Cảnh báo tai nạn dịp hè ở trẻ
Chỉ riêng tại TP HCM đã có hơn 19.000 trường hợp tai nạn thương tích xảy ra trong độ tuổi sơ sinh đến 16, trong đó có hơn 8.000 trường hợp xảy ra tại nhà
Mới đây, tại TP Đà Nẵng đã xảy ra tai nạn đuối nước thương tâm do tắm hồ. Nhóm 5 học sinh (từ 10 - 14 tuổi) rủ nhau đi tắm tại khu vực hồ Đá Trắng (quận Cẩm Lệ) không may 2 em bị đuối nước. Sau khi hô hoán mọi người đến ứng cứu, khoảng 1 giờ sau mới tìm được thi thể 2 em.
Nhiều vụ đuối nước
Trước đó, tại TP Hà Nội cũng đã có 4 học sinh bị đuối nước khi đi tắm tại khu vực bãi sông Hồng (quận Long Biên). Điều đáng nói khu vực gần chỗ xảy ra tai nạn thương tâm cũng là nơi diễn ra hoạt động vui chơi, cắm trại của nhiều người dân Hà Nội tìm cách tránh nắng nóng. Tương tự, tại huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình, 2 nữ sinh 11 tuổi sau giờ nghỉ học ra đập chơi, không may bị đuối nước và đã không qua khỏi.
Liên tục nhiều vụ đuối nước đau lòng xảy ra những ngày gần đây tại Hải Phòng, Quảng Ninh, Bình Dương… với hàng chục em học sinh là hồi chuông cảnh báo vào dịp hè khi cha mẹ cho con vui chơi mà không để mắt đến. Năm nào cũng vậy, hễ đến dịp hè nhiều trẻ nhỏ được nghỉ học, các gia đình chọn đi du lịch ở những nơi có biển, sông, hồ và những nơi này thường tiềm ẩn nhiều tai nạn thương tâm với nhiều ca tử vong được ghi nhận.
Theo PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng Khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai (TP Hà Nội), đuối nước là một dạng của ngạt, do nước bị hít vào phổi hoặc tắc đường thở do co thắt thanh quản khi nạn nhân ở trong nước. Khi ngạt nước, nạn nhân bị ngừng thở, tim đập chậm lại theo phản xạ. Tình trạng ngừng thở tiếp tục dẫn đến thiếu ôxy máu, gây tăng nhịp tim, huyết áp. Hậu quả là nhịp tim chậm dần lại, rối loạn nhịp, ngừng tim và tử vong.
Khi bị đuối nước, khả năng tử vong rất cao hoặc có thể để lại di chứng tổn thương não nặng nề. Tuy nhiên, nếu nạn nhân được sơ cứu kịp thời, tích cực và đúng phương pháp có khả năng được cứu sống. Vì vậy, việc xử trí cấp cứu đúng cách trong trường hợp này rất quan trọng.
Mới đây, nhờ được cấp cứu đúng cách, 2 bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (TP Hà Nội) đã kịp thời cứu một bé gái 5 tuổi bị đuối nước tại bể bơi khách sạn ở tỉnh Quảng Ninh. Bác sĩ Hoàng Anh Tuấn, Khoa Phẫu thuật tim mạch Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết tình cờ chứng kiến một bé gái bị đuối nước được đưa lên bờ và một người đàn ông dốc ngược cháu để nước chảy ra. Thấy cháu bé tím tái, nguy kịch do cấp cứu sai, 2 bác sĩ đã đặt cháu bé xuống nền cứng và tiến hành hồi sinh tim phổi bằng cách liên tục ép tim ngoài lồng ngực kèm thổi ngạt. Sau 5 phút cấp cứu, cháu bé đã có ý thức, tỉnh lại và được đưa đến trung tâm y tế gần nhất tiếp tục điều trị. Hiện cháu bé đã bình phục.
Bác sĩ Tuấn lưu ý khi xảy ra đuối nước, việc sơ cứu ban đầu rất quan trọng. Sơ cứu đúng cách, trẻ có cơ hội sống. Ngược lại, sơ cứu sai cách có thể mất cơ hội sống của trẻ. "Nhiều người nghĩ khi dốc ngược trẻ sẽ giúp loại bỏ nước ra khỏi hệ hô hấp, giúp trẻ tự thở. Tuy nhiên, việc đó chỉ làm chậm trễ các bước sơ cứu quan trọng. Trì hoãn việc hô hấp nhân tạo và ép tim ngoài lồng ngực sẽ làm tăng nguy cơ tổn thương não không hồi phục do thiếu ôxy" - bác sĩ Tuấn cảnh báo.
