Cảnh báo sớm phòng vệ thương mại: Giữ lợi thế cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam
Nhờ tận dụng tốt các thông tin cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại, doanh nghiệp Việt Nam đã có sự chủ động, chuẩn bị từ sớm, qua đó ứng phó hiệu quả với các vụ điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài, giảm thiểu tác động đến hoạt động xuất khẩu và giữ vững vị thế tại nhiều thị trường.
Cùng với việc Việt Nam tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do, các hàng rào thuế quan dần được dỡ bỏ, xuất khẩu nhiều mặt hàng của ta đang trên đà tăng trưởng mạnh đồng nghĩa bị đối diện trước các vụ kiện phòng vệ thương mại.
Thông tin tại Tọa đàm “Cảnh báo sớm phòng vệ thương mại: Giữ lợi thế cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam” do Tạp chí Công Thương tổ chức cho thấy, tính đến nay, hàng hóa của Việt Nam đã đối diện với 235 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại tại 24 thị trường xuất khẩu. Số lượng vụ việc được thống kê từ năm 2017 đến nay chiếm tới trên 52% tổng số vụ việc, cho thấy xu hướng gia tăng rõ rệt.
Số lượng các mặt hàng và lĩnh vực, ngành hàng Việt Nam bị kiện phòng vệ thương mại cũng đã mở rộng, lên tới gần 40 mặt hàng, trong đó có những mặt hàng có kim ngạch không quá lớn.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp chủ động hơn trong việc xử lý, ứng phó với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 1/3/2020 phê duyệt Đề án Xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại (Đề án 316), nhằm cảnh báo trước những mặt hàng xuất khẩu có nguy cơ bị nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại nhằm giúp các doanh nghiệp có sự chuẩn bị trước, giúp các cơ quan chức năng thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp có trọng tâm, trọng điểm.
Cảnh báo sớm là gì?
Hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại hiện đang theo dõi khoảng 170 mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường.
Chia sẻ về cơ chế hoạt động của hệ thống cảnh báo sớm, ông Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại cho biết, trong quá trình này, việc đầu tiên là cơ quan quản lý sẽ quan sát, theo dõi toàn bộ hoạt động trao đổi thương mại giữa các nước trên thế giới đã phát sinh những vụ việc điều tra phòng vệ thương mại nào, với những ngành hàng nào.
Trên cơ sở đó, thu hẹp phạm vi và theo dõi, đánh giá xem trong số đó, những mặt hàng, sản phẩm nào Việt Nam đang xuất khẩu, hoạt động xuất khẩu mặt hàng đó của ta có đang tăng trưởng nhanh, có kim ngạch lớn và có thị phần đáng kể tại thị trường nhập khẩu không? Từ tốc độ tăng trưởng và thị phần đó sẽ suy ra được sức ép cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam đối với các sản phẩm tương tự tại thị trường nhập khẩu đang tăng lên; trong khi những ngành hàng, sản phẩm đó đã từng phải sử dụng đến biện pháp phòng vệ thương mại đối với nước khác. Khi đó thị trường nhập khẩu sẽ viện dẫn ra sức ép cạnh tranh của hàng hóa từ Việt Nam để một lần nữa sử dụng công cụ phòng vệ thương mại nhằm đối phó với hàng hóa xuất khẩu của ta.
Bên cạnh việc thu thập và phân tích các dữ liệu thông tin này, hệ thống cảnh báo sớm cũng dựa thêm vào những nguồn thông tin khác, như thông tin gửi về từ hệ thống hơn 60 thương vụ Việt Nam tại nước ngoài và các đối tác, tổ chức làm trong lĩnh vực phòng vệ thương mại,… liên quan đến nguy cơ, khả năng xảy ra điều tra phòng vệ thương mại, những xung đột giữa hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam với hàng hóa tại thị trường sở tại.
Những thông tin này được tổng hợp và đánh giá dựa trên những tiêu chí nhất định để đưa ra danh sách cảnh báo định kỳ về những mặt hàng có nguy cơ bị tiến hành điều tra phòng vệ thương mại, thông báo cho các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội và cơ quan quản lý nhà nước để có sự chuẩn bị trước về tâm thế, nguồn lực, giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Cũng theo ông Chu Thắng Trung, đến nay, có những mặt hàng sau khi được đưa vào danh sách cảnh báo một thời gian thì nước nhập khẩu đã tiến hành các cuộc điều tra phòng vệ thương mại đối với sản phẩm đó trong thực tế.
Trong một số vụ việc điều tra chống lẩn tránh, với sự tham gia tích cực và chủ động, nhiều doanh nghiệp đã được hưởng cơ chế tự chứng nhận, tự xác nhận, nhờ đó về cơ bản xuất khẩu của doanh nghiệp sang thị trường mục tiêu đó không bị ảnh hưởng nhiều. Trong một số vụ việc khác doanh nghiệp Việt Nam cũng được hưởng mức thuế rất thấp và thậm chí là không bị áp thuế nhờ hợp tác tốt trong quá trình điều tra.
