Cảnh báo tình trạng cháy nhà sàn

ĐBP - Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh xảy ra các vụ cháy nhà sàn, gây thiệt hại lớn về tài sản của nhân dân. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến cháy nhà, nhưng phần lớn đến từ sự bất cẩn của người dân trong sinh hoạt hàng ngày.

Lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ tỉnh tham gia chữa cháy nhà trên địa bàn xã Pom Lót (huyện Điện Biên).

Khoảng hơn 4 giờ, ngày 11/6/2022, tại bản Na Vai, xã Pom Lót (huyện Điện Biên) xảy ra vụ cháy nhà sàn 3 gian làm bằng gỗ của gia đình ông Lò Văn Xoa. Ngay sau khi nhận được tin báo, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh) đã huy động các xe chữa cháy cùng cán bộ, chiến sĩ xuống hiện trường tham gia chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Tuy nhiên, do địa điểm xảy ra cháy cách trung tâm thành phố xa, đường bê tông hẹp đã gây nhiều khó khăn cho lực lượng tham gia chữa cháy tiếp cận hiện trường. Đến hơn 5 giờ cùng ngày, lực lượng chức năng mới khống chế và dập tắt đám cháy hoàn toàn. Vụ cháy tuy không gây thiệt hại về người nhưng ngôi nhà sàn cùng nhiều tài sản bị thiêu rụi hoàn toàn, ước tính thiệt hại hơn 200 triệu đồng. Nguyên nhân vụ cháy được cơ quan chức năng xác định do gia đình sơ suất trong quá trình sử dụng lửa.

Vụ cháy nhà sàn xảy ra ngày 1/12/2022, trên địa bàn bản Huổi Vang, xã Mường Mươn (huyện Mường Chà) đã thiêu rụi toàn bộ ngôi nhà sàn 4 gian và nhiều đồ dùng sinh hoạt, hàng tạp hóa của gia đình ông Lò Văn Thắng, ước tính thiệt hại khoảng 1,6 tỉ đồng. Nguyên nhân dẫn đến cháy được ông Lò Văn Thắng cho biết: Trong lúc vừa nấu ăn vừa tranh thủ làm việc khác, không để ý nên ngọn lửa bùng phát và cháy lan ra nhà. Trong khi đó, ngôi nhà được thiết kế chủ yếu bằng gỗ, mái lợp ngói, phía trước ngôi nhà bố trí gian hàng tạp hóa chủ yếu bánh kẹo nước ngọt. Khi xảy ra cháy, gia đình đã gọi báo lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ tỉnh, tuy nhiên do quãng đường từ thành phố đến điểm cháy xa (35km) nên công tác cứu hộ gặp khó khăn.

Đây chỉ là 2 trong số nhiều vụ cháy nhà sàn xảy ra trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua mà nguyên nhân xảy ra cháy được xác định do sự chủ quan, bất cẩn trong khi sử dụng lửa của người dân. Điều đáng lưu ý, các đám cháy thường xảy ra vào các thời điểm: Sau vụ gặt, các hộ dân để đống rơm gần nhà hay mùa đông (đốt lửa sưởi ấm), trong khi nhà sàn được làm bằng gỗ dễ bén lửa nên nguy cơ cháy lan trên diện rộng sang các nhà lân cận là rất cao. Bên cạnh đó, những trường hợp cháy nhà thường nằm trong các khu vực thưa dân cư, hoặc cách xa trung tâm thành phố, đường đi lại khó khăn nên khi có cháy thì hầu như những căn nhà này sẽ bị thiêu rụi. Ngoài ra, chập điện cũng là nguyên nhân gây cháy nhiều nhà sàn trong thời gian vừa qua. Đơn cử, vụ cháy nhà sàn của gia đình ông Lầu Dúa Sếnh, bản Cà Là Pá, xã Leng Su Sìn (huyện Mường Nhé) gây thiệt hại hơn 200 triệu đồng. Nguyên nhân do đường dây điện trong nhà chưa đảm bảo, dẫn đến chập điện và làm cháy nhà.

Theo thống kê, từ năm 2021 đến nay trên địa bàn tỉnh xảy ra 25 vụ cháy (trong đó chủ yếu là các vụ cháy nhà sàn), 6 sự cố cháy đống rơm có nguy cơ cháy lan sang nhà sàn. Những vụ cháy xảy ra trên địa bàn có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do người dân chưa quan tâm đầy đủ đến công tác phòng cháy chữa cháy. Nhất là với đặc điểm cấu tạo của nhà sàn làm bằng gỗ, dưới gầm sàn để nhiều chất dễ cháy như: Củi, rơm rạ; bếp đun trên sàn nhà được bố trí không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy; hệ thống điện lắp đặt không đúng yêu cầu, dễ gây chập, cháy; việc quản lý sử dụng nguồn lửa để đun nấu, sưởi ấm, sấy thịt chưa được giám sát chặt chẽ... Cách bố trí bếp lửa của nhiều gia đình là thường kê bếp để đun nấu trực tiếp trên sàn nhà bằng gỗ, phía trên bếp lại có các chạn, giá đỡ bằng gỗ, tre... rất dễ bắt lửa, gây hỏa hoạn.

Trung tá Nguyễn Văn Thưởng, Phó phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ tỉnh cho biết, thời gian qua đơn vị đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân các biện pháp phòng cháy, chữa cháy. Hướng dẫn, vận động người dân làm bếp đun nấu bằng bê tông hoặc vật liệu không cháy, ngăn cách không để ngọn lửa trần, than nóng hoặc tàn lửa tiếp xúc sàn nhà, tường nhà, mái nhà. Quản lý chặt chẽ các nguồn nhiệt có trong nhà, khi đun nấu xong phải dập hết tàn lửa, đề phòng đối với việc trẻ em nghịch lửa, đốt lửa sấy thịt hoặc sưởi ấm cho gia súc vào mùa đông. Trước khi ra khỏi nhà, tắt hết các thiết bị điện, kiểm tra nơi đun nấu, nơi thờ cúng. Bên cạnh đó, tuyên truyền người dân lắp đặt hệ thống điện đảm bảo đúng yêu cầu an toàn phòng cháy chữa cháy về điện, các dây dẫn phải đảm bảo tiết diện và được đặt trong ống ghen chống cháy, không đặt trực tiếp lên các vật liệu dễ cháy; tuyệt đối không đóng dây dẫn trực tiếp vào cột, tường gỗ hoặc đi qua các vật liệu dễ cháy. Không để nhiều đồ dùng, hàng hóa dễ cháy ở gần bếp đun; không để các chất dễ cháy ở gần nhà, dưới gầm sàn, trường hợp cần chỉ dự trữ với số lượng ít nhất. Đồng thời, chủ động chuẩn bị bể nước, vòi nước, bình chữa cháy... để kịp thời dập tắt đám cháy ngay khi mới xảy ra. Khi xảy ra cháy, cần báo ngay cho lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp theo số máy 114, báo cho chính quyền địa phương và người dân đến ứng cứu.

Bài, ảnh: Văn Tâm

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/xa-hoi/203173/canh-bao-tinh-trang-chay-nha-san