Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo đăng ký mạng mùa mưa lũ

Trong khi nhiều khu vực bị ảnh hưởng bởi mưa lũ và mất sóng, một số đối tượng xấu đã lợi dụng tình trạng này để phát tán thông tin giả mạo về cách thức đăng ký mạng miễn phí. Người dân cần nâng cao cảnh giác và hiểu rõ những rủi ro khi thực hiện theo các cú pháp tin nhắn này.

Thời gian gần đây những vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn ra ngày càng nhiều, xảy ra ở khắp mọi nơi, diễn ra hết sức phức tạp, đa dạng về hình thức, thủ đoạn lừa đảo tinh vi và có xu hướng đan xen, kết hợp giữa nhiều hình thức lừa đảo truyền thống kết hợp sử dụng công nghệ cao trên không gian mạng như: “vay vốn online”, “giả danh công an, viện kiểm sát, tòa án để gọi điện thông báo cho người dân… Trong đó có một hình thức tuy không mới nhưng rất phổ biến, đó là các đối tượng lừa đảo giả danh nhân viên, cộng tác viên các nhà mạng viễn thông (Viettel, Vinaphone, Mobifone…) gọi điện cho người dân để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Nhanh nhạy các chiêu trò

Mưa lũ và mất sóng viễn thông là một trong những tình huống khẩn cấp mà người dân đang phải đối mặt trong nhiều khu vực tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung, gây gián đoạn cả về hệ thống điện lẫn viễn thông. Đối với nhiều người dân, việc kết nối mạng di động là cách duy nhất để cập nhật thông tin, giữ liên lạc với gia đình và nắm bắt tình hình thời tiết.

Tuy nhiên, đây cũng chính là cơ hội để các đối tượng xấu lợi dụng phát tán thông tin lừa đảo. Nhiều người đã nhận được các tin nhắn giả mạo, khuyến khích họ gửi cú pháp nhắn tin để nhận data miễn phí từ các nhà mạng lớn như Viettel, Mobifone, và Vinaphone. Những tin nhắn này thường có nội dung như: "3ST4G gửi 191", "4G gửi 191" hoặc "5GBKM gửi 191", đi kèm với lời hứa về việc nhận được data miễn phí. Các đối tượng này đánh vào tâm lý lo lắng của người dân, khi mất mạng, không thể truy cập internet để xác thực thông tin.

VTV24 đã đưa cảnh báo về những thông tin các gói mạng giả đang được lan truyền trong những ngày mưa lũ vừa qua.

VTV24 đã đưa cảnh báo về những thông tin các gói mạng giả đang được lan truyền trong những ngày mưa lũ vừa qua.

Ngoài việc phát tán các cú pháp nhắn tin lừa đảo qua tin nhắn, nhiều đối tượng xấu hiện đang sử dụng các chiêu trò tinh vi hơn để tiếp cận người dân. Không chỉ dừng lại ở các tin nhắn mời gọi nhận data miễn phí, các cuộc gọi giả danh nhân viên nhà mạng hoặc các tổ chức từ thiện cũng bắt đầu xuất hiện.

Một ví dụ điển hình là trường hợp của chị Trần Yến Như (huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái), người vừa là nạn nhân của một cuộc gọi lừa đảo giả danh nhân viên viễn thông. Chị kể lại: "Yên Bái từ đêm 09/9 đã mất điện và mất sóng đến chiều 10/9 mới có lại, ngồi nói chuyện cùng các chị hàng xóm thì thấy mọi người bảo đang có các gói ưu đãi mới từ nhà mạng. Sau đó không lâu, tôi nhận được một cuộc gọi từ số lạ, đầu dây bên kia là giọng nam, tự xưng là nhân viên của một nhà mạng lớn. Người này thông báo do khu vực của tôi bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, nhà mạng đang hỗ trợ người dân sử dụng mạng 4G miễn phí trong 7 ngày để đảm bảo kết nối thông suốt. Tuy nhiên, anh ta yêu cầu tôi phải cung cấp mã OTP mà tôi sẽ nhận được qua tin nhắn để hoàn tất đăng ký dịch vụ".

