Cảnh báo sốt xuất huyết đến sớm và diễn biến bệnh phức tạp
Theo thông tin từ Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, trong tháng 7 vừa qua, Bệnh viện liên tục tiếp nhận những ca sốt xuất huyết Dengue nặng, diễn biến phức tạp với nhiều dấu hiệu cảnh báo và biến chứng nguy hiểm, nguy cơ tử vong cao.
Theo PGS. TS. Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, trong tháng 7, Trung tâm tiếp nhận hàng chục ca sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo nhập viện. Điều khác biệt năm nay là, khu vực ngoại thành như Hoài Đức, Đan Phượng, Phúc Thọ,… và các tỉnh như Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình,… các ca sốt xuất huyết có vẻ như xảy ra sớm và nặng hơn mọi năm.
Điển hình là bệnh nhân nam 25 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội, sốt 5 ngày, nhập viện xét nghiệm dương tính với sốt xuất huyết Dengue, trong quá trình điều trị, bệnh nhân có tình trạng suy gan nặng, tiểu cầu tụt nhanh, máu cô đặc. Một bệnh nhân khác 66 tuổi, ở Tương Mai, Hoàng Mai, Hà Nội, sốt cao từng cơn (39 độ), đau đầu, đau mỏi người, khớp gối, nôn khan và tiểu ra máu. Thêm một bệnh nhân nữa là nam giới 39 tuổi, Hoài Đức, Hà Nội, sốt 5 ngày, vào viện trong tình trạng nặng, cô đặc máu, da lạnh ẩm, mạch nhanh. Các bệnh nhân được điều trị tích cực tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, theo pháp đồ cụ thể, tình trạng đến nay đã dần được cải thiện và có thể xuất viện trong một vài ngày tới.
Bên cạnh đó, cũng có bệnh nhân nguy kịch, tiên lượng xấu, đặc biệt ở người cao tuổi, có bệnh nền. Bệnh nhân T.T.S. nữ 62 tuổi, Đan Phượng, Hà Nội, vào viện sau gần 1 tuần xuất hiện sốt cao từng cơn, mệt mỏi, đau mỏi người, ăn kém. Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, viêm khớp, dùng thuốc giảm đau thường xuyên và được chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue nặng. Qua xét nghiệm, đây là Dengue type 2. Sau 1 ngày nhập viện, tình trạng bệnh nhân diễn biến xấu, tiểu cầu giảm mạnh, men gan tăng cao, suy gan. Bệnh nhân phải đặt ống nội khí quản, thở máy, lọc máu liên tục và điều trị thêm kháng sinh. Tuy nhiên, tình trạng nặng do suy đa tạng nên nguy cơ tử vong rất cao.
Theo PGS.TS. Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, khi có những dấu hiệu sốt cao đột ngột, liên tục không giảm, đau đầu, đau mỏi người, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để bác sĩ để thăm khám, xét nghiệm và đánh giá các dấu hiệu và triệu chứng. Sốt xuất huyết cần được chẩn đoán và có pháp đồ điều trị sớm, tránh tự ý uống thuốc và truyền dịch tại nhà.
Muỗi vằn aedes egypti là nguồn lây bệnh chính. Muỗi thường sống ở các khu vực gần với nơi con người sinh sống, khu đô thị. Cần lưu ý xử lý, loại bỏ các khu vực tối tăm, ẩm thấp, môi trường nước đọng tạo điều kiện để muỗi sinh sôi, phát triển. Ngoài ra, cần phun thuốc diệt côn trùng, diệt muỗi, sử dụng các thiết bị đuổi, bắt muỗi, lắp đặt lưới chắn muỗi cửa sổ và dùng màn khi ngủ.
“Hiện nay ở Việt Nam chưa có vacxin cũng như chưa có thuốc đặc trị cho sốt xuất huyết Dengue. Do đó, khi nghi ngờ hoặc bị sốt xuất huyết, người bệnh cần tìm kiếm sự trợ giúp y tế, nghỉ ngơi và uống thật nhiều nước. Có thể uống Paracetamol để hạ sốt và làm dịu cơn đau. Tuyệt đối không uống Aspirin hoặc Ibuprofen, vì hai thuốc này có thể tăng nguy cơ xuất huyết”, PGS.TS. Đỗ Duy Cường nhấn mạnh.