Cảnh báo tình trạng chấn thương ở trẻ nhỏ vào dịp nghỉ hè
Kỳ nghỉ hè chỉ vừa diễn ra được hơn một tháng nhưng số lượng ca tai nạn thương tích ở trẻ ghi nhận tại các bệnh viện trên địa bàn toàn tỉnh đang có dấu hiệu tăng lên, trong đó có không ít ca nguy kịch. Tình trạng này đang trở thành mối lo ngại lớn, khiến nhiều phụ huynh băn khoăn: Làm thế nào để con trẻ có một mùa hè thực sự an toàn và lành mạnh?

Dưới sự chăm sóc, điều trị của y, bác sĩ Khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị, đến nay, sức khỏe của Đ. đã dần hồi phục.
Gia tăng tình trạng trẻ nhập viện trong kỳ nghỉ hè
Tham gia giao thông bằng xe đạp điện nhưng không đội mũ bảo hiểm, thế nên khi tai nạn giao thông xảy ra, em T.Q.H (13 tuổi), ở xã Quảng Trạch bị thương nặng, đặc biệt ở phần đầu. Em được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới trong tình trạng hôn mê sâu. Sau khi kiểm tra, các bác sĩ đã chẩn đoán em bị chấn thương sọ não, vỡ lún sọ phức tạp, phải thực hiện 2 cuộc phẫu thuật sọ não.
Trải qua 2 tuần điều trị, sức khỏe của H. đã ổn định hơn, tri giác tốt, không xuất hiện tình trạng yếu, liệt. Trao đổi với phóng viên, H. bộc bạch: “Nghỉ hè không có việc gì làm nên em chạy sang nhà bạn chơi. Nghĩ đoạn đường ngắn, thường xuyên đi lại nên em chủ quan không đội mũ bảo hiểm. Từ giờ trở đi, em sẽ luôn nhớ phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông”.
Ghi nhận tại Khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới, chỉ trong tháng 6 vừa qua, khoa đã tiếp nhận 19 trường hợp tai nạn thương tích ở đối tượng trẻ nhỏ, trong đó có không ít trường hợp bị chấn thương sọ não.
Th.s, bác sĩ nội trú Nguyễn Mạnh Linh, Khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới cho hay: “Chấn thương sọ não là tổn thương nghiêm trọng vùng đầu, thường gặp ở trẻ nhỏ do tính hiếu động nhưng thiếu kỹ năng phòng vệ. Tai nạn có thể xảy ra khi trẻ ngã cầu thang, va đập mạnh, chơi xe đạp hoặc bị vật rơi trúng đầu. Tùy mức độ, chấn thương có thể từ nhẹ như tụ máu dưới da đến nặng như vỡ sọ, tụ máu nội sọ, để lại di chứng thần kinh hoặc nguy hiểm đến tính mạng”.
Em T.V.M.Đ (14 tuổi), ở xã Vĩnh Hoàng được đưa vào Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị trong tình trạng đau đầu, nôn ói sau khi ngã từ trên cao xuống. Qua quá trình thăm khám, chụp cắt lớp vi tính sọ não, các bác sĩ đã chẩn đoán em bị chấn thương sọ não kín, phải tiến hành phẫu thuật lấy máu tụ. Theo lời người nhà Đ. kể lại, em vốn là đứa ngoan, ít khi chạy nhảy, leo trèo.
Tuy nhiên, vì nghỉ hè không có nhiều sân chơi nên em cùng các bạn rủ nhau trèo cây, chơi trốn tìm rồi sẩy chân ngã xuống. Do không có người lớn ở bên cạnh giám sát nên đến khi em nôn ói, liên tục kêu đau đầu, cả nhà mới hoảng hốt đưa đi cấp cứu. Dưới sự điều trị, chăm sóc tích cực của các bác sĩ, y tá Khoa Ngoại Thần kinh, đến nay, sức khỏe của Đ. đã dần hồi phục. Bà ngoại của Đ. cho hay: “Cháu tôi may mắn được cấp cứu và phẫu thuật kịp thời, nhờ vậy mà không có điều gì bất trắc xảy ra. Tôi cảm ơn sự cứu chữa của các y, bác sĩ của Bệnh viện đa khoa tỉnh. Đồng thời, sẽ hạn chế cho cháu chơi những trò chơi nguy hiểm như vừa rồi”.
