Cảnh báo tai nạn đuối nước ở trẻ em Tây Nguyên

Tai nạn đuối nước trên địa bàn tỉnh Gia Lai là một trong những mối đe dọa đến tính mạng trẻ em. Đặc biệt, hiện nay đang cao điểm nắng nóng, hanh khô, địa bàn tỉnh có nhiều ao, hồ, sông, suối, việc kiểm soát, nhắc nhở, trông coi con trẻ ở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều bất cập. Thời gian gần dây, trên địa bàn tỉnh liên tiếp xảy ra các vụ đuối nước thương tâm đã để lại hậu quả đau lòng cho gia đình, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.

Gần một tuần trôi qua nhưng gia đình bà Tơt (52 tuổi, trú làng BotGrek, xã Hnol, huyện Đak Đoa) vẫn chưa thể nguôi ngoai về việc con gái và cháu ngoại của mình bị đuối nước tại sông Ayun, đoạn qua làng BotGrek, xã Hnol. Chiều 23/3/2024, như bao buổi chiều khác, sau khi đi học về, Chon (9 tuổi), Tra (12 tuổi) và Ta (8 tuổi) cả 3 cháu gái cùng trú làng BotGrek, xã Hnol dắt bò đến chăn tại bãi cỏ bên bờ sông Ayun. Thời tiết nắng nóng, Chon và Tra rủ nhau xuống sông tắm, một lúc sau Ta cũng ra theo, đoạn sông này sâu khoảng 2m. Phát hiện nhóm bạn bị đuối nước, một số bạn trên bờ đã báo người lớn làm rẫy gần đó nhưng không kịp cứu kịp, 3 bé gái đã tử vong. Trước đó, tại khu vực này cũng đã xảy ra đuối nước làm 1 người chết.

Công an xã đến thăm hỏi, động viên gia đình các cháu nhỏ gặp nạn.

Công an xã đến thăm hỏi, động viên gia đình các cháu nhỏ gặp nạn.

Gia đình bà Tớt thuộc diện hộ cận nghèo, thu nhập chủ yếu là làm công cho các gia đình khác trong xã. Ngôi nhà xây hơn 30m2 không có vật dụng gì đáng giá, tang thương ập đến, những người chứng kiến cảnh tượng đau lòng này đều không cầm được nước mắt.

Từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 10 vụ tai nạn đuối nước, làm chết 13 người. Trong đó, có 6 vụ liên quan đến trẻ em, chiếm 60% trên tổng số. Riêng trên địa bàn huyện Đak Đoa trong ngày 21 và 23/3/2024 liên tiếp xảy ra 2 vụ trẻ em đuối nước. Chiều 21/3, cháu Seo (9 tuổi, trú tại làng Kóp, xã Kon Gang) cũng được phát hiện đuối nước chết tại hồ nước cách nhà 2km.

Đuối nước ở trẻ em luôn là vấn đề “nóng”, đặc biệt khi Tây Nguyên đang cao điểm mùa khô nóng, điều kiện địa bàn lại nhiều hồ, sông, suối. Nguyên nhân chính của tai nạn đuối nước ở trẻ em xuất phát từ việc thiếu sự quản lí, giám sát của người lớn trong gia đình. Trong khi đó, trẻ em luôn hiếu động, thích khám phá nhưng không biết cách xử lí khi gặp nạn. Điều này đòi hỏi các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội cùng vào cuộc, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng tránh đuối nước cho trẻ em.

Đại úy Din, Trưởng Công an xã Hnol, huyện Đak Đoa thông tin: “Ngay khi xảy ra sự việc đau lòng trên, lực lượng Công an đã đến nhà động viên, hỗ trợ gia đình mai táng, lo hậu sự cho 3 em. Đồng thời, Công an xã đã tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương tiến hành rà soát các khu vực thường xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước để đặt biển cảnh báo, chủ động phòng ngừa tai nạn, bảo đảm an toàn cho học sinh, trẻ em, đặc biệt trong dịp hè sắp tới. Công an xã tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức cho các bậc phụ huynh trong việc quản lý, nhắc nhở con em mình, không để xảy ra các vụ đuối nước thương tâm”.

Bên cạnh đó, các đoàn thể xã hội, trường học cần tăng cường hướng dẫn kỹ năng bơi lội, phòng tránh, ứng phó các trường hợp tai nạn thương tích ở trẻ em. Quan trọng nhất, gia đình, người chăm sóc trẻ, thầy cô giáo cần tăng cường quản lí, nhắc nhở, hướng dẫn trẻ cách phòng ngừa, xử lý, nhận biết những địa điểm, tình huống nguy hiểm để phòng tránh.

Bảo Hân – Hữu Trường

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/xa-hoi/canh-bao-tai-nan-duoi-nuoc-o-tre-em-tay-nguyen-i726813/