Đừng để mùa vui thành ám ảnh
Theo các bác sĩ, sau thời gian dài học tập căng thẳng, học sinh cả nước đang bước vào kỳ nghỉ hè. Bên cạnh sự vui mừng và háo hức khi được tạm xa sách vở của trẻ thì không ít phụ huynh phải vừa đi làm vừa trông trẻ. Thậm chí, trẻ phải ở nhà một mình. Điều này cũng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho trẻ.
Số liệu thống kê năm 2023 tại TP HCM cho thấy có hơn 19.000 trường hợp tai nạn thương tích xảy ra trong độ tuổi sơ sinh đến 16 được ghi nhận, trong đó hơn 8.000 trường hợp xảy ra tại nhà. Tỉ lệ tử vong do tai nạn thương tích ở nước ta hiện nay lên tới 11%, chỉ sau các bệnh tim mạch (18%) và bệnh truyền nhiễm (15%). Mỗi ngày, ở Việt Nam vẫn còn hàng trăm trẻ em và người chưa thành niên bị tai nạn thương tích. Dịp hè là thời điểm gia tăng các tai nạn sinh hoạt ở trẻ em.
Ghi nhận tại 3 bệnh viện nhi trên địa bàn TP HCM cho thấy chỉ mới nghỉ hè hơn 1 tháng nhưng số trẻ nhập viện có xu hướng tăng hơn trước. Phổ biến như trẻ bị rắn cắn, đuối nước, phỏng, ong đốt, tai nạn giao thông... Tại Bệnh viện Mắt TP HCM, thống kê 5 tháng đầu năm 2024, trẻ bị chấn thương nhập viện chiếm hơn 20% trong tổng số bệnh nhân điều trị, trong đó nhiều trẻ chấn thương nặng. Ca mới nhất là bé trai 2 tuổi (ngụ Đắk Lắk) bị đau, sưng một bên mắt. Gia đình cho biết bé chơi một mình trong lúc ba mẹ đi làm rẫy rồi tự té va đập mắt nhưng gia đình không phát hiện vì không có dấu hiệu nào. Đến khi bé đau, sưng mắt, nhìn mờ được đưa đến bệnh viện thăm khám thì phát hiện xuất huyết giác mạc.
Còn tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP HCM) liên tục tiếp nhận trường hợp trẻ bị tai nạn. Điển hình là bé trai K.S.Y.P (13 tuổi, ngụ Đắk Lắk) bị phỏng điện do leo lên nóc nhà lấy diều bị mắc kẹt. Gia đình cho biết nghỉ hè bé ở nhà một mình chơi thả diều với bạn nên mới xảy ra tai nạn. Trường hợp khác là bé gái (22 tháng tuổi, ngụ Đắk Nông) nhập viện trong tình trạng lơ mơ, tay chân gồng cứng do ăn trúng bả chó. Trước đó, bé chơi ngoài sân nhà một mình, nhặt vật lạ đưa vào miệng nhưng gia đình ngăn không kịp. Ngay sau đó, bé xuất hiện tình trạng trên và được đưa đến bệnh viện địa phương cấp cứu, rửa dạ dày, truyền dịch trước khi chuyển đến TP HCM tiếp tục chữa trị. Sau 3 ngày điều trị, sức khỏe bé đã tạm ổn.
