Tổn thương bàn chân ở người tiểu đường cần phát hiện sớm
Theo Tổ chức Y tế thể giới (WHO) cứ 30 giây trôi qua thế giới sẽ có một người bệnh tiểu đường bị cắt cụt chân do biến chứng bàn chân bệnh tiểu đường.
Bàn chân của người bệnh có thể bị các biến dạng, viêm loét và nặng hơn là hoại tử. Việc chăm sóc bàn chân người bệnh đái tháo đường rất quan trọng nhằm phòng tránh các biến chứng nguy hiểm.
Tổn thương bàn chân ở người tiểu đường là nhiễm trùng, loét và sự phá hủy các mô sâu có kết hợp với những bất thường về thần kinh và các mức độ khác nhau về bệnh mạch máu ngoại biên ở chi dưới. Loét và hoại tử bàn chân rất hay gặp ở người bệnh tiểu đường, ở các quốc gia đang phát triển tỉ lệ xảy ra cao hơn, người lớn tuổi dễ mắc hơn, với nguy cơ cắt cụt chi cao.
Yếu tố và triệu chứng tổn thương bàn chân ở người bệnh tiểu đường
Theo thống kê, có 5-7% số người bệnh tiểu đường có biến chứng loét bàn chân. Nguy cơ cắt cụt chi ở người bệnh đái tháo đường cao gấp 15-46 lần so với người bình thường. Tuy nhiên, ở người bệnh tiểu đường, còn có những yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc biến chứng bàn chân.
Dấu hiệu sớm là người bệnh có giảm cảm giác giống nhau ở hai chân, chủ yếu là bàn chân. Cảm giác tê bì ở chân, nhất là ở đầu ngón và bàn chân.
Người bệnh thấy đau, nóng rát ở gan bàn chân, tăng về đêm. Cơn đau thường không đáp ứng với thuốc giảm đau.
Giai đoạn muộn có thể mất cảm giác một phần hoặc toàn bộ tại khu vực thần kinh bị tổn thương. Vì thế, bệnh nhân không thể nhận biết nóng lạnh, đau sau chấn thương, vật nhọn đâm,… dẫn tới gây sưng tấy hoặc nhiễm trùng nặng.
Biến chứng thần kinh khớp (bàn chân Charcot) là một biến chứng ít được chú ý, gây ra biến dạng và mất chức năng bàn chân, có thể xảy ra trước khi có biến chứng mạch máu ngoại biên.

Việc chăm sóc bàn chân người bệnh đái tháo đường rất quan trọng nhằm phòng tránh các biến chứng nguy hiểm.
Người bệnh đái tháo đường dễ bị xơ vữa động mạch, các mạch máu bị hẹp hoặc tắc dẫn đến thiếu máu nuôi. Có thể xảy ra trên tất cả các mạch máu lớn hoặc nhỏ như động mạch chủ, động mạch đùi,…
Tổn thương mạch máu chi dưới gây ra tình trạng thiếu máu. Nhẹ có thể gây ra biến chứng thần kinh, kéo dài tình trạng nhiễm trùng,… nặng có thể dẫn đến hoại tử chi, thường bắt đầu từ các phần xa như đầu ngón sau đó lan lên cao.
Các triệu chứng mạch máu thay đổi từ đau cách hồi khi vận động cho đến đau liên tục khi nghỉ ngơi. Đầu tiên, bệnh nhân sẽ đau khi đi bộ, tập thể dục, hết đau khi nghỉ. Triệu chứng nặng dần cho đến khi xuất hiện tình trạng hoại tử phần xa bàn chân.
Người bệnh đái tháo đường dễ bị nhiễm trùng và nhiễm trùng kéo dài do lượng đường trong máu cao làm vi khuẩn phát triển kèm theo các bệnh mạch máu và thần kinh ngoại biên gây phát hiện trễ và kéo dài tình trạng nhiễm trùng.
Người bệnh đái tháo đường khi gặp chấn thương thường dễ bỏ qua do mất cảm giác ở bàn chân. Chấn thương làm nặng thêm tình trạng biến dạng bàn chân. Các vết thương dù nhỏ nhất cũng có thể nhiễm trùng, loét có thể làm tăng nguy cơ cắt cụt chi.
Thói quen sinh hoạt mang giày vớ nhiều dễ gây loét, nhiễm trùng.
Thừa cân, béo phì tăng áp lực lên bàn chân gây biến dạng, loét tì đè.
Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ biến chứng bàn chân, làm chậm hấp thu insulin.
Tự chăm sóc bàn chân ở người bệnh tiểu đường
Kiểm tra bàn chân hàng ngày: tự kiểm tra từ trên xuống xem có vết thương, xây xát, phồng rộp, móng quặp, biến dạng ngón,…Trời mùa hè nắng gắt, nếu ra ngoài bạn cũng nên bôi kem chống nắng vùng da trần hoặc che chắn thật tốt. Nắng nóng cũng có thể gây ra bỏng rát cho da.
Để chăm sóc bàn chân ở người bệnh đái tháo đường không thể không nhắc tới chăm sóc móng chân. Nên cắt móng thường xuyên, không nên để móng quá dài. Tuy nhiên, có nhiều điểm cần chú ý khi cắt móng chân: Nhờ người khác cắt nếu thị lực của bạn không tốt; Cắt móng chân sau khi tắm vì đây là thời điểm móng mềm và dễ cắt hơn cả; Không sử dụng vật sắc, nhọn đào sâu dưới móng chân hoặc quanh da móng tránh gây tổn thương.
Vệ sinh bàn chân sạch sẽ: rửa chân bằng xà phòng và nước ấm hằng ngày.
Luôn mang giày dép bao kín ngón và gót chân để tránh va chạm, mang vớ giữ ẩm, tránh mang giày dép quá chật
Tránh để chân quá lạnh hoặc quá nóng, không sưởi ấm bằng lò than, không dùng chân thử nhiệt độ nước, không ngâm chân xông hơi...
Nhiều người bệnh tiểu đường đường có biến chứng bàn chân do máu không lưu thông. Vì vậy, hãy luôn giữ cho máu được lưu thông tốt như một cách chăm sóc bàn chân ở người bệnh đái tháo đường bằng cách giúp lưu thông máu như: Khi ngồi xuống có thể đặt chân lên ghế; Không nên ngồi bắt chéo chân trong thời gian dài; Không sử dụng tất chật, có đai cao su bó quanh cổ chân; Nhớ cử động ngón chân khoảng 2-3 lần/ ngày trong khoảng 5 phút. Chú ý tập các môn thể dục nhẹ nhàng: đi bộ, đạp xe,…