Cảnh báo: Tai biến mù mắt do tiêm filler làm đẹp không an toàn

Những ngày gần đây, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức liên tục tiếp nhận các trường hợp biến chứng nghiêm trọng do tiêm filler không an toàn, nhiều người mù mắt.

Tai biến vì làm đẹp sai chỗ

Có mặt ở Khoa Phẫu thuật Hàm mặt, Tạo hình và Thẩm mỹ (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) sáng 7/2), quầng mắt của chị N.T.H. (29 tuổi, ở Hà Nội) vẫn tím đen. Mắt trái cô gái bị mù do tiêm filler không đúng cách.

Trước đó 3 ngày, chị H. nhập viện trong tình trạng mắt trái đau nhức, không nhìn thấy gì, nhãn cầu và mí mắt không động đậy được. Chị H. cho biết được người quen tiêm filler làm đẹp, dù không phải bác sĩ hay nhân viên y tế. Ngay sau đó, chị bị đau nhức dữ dội, không nhìn thấy gì nữa.

 PGS.TS Nguyễn Hồng Hà kiểm tra mắt cho chị N.T.H sau 3 ngày điều trị.

PGS.TS Nguyễn Hồng Hà kiểm tra mắt cho chị N.T.H sau 3 ngày điều trị.

Các bác sĩ xác định chị bị tắc hệ mạch mắt và động mạch trung tâm võng mạc, tổn thương nghiêm trọng dây thần kinh thị giác. Dù sức khỏe của chị H. đã tạm ổn định, nhưng mắt trái bị mù vĩnh viễn.

Trước đó, Khoa Phẫu thuật Hàm mặt, Tạo hình và Thẩm mỹ đã tiếp nhận cấp cứu cháu T.V.N. (14 tuổi, ở Hà Nội) trong tình trạng mắt trái rất mờ, mắt sưng nề, sụp mi, bầm tím vùng trán và sống mũi. Cháu cho biết tự tiêm filler sau khi xem quảng cáo trên mạng xã hội về nâng mũi bằng tiêm filler.

Trong lúc tiêm, thấy đau buốt nhưng N. vẫn tiêm. Cho đến khi em bị xây xẩm, choáng váng, nhìn mờ, gia đình vội chuyển cháu đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cấp cứu.

PGS.TS Nguyễn Hồng Hà - Trưởng khoa Phẫu thuật Hàm mặt, Tạo hình và Thẩm mỹ cho biết các trường hợp biến chứng đều do tiêm filler không rõ nguồn gốc, hoặc các nhân viên tiêm spa không có kiến thức về y khoa, gần đây ghi nhận tăng nhiều, đặc biệt khi có “mốt” tiêm để có trán cao.

Nhưng người tiêm không có kiến thức nên tiêm filler từ các mạch máu ở ngoài thông với mạch máu não, gây ra tắc động mạch não, khiến nạn nhân bị choáng, mờ mắt và nặng hơn sẽ làm hẹp, tắc động mạch trung tâm võng mạc dẫn tới giảm thị lực, mù hoàn toàn thậm chí tử vong.

Nữ sinh 14 tuổi đã may mắn khi đến cấp cứu trong “giờ vàng” nên được can thiệp khẩn cấp bằng kỹ thuật thông mạch và mắt đã cơ bản ổn định.

 Mắt trái của nạn nhân tiêm filler không an toàn đã bị hỏng.

Mắt trái của nạn nhân tiêm filler không an toàn đã bị hỏng.

Kỹ thuật thông mạch là gì?

PGS.TS Nguyễn Hồng Hà - người vừa được trao chứng nhận giảng viên Hiệp hội phẫu thuật Hoàng gia Anh vì đã nghiên cứu thành công nhiều kỹ thuật mà không nhiều nơi trên thế giới thực hiện được. Ông cũng là người nghiên cứu thành công kỹ thuật thông mạch để điều trị tai biến filler - một trong những kỹ thuật hiện đại nhất thế giới.

Kỹ thuật này sử dụng công nghệ tiên tiến nhằm thông mạch máu bị tắc nghẽn, phục hồi lưu thông máu, cứu vãn thị lực và ngăn ngừa tổn thương con ngươi người bệnh.

Thông thường, khi có tai biến filler, trên thế giới, hầu hết vẫn tiêm thuốc giải xung quanh mắt và trán nhưng hiệu quả thấp. Vì thế, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã đưa ra kỹ thuật thông mạch với việc đưa thuốc trực tiếp vào đúng điểm tắc để giải.

Quy trình mới với sự phối hợp đồng bộ của các chuyên khoa như mắt, chẩn đoán hình ảnh, can thiệp mạch, thẩm mỹ… đã giúp nhiều bệnh nhân thoát được bị mù mắt.

PGS.TS Nguyễn Hồng Hà cho hay từ thành công này, nhiều bệnh viện ở các nước Anh, Mỹ, Dubai, Mỹ La-Tinh đã mời bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức sang giảng dạy đào tạo, hoặc chuyển giao công nghệ hay hợp tác chuyển bệnh nhân sang điều trị

Cảnh báo từ chuyên gia

Trước tình hình nhiều nạn nhân bị biến chứng do tiêm filler không đúng cách, ông Hà lưu ý, hậu quả của tiêm filler không đúng cách rất lớn như tắc mạch, mù mắt, nhiễm trùng, hoại tử da, đột quỵ, thậm chí đe dọa tính mạng. Nếu dùng phải filler giả hoặc kém chất lượng hậu quả còn lớn hơn nhiều.

Vì thế, khi tiêm filler cần lựa chọn các bệnh viện, phòng khám thẩm mỹ được cấp phép. Người thực hiện phải có chứng chỉ hành nghề về tạo hình thẩm mỹ. Tuyệt đối không nên tự tiêm filler tại nhà hoặc thực hiện tại các cơ sở không đủ tiêu chuẩn, giấy phép hoạt động.

Nhiều người nghĩ rằng biến chứng của tiêm filler không cứu được, nên hầu hết bệnh nhân đến muộn, dẫn đến không cứu được thị lực. PGS Hà khuyến cáo nếu thấy sưng, đau, mất thị lực, khó thở… người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế có chuyên môn sâu để cấp cứu kịp thời.

Thanh Hằng

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/canh-bao-tai-bien-mu-mat-do-tiem-filler-lam-dep-khong-an-toan-post182542.html?utm_source=web_vt&utm_medium=home_noibat_vt&utm_campaign=noibat