“Tất cả những điều đó thể hiện hiệu quả tích cực của hệ thống cảnh báo sớm mà chúng ta đã xây dựng. Đây cũng là những tín hiệu rất đáng khích lệ để chúng tôi tiếp tục hoàn thiện hệ thống này”, lãnh đạo Cục Phòng vệ thương mại chia sẻ.
Cho doanh nghiệp thêm thời gian chuẩn bị ứng phó
Bà Nguyễn Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, kiện phòng vệ thương mại là một quy trình pháp lý, đấu tranh về mặt kỹ thuật rất phức tạp, khó khăn cho doanh nghiệp về nhiều yếu tố. Thực tế cho thấy, trong phần lớn các trường hợp mà Việt Nam kháng kiện chưa hiệu quả thì xuất phát là do ta ở thế bị động, thời gian chuẩn bị quá ít và bị bất ngờ trong việc ứng phó với những vụ kiện.
“Cơ chế cảnh báo sớm cho phép chúng ta nhìn thấy nguy cơ từ xa để chuẩn bị từ sớm và rõ ràng là nó đã giúp chúng ta giải quyết được một vấn đề mà phần lớn các doanh nghiệp gặp phải là không có đủ thời gian”, bà Nguyễn Thu Trang khẳng định cơ chế cảnh báo sớm có ý nghĩa quan trọng đối với các doanh nghiệp cũng như các hiệp hội trong ứng phó hiệu quả với các biện pháp phòng vệ thương mại.
Đặc biệt, bên cạnh giúp giảm thiểu thiệt hại và tác động của việc bị điều tra phòng vệ thương mại, việc cảnh báo sớm có thể giúp doanh nghiệp có sự điều chỉnh thích hợp về chiến lược sản xuất kinh doanh khi bắt đầu xuất hiện nguy cơ “vào tầm ngắm”, thông qua việc mở rộng và đa dạng hóa thị trường, giảm bớt độ nóng, sức ép của việc gia tăng quá nhanh và mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang một thị trường cụ thể.
Chung quan điểm, ông Đỗ Ngọc Hưng - Tham tán thương mại, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho rằng, hệ thống cảnh báo sớm đóng vai trò rất quan trọng. Bởi, thứ nhất, hệ thống này tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được tìm hiểu về các quy định pháp luật của Hoa Kỳ về phòng vệ thương mại sớm.
Thứ hai, cung cấp thêm thời gian để doanh nghiệp có thể chuẩn bị các nguồn lực cần thiết để ứng phó vụ kiện khi xảy ra. Trên thực tế, khi bị kiện, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đầu tư rất nhiều công sức và nguồn lực con người, thời gian và cả tài chính để tham gia trong suốt quá trình điều tra vụ việc - thông thường là khoảng 12 tháng.
Thứ ba, cung cấp thêm thời gian cho doanh nghiệp để có thể cung cấp, sắp xếp hồ sơ, giấy tờ, sổ sách và tài liệu, nhất là kế toán, giấy tờ xuất nhập khẩu để có thể kịp thời cung cấp tài liệu kiểm chứng cho cơ quan chức năng của Hoa Kỳ nếu bị kiện. Việc này sẽ tạo lợi thế chủ động cho doanh nghiệp ứng phó, khi thời gian mà cơ quan Hoa Kỳ yêu cầu cung cấp thông tin thường có thời hạn nhất định và các tài liệu cũng phải được gửi theo đúng định dạng, thông tin hay một số yếu tố cụ thể khác phải được đáp ứng. Trên thực tế, một số vụ việc trước đây, do chưa nắm được các quy định về giải trình, nên hồ sơ, tài liệu của các doanh nghiệp Việt Nam bị chậm, hoặc chưa đúng yêu cầu, dẫn đến việc cơ quan điều tra cho là ta chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo luật định.
Ứng dụng hiệu quả thông tin cảnh báo
Ở góc độ ngành hàng, ông Vũ Văn Phụ - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Nhôm Việt Nam cho biết các doanh nghiệp ngành nhôm coi thông tin cảnh báo sớm là “tài sản đặc biệt mà ai biết sớm thì sẽ có lợi thế hơn”. Do vậy, thời gian qua, Hiệp hội đã liên tục cập nhật các thông tin của Cục Phòng vệ thương mại, Trung tâm Cảnh báo sớm để nắm bắt được thông tin, phổ biến đến các doanh nghiệp trong ngành, qua đó các doanh nghiệp hoặc Hiệp hội sẽ tham vấn được các ý kiến và cách xử lý trong vụ việc phòng vệ thương mại.