Ngoài trường hợp của Đ., tại Khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện đa khoa tỉnh cũng đã tiếp nhận 10 bệnh nhi được chẩn đoán bị chấn thương sọ não kín, phải tiến hành phẫu thuật hoặc theo dõi đặc biệt.
Bác sĩ CKI Văn Nhật Minh, Trưởng khoa Ngoại Thần kinh cho biết, chấn thương sọ não kín xảy ra khi có lực tác động mạnh vào đầu nhưng không làm rách da đầu hay xương sọ, gây tổn thương mô não bên trong. Ở trẻ em, hộp sọ còn mềm và não chiếm tỉ lệ lớn trong thể tích đầu, khiến lực chấn động truyền vào mô não dễ dàng hơn so với người lớn. Triệu chứng nhận biết chấn thương sọ não kín ở trẻ có thể không rõ ràng ngay sau chấn thương, nhưng theo thời gian sẽ xuất hiện một số dấu hiệu, như: Đau đầu tăng dần, nôn ói liên tục, lơ mơ, thay đổi hành vi, yếu liệt tay chân, co giật hoặc ngủ gà.

Nghỉ hè, trẻ em thường chơi một mình mà không có sự giám sát của phụ huynh.
Để con trẻ có mùa hè an toàn
Theo bác sĩ CKI Hồ Trọng Quỳnh, Phó Trưởng Khoa Ngoại chấn thương-Bỏng, Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị cho biết, mùa hè là thời điểm trẻ dễ gặp tai nạn nhất do được nghỉ học nhưng thiếu sự giám sát chặt chẽ từ gia đình và cộng đồng. Với tính hiếu động, tò mò nhưng thiếu kỹ năng phòng tránh, trẻ dễ rơi vào tình huống nguy hiểm như: Bỏng, té ngã, ngạt nước, cháy nổ, bị ong đốt, chó mèo cắn, hoặc tai nạn do thiết bị điện, ngộ độc...
“Các ca bỏng nhập viện trong dịp hè tăng lên, chủ yếu do trẻ kéo đổ phích nước, va phải nồi canh đang sôi hoặc gặp sự cố cháy nổ. Thương tích bỏng không chỉ gây tổn thương da, nhiễm trùng mà còn có thể để lại di chứng hoặc tử vong nếu không xử trí kịp thời”, bác sĩ Quỳnh nói.
Để phòng ngừa tai nạn thương tích trong mùa hè, các bậc phụ huynh cần đặc biệt chú ý đến việc giám sát trẻ trong mọi hoạt động thường ngày, từ việc chơi đùa, bơi lội đến khi tham gia giao thông. Ngoài việc giáo dục trẻ nhận biết nguy hiểm, cha mẹ cũng cần chủ động tạo ra không gian sống an toàn: Lan can, cầu thang phải có rào chắn chắc chắn; không để trẻ tự leo lên mái nhà, ban công hay tiếp cận vật sắc nhọn, hóa chất độc hại.
Đặc biệt, không cho trẻ điều khiển xe máy, xe đạp điện khi chưa đủ tuổi và chưa đủ nhận thức tham gia giao thông an toàn. Bên cạnh đó, các gia đình nên phối hợp với nhà trường, địa phương trong việc tổ chức các lớp học kỹ năng sống, lồng ghép giáo dục an toàn vào các hoạt động hè để trẻ được trang bị những kiến thức cơ bản về phòng tránh tai nạn. Ở những nơi có công trình xây dựng, cần có rào chắn, biển cảnh báo và tuyệt đối không để trẻ chơi gần khu vực nguy hiểm.
Bác sĩ CKI Văn Nhật Minh, Trưởng khoa Khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị cũng lưu ý, trong trường hợp không may trẻ gặp tai nạn, cha mẹ cần nhanh chóng sơ cứu đúng cách và đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời. Những năm trở lại đây, tai nạn thương tích là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và di chứng vĩnh viễn ở trẻ em. Một phút lơ là có thể để lại hậu quả cả đời.
“Trẻ nhỏ rất dễ bị tai nạn nếu thiếu sự quan sát của người lớn. Vì vậy, việc giám sát và chủ động tạo môi trường sống an toàn là yếu tố then chốt giúp phòng tránh thương tích đáng tiếc” bác sĩ Minh nhấn mạnh.