Tổng thống Donald Trump chính thức dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Nord Stream 2 và các dự án năng lượng Nga tại châu Âu

Mỹ bất ngờ dỡ bỏ trừng phạt Nord Stream 2, mở đường cho Nga tái xuất khí đốt 13 triệu tấn mỗi năm.

Tổng thống Donald Trump vừa ban hành quyết định dỡ bỏ các lệnh trừng phạt áp dụng lên đường ống khí đốt Nord Stream 2 cùng một số dự án năng lượng lớn của Nga tại châu Âu. Đây là bước ngoặt quan trọng trong chính sách đối ngoại của Mỹ, bởi trước đó, chính quyền Trump từng là bên khởi xướng các lệnh trừng phạt này.

Hình minh họa đường ống khí đốt. Ảnh: Cryptopolian

Hình minh họa đường ống khí đốt. Ảnh: Cryptopolian

Sau đó, Tổng thống Joe Biden tạm thời đình chỉ các lệnh này vào đầu năm 2021, nhưng sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine năm 2022, các lệnh trừng phạt đã được tái kích hoạt.

Theo tờ Politico, quyết định mới được đưa ra sau một loạt cuộc họp kín tại Nhà Trắng. Các buổi làm việc này nằm trong khuôn khổ nỗ lực tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.

Một số quan chức tham gia cho biết nội dung đàm phán đã đề cập đến khả năng dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt liên quan đến đường ống khí đốt và các tài sản bị đóng băng của Nga.

Dự án Nord Stream 2, vốn dẫn khí từ Nga sang Đức qua biển Baltic, đã bị đình chỉ sau một vụ nổ năm 2022 khiến một nhánh đường ống bị phá hủy nghiêm trọng.

Nhóm cố vấn của ông Trump lên kế hoạch gỡ bỏ trừng phạt

Ông Steve Witkoff, người được bổ nhiệm làm đặc phái viên của ông Trump tại Moskva, đang đóng vai trò trung tâm trong việc thúc đẩy kế hoạch dỡ bỏ trừng phạt. Một số nguồn tin từ Nhà Trắng cho biết ông Witkoff đã chỉ đạo rà soát toàn bộ các lệnh cấm vận đang được áp dụng với lĩnh vực năng lượng của Nga.

Ông Witkoff từng khẳng định bản thân có mối quan hệ thân thiện với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Trong các cuộc họp nội bộ, ông bày tỏ mong muốn loại bỏ toàn bộ các biện pháp hạn chế hiện hành. Tuy nhiên, kế hoạch của ông vấp phải nhiều ý kiến phản đối. Dù ông Trump tỏ ra ủng hộ hướng đi này, không phải tất cả các thành viên trong nội các đều đồng thuận.

Ngoại trưởng Marco Rubio, người đang đảm nhận vai trò quan trọng trong nội các mới, đã bác bỏ mọi thông tin liên quan đến khả năng thảo luận về việc dỡ bỏ trừng phạt với Nga.

Trong tuyên bố chung với ông Witkoff, ông Rubio nhấn mạnh rằng cả hai chưa từng đề cập tới bất kỳ thỏa thuận nào liên quan đến việc gỡ bỏ trừng phạt. Ông gọi các thông tin do Politico đăng tải là sai lệch và thiếu trách nhiệm.

Dù vậy, nhiều nguồn tin khác xác nhận rằng đội ngũ của ông Trump từng lên kế hoạch tham dự một cuộc họp về hòa bình tại London vào thứ Tư tuần trước. Tuy nhiên, cuộc gặp đã bị hủy vào phút chót.

Tại cuộc họp này, phía Mỹ được cho là sẽ đưa ra hai đề xuất chính: công nhận việc Nga sáp nhập Crimea từ năm 2014 và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Nhưng cuối cùng, cả hai đề xuất đều lập tức bị phía Ukraine bác bỏ.

Hiện tại, khi ông Witkoff tiếp tục xây dựng lộ trình cho kế hoạch của mình, một số thành viên khác trong chính quyền lại tìm cách cản trở. Bộ trưởng Nội vụ Doug Burgum, người đang giữ vai trò chủ tịch Hội đồng Năng lượng Chiến lược, được cho là không đồng ý với định hướng này.

Ngoại trưởng Rubio cũng đang âm thầm hành động nhằm làm chậm quá trình triển khai. Một quan chức giấu tên cho biết tuy chưa có bước đi nào được hoàn tất, nhưng các yếu tố cần thiết đang dần được tập hợp lại.

Lợi ích kinh tế chi phối chính trị

Ngoài yếu tố chính trị, việc khôi phục hoạt động cho Nord Stream 2 hoặc dự án Arctic LNG 2 cũng có thể tạo ra tác động lớn đối với thị trường năng lượng toàn cầu. Dự án Arctic LNG 2, hiện vẫn nằm trong danh sách bị trừng phạt, có khả năng xuất khẩu hơn 13 triệu tấn khí hóa lỏng mỗi năm nếu được khôi phục.

Ông Laurent Ruseckas, giám đốc điều hành tại S&P Global Commodity Insights, cho biết việc đưa khí đốt Nga trở lại thị trường có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu của Mỹ. Điều này có thể khiến các nhà cung cấp Mỹ như Cheniere Energy đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ phía Nga.

Sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, ngành công nghiệp khí hóa lỏng của Mỹ đã tận dụng thời cơ để chiếm lĩnh thị trường châu Âu. Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp Mỹ đang chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi mức thuế cao, chi phí nhập khẩu thép tăng và các chính sách thương mại thiếu ổn định từ chính quyền Trump. Một số công ty đã bắt đầu cắt giảm quy mô mở rộng.

Trong khi các tập đoàn lớn gặp khó khăn, một số nhà đầu tư tư nhân lại tìm thấy cơ hội. Ông Stephen Lynch, giám đốc điều hành Monte Valley Partners, hiện đang vận động hành lang để tham gia vào các dự án liên quan đến năng lượng của Nga.

Ông Lynch từng có kinh nghiệm mua lại tài sản của tập đoàn Yukos sau khi công ty này sụp đổ năm 2007. Gần đây, ông được cho là đã thâu tóm chi nhánh Thụy Sĩ của ngân hàng SberBank, vốn đang chịu nhiều áp lực từ các lệnh trừng phạt.

Một nhân vật khác cũng đang tìm cách hồi sinh dự án Nord Stream 2 là ông Matthias Warnig, cựu sĩ quan tình báo và là người bạn lâu năm của ông Putin. Mặc dù đang nằm trong danh sách trừng phạt, ông Warnig vẫn duy trì liên hệ với các đối tác Mỹ thông qua một nhóm nhà đầu tư riêng biệt. Kế hoạch của ông được cho là không liên quan đến chiến lược của ông Lynch.

Hiện chỉ còn một nhánh của đường ống Nord Stream 2 còn sử dụng được sau vụ nổ năm 2022, trong khi cả hai nhánh của Nord Stream 1 đều đã bị phá hủy. Cuộc điều tra về sự cố vẫn đang được tiến hành. Khi ông Lynch từng tìm cách mua lại dự án này vào năm ngoái, chính quyền Tổng thống Biden không có động thái can thiệp.

Dũng Phan (Theo Cryptopolian)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tong-thong-donald-trump-chinh-thuc-do-bo-lenh-trung-phat-doi-voi-nord-stream-2-va-cac-du-an-nang-luong-nga-tai-chau-au-10288250.html