Gần đây, Hiệp hội đã phối hợp với Cục Phòng vệ thương mại tổ chức chương trình tập huấn cho các doanh nghiệp ngành nhôm để nâng cao hiểu biết về thương mại quốc tế, về cách xử trí trong phòng vệ thương mại khi bị các nước kiện hay áp thuế bán chống phá giá, qua đó các doanh nghiệp cũng hiểu sâu hơn về ứng phó trong các tình huống đó như thế nào và có các phương án điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh của mình cho phù hợp, đặc biệt là cũng sẵn sàng để chuẩn bị các dữ liệu tham gia vào các vụ kiện đó, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp mình, của ngành hàng mình.
Dù vậy, bên cạnh việc chủ động trang bị đầy đủ các kiến thức về phòng vệ thương mại và sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại như một công cụ để bảo vệ chính mình, các doanh nghiệp cũng cần đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường và không phụ thuộc vào một thị trường truyền thống nào đó.
“Đặc biệt, chúng tôi khuyến khích, khuyến cáo các doanh nghiệp sản xuất là không nên cạnh tranh bằng giá, vì cạnh tranh bằng giá thì nguy cơ bị điều tra về phòng vệ thương mại là rất lớn”, ông Phụ cho hay.
Tiếp tục nâng cấp, mở rộng hệ thống cảnh báo sớm
Lãnh đạo Cục Phòng vệ thương mại cho biết, trong thời gian tới, trên cơ sở thông tin từ hệ thống cảnh báo sớm, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục trang bị, nâng cao nhận thức và kiến thức về phòng vệ thương mại cho các doanh nghiệp một cách có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những ngành hàng, những lĩnh vực có nguy cơ cao.
Thứ hai, đối với hệ thống cảnh báo sớm, trên cơ sở những kết quả đã đạt được, Bộ Công Thương sẽ mở rộng đến nhiều thị trường hơn nữa trong bối cảnh Việt Nam đang tăng cường khai thác các thị trường xuất khẩu mới.
Thứ ba, tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp, Hiệp hội nhằm tư vấn kỹ hơn, giải thích kỹ hơn về các bước triển khai, những vấn đề phải làm để đáp ứng đúng quy trình, thủ tục điều tra của phía nước nhập khẩu, qua đó bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích của các doanh nghiệp Việt Nam.
Cùng với đó, trong quá trình đồng hành với doanh nghiệp, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục theo dõi quy trình và hoạt động điều tra của cơ quan điều tra nước ngoài để đảm bảo quy trình, hoạt động điều tra tuân thủ đúng theo quy định pháp luật của nước sở tại và tuân thủ đúng theo các nguyên tắc và quy định của WTO.
Đối với các doanh nghiệp, ông Chu Thắng Trung khuyến nghị, khi đã xác định được nguy cơ đối với sản phẩm của mình xuất khẩu sang một thị trường nhất định, doanh nghiệp cần tìm hiểu và nắm được những thông tin, kiến thức cơ bản về phòng vệ thương mại, về quy định phòng vệ thương mại để hiểu được quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp trong các vụ việc phòng vệ thương mại.
Đồng thời, có sự chuẩn bị, rà soát, kiểm tra lại hệ thống sổ sách, chứng từ và hoàn thiện một cách đầy đủ, chính xác, khoa học, có thể truy xuất và xác minh được, để nếu vụ việc xảy ra, doanh nghiệp đã sẵn sàng cung cấp và hợp tác.
Doanh nghiệp cũng cần xác định một tâm thế là khi mà chẳng may nguy cơ đó thực sự xảy ra thì cần phải cân nhắc việc chủ động tham gia, chủ động chuẩn bị và cung cấp các thông tin theo yêu cầu của cơ quan điều tra một cách đầy đủ, chính xác, đúng thời hạn. Đó là cơ hội mà cơ quan điều tra của nước nhập khẩu cung cấp cho chúng ta để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần có sự phối hợp, thông qua sự tập hợp của các hiệp hội, để cùng chia sẻ thông tin, cùng đối phó với nguy cơ chung. Ngoài câu chuyện mỗi doanh nghiệp phải tự chứng minh cho mình - bởi các tính toán kỹ thuật dựa trên dữ liệu của từng doanh nghiệp, từng lô hàng - thì còn có phần đấu tranh chung mà các doanh nghiệp phải phối hợp với nhau, cùng với Hiệp hội và các với cơ quan quản lý nhà nước để chúng ta phối hợp, đấu tranh chung.
“Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương luôn sẵn sàng hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp trong tư vấn, chia sẻ những thông tin mà chúng tôi nắm được, để giúp doanh nghiệp có sự chuẩn bị trước năng lực cần thiết”, ông Chu Thắng Trung khẳng định.