lũ, và 85 đội xung kích được trang bị tại các địa phương có nguy cơ cao. Tuy nhiên, ông Phát cho rằng, cần mở rộng quy mô và tăng tính đồng bộ: kết nối dữ liệu giữa các hệ thống; tích hợp cảnh báo với bản đồ nguy cơ; đưa thông tin đến tận tay người dân qua nhiều hình thức như loa truyền thanh, tin nhắn SMS, ứng dụng điện thoại, hoặc đơn giản là bảng thông báo tại nhà văn hóa.

Nhiều khoảng trống cần khắc phục

Ông Nguyễn Xuân Tùng, Phó Trưởng phòng Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai, Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, nhận định: Công tác dự báo, cảnh báo lũ quét và sạt lở đất tại Việt Nam đã có những bước tiến rõ rệt trong những năm gần đây. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia hiện đã thiết lập hệ thống cảnh báo mưa lớn và thiên tai đến tận cấp xã, thông qua nền tảng trực tuyến tại địa chỉ luquetsatlo.nchmf.gov.vn.

Trên thực địa, các địa phương đã lắp đặt khoảng 1.500 trạm đo mưa tự động, giúp thu thập dữ liệu nhanh chóng để phục vụ cảnh báo, sơ tán kịp thời. Đồng thời, nhiều tỉnh thành đã chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai, tổ chức di dời dân cư khỏi vùng nguy cơ, đầu tư các công trình cảnh báo và ứng phó với lũ quét, sạt lở đất.

Trong 15 năm trở lại đây, các trận lũ quét, sạt lở đất có xu hướng gia tăng nhanh do mưa lớn kéo dài và mưa lớn cực đoan trong thời gian ngắn.

Trong 15 năm trở lại đây, các trận lũ quét, sạt lở đất có xu hướng gia tăng nhanh do mưa lớn kéo dài và mưa lớn cực đoan trong thời gian ngắn.

Mặc dù vậy, theo ông Tùng, thực tế cho thấy vẫn còn nhiều khoảng trống cần khắc phục. Địa hình hiểm trở, mưa lớn ngắn hạn và nền địa chất phức tạp tại khu vực miền núi khiến việc xác định chính xác điểm và thời gian xảy ra thiên tai gặp nhiều thách thức. Dự báo và cảnh báo hiện vẫn còn hạn chế về độ chi tiết và độ tin cậy; hệ thống quan trắc chưa phủ kín, nhiều thiết bị đã lỗi thời, trong khi bản đồ nguy cơ vẫn chủ yếu ở tỷ lệ lớn, chưa cụ thể đến cấp thôn, bản gây khó khăn cho công tác phòng ngừa và ứng phó tại chỗ.

Không chỉ gặp khó khăn trong dự báo kỹ thuật, công tác ứng phó tại cộng đồng cũng còn nhiều hạn chế. Nhận thức và kỹ năng phản ứng khẩn cấp của người dân, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa còn yếu. Lực lượng xung kích tại chỗ thiếu nhân lực, thiếu trang thiết bị và chưa được đào tạo bài bản. Biến đổi khí hậu đang làm thay đổi quy luật mưa lũ truyền thống, khiến các mô hình dự báo hiện nay trở nên kém chính xác. Song song đó, hoạt động phát triển kinh tế – xã hội thiếu bền vững như phá rừng, khai khoáng, xây dựng trái phép trên sườn đồi... lại càng làm gia tăng nguy cơ thiên tai. Trong khi đó, công tác di dời dân cư tại vùng nguy hiểm gặp nhiều vướng mắc về quỹ đất, kinh phí và bảo đảm sinh kế lâu dài cho người dân.

Trước những thách thức trên, đại diện Cục đề xuất các nhóm giải pháp đồng bộ. Về chính sách, thể chế, cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, tăng cường đầu tư cho hệ thống cảnh báo và các công trình phòng, chống thiên tai; siết chặt quản lý quy hoạch xây dựng, gắn di dời dân cư với phát triển sinh kế bền vững. Về công nghệ, cần đẩy mạnh năng lực dự báo mưa lớn ngắn hạn, xây dựng bản đồ nguy cơ chi tiết đến cấp thôn bản, triển khai cảm biến đo mưa và thiết bị cảnh báo sử dụng công nghệ số và trí tuệ nhân tạo (AI).

Về phía cộng đồng, các chương trình truyền thông cần được thiết kế đơn giản, dễ hiểu, kết hợp đào tạo kỹ năng ứng phó cho người dân – đặc biệt là nhóm dễ bị tổn thương. Đồng thời, cần nâng cao năng lực và đầu tư trang bị phương tiện cho lực lượng xung kích tại chỗ. Cuối cùng, ông Tùng nhấn mạnh vai trò của hợp tác quốc tế và khu vực tư nhân trong việc cung cấp giải pháp công nghệ phù hợp, đồng thời huy động hiệu quả các nguồn tài chính như ngân sách nhà nước, quỹ phòng chống thiên tai và các chương trình mục tiêu quốc gia.

Để ứng phó hiệu quả với nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, ông Mai Văn Khiêm, giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia thông tin, hệ thống cảnh báo lũ quét, sạt lở đất theo thời gian thực đã được phát triển và đưa vào vận hành tại Việt Nam. "Hệ thống được cập nhật từng giờ, khoanh vùng chi tiết đến cấp xã và có thể dự báo nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất trong 6 giờ tới", ông Khiêm nói.

T.Linh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/xa-hoi/canh-bao-som-hanh-dong-som-la-chia-khoa-giam-thieu-thiet-hai-do-lu-quet-i766397/