Bác sĩ chuyên khoa I Lê Hải Lợi, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 2, lưu ý cha mẹ luôn nâng cao tinh thần cảnh giác để bảo đảm an toàn cho trẻ trong dịp hè. Hãy thường xuyên để mắt tới mọi hoạt động của trẻ bởi nguy hiểm luôn rình rập bất kỳ thời điểm nào.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) khuyến cáo dù ở độ tuổi nào, để trẻ nhỏ ở nhà một mình là lựa chọn khá mạo hiểm và tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Do đó, cần trang bị cho con một số kiến thức tự bảo vệ bản thân và phải tập cho trẻ một số kỹ năng xử lý tình huống có thể xảy ra như: phòng điện giật, cách xử trí khi xảy ra sự cố chập điện; phòng cháy nổ, tránh phỏng khi sử dụng các thiết bị có phát lửa; tránh chơi gần ao, hồ; kỹ năng xử trí vết thương; hạn chế tiếp xúc với người lạ. Ngoài ra, cha mẹ cũng cần để lại ít nhất một phương tiện liên lạc, lưu sẵn số điện thoại của ba, mẹ, người thân và hướng dẫn trẻ liên lạc khi cần sự giúp đỡ để có thể hỗ trợ trẻ nhanh chóng.
"Tỉ lệ trẻ em đuối nước ở nước ta hiện nay cao nhất Đông Nam Á và cao gấp 10 lần so với các nước đang phát triển.
Trang bị kỹ năng cứu người
Theo các chuyên gia, phòng tránh tai nạn đuối nước không chỉ đơn giản là việc học bơi. Quan trọng hơn, trẻ em cần được hướng dẫn về điểm vui chơi an toàn. Thực tế cho thấy việc trang bị kỹ năng ứng phó khi gặp sự cố cho trẻ em, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, vẫn chưa được chú trọng đúng mức. Do đó, bên cạnh việc tăng cường giáo dục, giám sát, việc rèn luyện, bồi dưỡng những kỹ năng cơ bản cho cuộc sống của trẻ em là cực kỳ quan trọng. Giáo dục, hướng dẫn cho trẻ lớn nhận biết các nơi nguy hiểm, có nguy cơ cao xảy ra đuối nước, không tự ý tắm, chơi đùa ở những nơi có vùng nước nguy hiểm.
Ngoài việc trang bị kỹ năng cần thiết khi bơi thì việc trang bị kỹ năng sơ cứu khi bị đuối nước cũng không kém phần quan trọng. Khi phát hiện trường hợp đuối nước, các em cũng cần có những kỹ năng cần thiết để cứu vớt người bị nạn như hô to để tạo sự chú ý của mọi người xung quanh đến cứu, tận dụng các vật dụng nổi để đưa người bị nạn vào bờ. Các chuyên gia khuyến cáo khi cấp cứu trẻ đuối nước, đầu tiên là đưa trẻ lên khỏi mặt nước. Nếu nạn nhân không thở, hãy bắt đầu ép tim ngay lập tức, đồng thời báo người xung quanh gọi cấp cứu 115. Trong trường hợp trẻ còn tỉnh táo, cần đặt trẻ tư thế dẫn lưu nghiêng đầu trẻ sang bên, trẻ có thể tự thở trở lại. Thời gian chịu đựng thiếu ôxy của não tối đa chỉ khoảng 4-5 phút, nếu quá thời gian này sẽ dẫn tới tổn thương não không hồi phục, gây tử vong hoặc di chứng thần kinh. Vì thế, khi thấy một trẻ bị đuối nước không tỉnh, không thở, ngừng tim thì cần phải hồi sức tim phổi (thổi ngạt, ép tim) ngay vì đây là thời điểm vàng để cứu sống trẻ.
2.000 trường hợp đuối nước mỗi năm
Tai nạn đuối nước là một trong những mối lo hàng đầu đối với trẻ em. Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, có khoảng 2.000 trẻ em bị đuối nước mỗi năm. Đuối nước cũng là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ. Tỉ lệ trẻ em đuối nước tại Việt Nam hiện nay cao nhất Đông Nam Á và cao gấp 10 lần so với các nước đang phát triển. Trong số đó, 53% trường hợp chết đuối xảy ra khi trẻ em chơi gần ao, suối, sông, hồ, kênh, mương, biển... mà không có sự giám sát, bảo vệ của người lớn. Đối với Việt Nam, trong 5 năm trở lại đây, số vụ tai nạn đuối nước đã giảm 50% từ gần 4.000 còn 2.000 vụ. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực, châu lục và thế giới thì nước ta vẫn nằm ở con số cao. Vì vậy năm 2016, Thủ tướng đã có Chỉ thị 17 về tăng cường chỉ đạo và thực hiện phòng chống tai nạn đuối nước cho trẻ em và học sinh.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/canh-bao-tai-nan-dip-he-o-tre-196240621204600744.htm