Chị Như không chút nghi ngờ vì đúng lúc này gia đình chị cũng đang chịu ảnh hưởng từ mưa lũ và việc mất kết nối đã khiến chị rất lo lắng. Khi nhận được tin nhắn mã OTP từ số tổng đài, chị ngay lập tức gửi lại cho người gọi. Chỉ vài phút sau, chị nhận được tin nhắn thông báo số dư tài khoản di động đã bị trừ gần 500.000 đồng. Chưa dừng lại ở đó, tài khoản của chị trên một ứng dụng ví điện tử cũng bị xâm nhập và mất đi một số tiền khác.

Sau khi sự việc xảy ra, chị Như lập tức liên hệ với nhà mạng và được xác nhận rằng không hề có chương trình hỗ trợ nào như vậy. Nhân viên chăm sóc khách hàng giải thích, mã OTP mà chị Như cung cấp thực chất là mã dùng để đăng nhập vào tài khoản dịch vụ của chị, và kẻ gian đã lợi dụng để chiếm đoạt thông tin và tiền bạc của chị.

Không chỉ riêng chị Như, rất nhiều người dân ở các khu vực bị ảnh hưởng bởi thiên tai khác cũng nhận được các cuộc gọi tương tự. Các đối tượng lừa đảo ngày càng tinh vi hơn, chúng thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết, thiên tai để "đánh đúng tâm lý" của người dân trong những lúc khó khăn. Những lời mời gọi hấp dẫn như cung cấp mạng miễn phí, hỗ trợ thiết bị kết nối, hay thậm chí là giúp đỡ tài chính dưới dạng từ thiện đã đánh lừa không ít người.

Lợi dụng tình hình thiên tai để trục lợi

Những hành vi trên không chỉ khiến người dân mất tiền oan mà còn gây ra những rắc rối về an ninh mạng trong thời điểm nhạy cảm. Thực tế, các nhà mạng lớn như Viettel, Vinaphone và Mobifone đã lên tiếng cảnh báo về việc xuất hiện các tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo mạo danh nhà mạng, yêu cầu người dân cần cảnh giác trước mọi thông tin không chính thống.

Đại diện của Viettel cho biết: "Chúng tôi khẳng định không có bất kỳ chương trình khuyến mại hay cú pháp nào liên quan đến việc cung cấp data miễn phí trong thời điểm mưa lũ. Mọi thông tin chính thống đều được công bố qua các kênh truyền thông của nhà mạng và tổng đài chính thức".

Nhiều cơ quan truyền thông uy tín, trong đó có kênh VTV24, mới đây cũng đã lên tiếng cảnh báo, khẳng định đây là những thông tin hoàn toàn sai sự thật. Bởi nếu người dân vô tình thực hiện theo các cú pháp này, họ có thể bị mất tiền hoặc thậm chí cung cấp thông tin cá nhân cho các đối tượng xấu. Những thông tin này có thể bị lợi dụng để thực hiện các hành vi lừa đảo khác, gây thiệt hại về tài chính và ảnh hưởng đến an toàn thông tin của người dùng.

Theo các chuyên gia an ninh mạng, để phòng tránh lừa đảo, người dân cần xác minh thông tin từ các nguồn đáng tin cậy, không cung cấp mã OTP hay thông tin cá nhân cho bất kỳ ai, đồng thời cảnh giác với những tin nhắn có nội dung đáng ngờ.

“Trong mùa mưa lũ, việc đối mặt với các cuộc gọi lừa đảo trở nên dễ dàng hơn khi tình hình khẩn cấp khiến người dân lo lắng. Hãy luôn xác minh thông tin qua các kênh chính thức trước khi thực hiện bất kỳ hành động nào. Tránh cung cấp thông tin cá nhân và tài chính qua điện thoại, và liên hệ ngay với cơ quan chức năng nếu nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo”, ông Nguyễn Hữu Thắng, chuyên gia an ninh mạng thuộc Trung tâm Giám sát an ninh mạng Quốc gia cho hay.

Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng (VNCERT/CC) cũng khuyến cáo trước khi chia sẻ thông tin của mình, người dân cần tìm hiểu kỹ và xác nhận thông tin, khi có nhu cầu gia hạn thêm data, người dân nên liên hệ trực tiếp đến nhà mạng, không nên giao dịch thông qua các cuộc gọi, tin nhắn không rõ nguồn gốc, không có độ uy tín vì các Doanh nghiệp chỉ dùng tên định danh của nhà mạng để gọi điện tới khách hàng của mình.

Lê Hồng

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//vien-thong/canh-bao-thu-doan-lua-dao-dang-ky-mang-mua-mua-lu-1102281.html