Cảnh báo tình trạng ngộ độc nấm rừng

Những ngày cuối tháng 4 vừa qua, thôn Bản Pắng, xã Bản Máy (Hoàng Su Phì) chìm ngập trong không khí tang thương. Chiều 20.4, sau khi nhận được thông tin từ Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội): Anh Sùng Seo Hòa và chị Ma Thị Giông đều đã tử vong do ngộ độc nấm, mọi người trong thôn không ai giấu nổi niềm thương cảm. Trước đó, 2 con của anh chị là cháu Sùng Văn Thuấn (7 tuổi) và Sùng Văn Thuần (4 tuổi) cũng đã không qua khỏi vào chiều ngày 15.4. Tìm hiểu nguyên nhân sự việc, được biết: Vào chiều 6.4, bố anh Sùng Seo Hòa lên rừng sửa đường dẫn nước thấy nấm đã hái về cho 4 người trong gia đình anh Hòa ăn vào khoảng 20 giờ cùng ngày, thức ăn gồm: Cơm tẻ, nấm rừng xào, rau cải nấu canh.

Lãnh đạo huyện Hoàng Su Phì thăm hỏi, động viên người thân gia đình nạn nhân ngộ độc nấm tại thôn Bản Pắng, xã Bản Máy.

Lãnh đạo huyện Hoàng Su Phì thăm hỏi, động viên người thân gia đình nạn nhân ngộ độc nấm tại thôn Bản Pắng, xã Bản Máy.

Sau khi ăn xong không có biểu hiện gì, đến khoảng 7 giờ sáng hôm sau, cả 4 người đều có các biểu hiện, như: Chóng mặt, buồn nôn, đau bụng từng cơn, đi ngoài. Gia đình đã đưa cả 4 người đi cấp cứu tại Phòng khám Đa khoa khu vực Chiến Phố, sau đó chuyển đến Bệnh viện Đa khoa khu vực huyện Hoàng Su Phì. Sáng hôm sau, cả 4 bệnh nhân đều có diễn biến nặng và được chuyển lên Khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh để theo dõi và điều trị. Đến 16 giờ cùng ngày, diễn biến có chiều hướng nặng hơn; Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã làm thủ tục chuyển bệnh nhân Hòa và bệnh nhân Giông về Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội và chuyển 2 cháu Thuấn và Thuần về Viện Nhi Trung ương điều trị. Mặc dù đã được các bác sỹ tận tình cứu chữa, nhưng cả 4 bệnh nhân đều không qua khỏi.

Theo lãnh đạo xã Bản Máy, sau khi biết con, cháu ăn nấm do mình hái bị ngộ độc rồi qua đời; bố anh Hòa đã có ý định tìm đến cái chết. Nắm bắt được điều đó, chính quyền đã cử cán bộ đến gia đình động viên, phân tích và túc trực luôn tại thôn để tránh sự việc đáng tiếc xảy ra. “Đây là bài học vô cùng đau xót, chúng tôi sẽ tăng cường các hoạt động tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức, không hái các loại nấm hoang dại trên rừng về ăn, để tránh xảy ra sự việc tương tự” – Bí thư Đảng ủy xã Bản Máy, Nguyễn Quang Duẩn, cho biết.

Theo số liệu thống kê của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, từ đầu tháng 4 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 2 vụ ngộ độc nấm độc tại thôn Bản Pắng, xã Bản Máy và thôn Hồng Ngài, xã Lũng Táo, huyện Đồng Văn với tổng số 5 ca mắc. Nguyên nhân dẫn đến các ca ngộ độc nấm rừng một phần là do thói quen sinh hoạt của một bộ phận người dân, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bà con thường hái nấm mọc tự nhiên về ăn thay rau xanh. Trong khi các loại nấm độc và nấm lành có thể sử dụng làm thực phẩm thường rất khó phân biệt. Cùng với đó, địa bàn rộng, hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn; khiến cho công tác tuyên truyền, vận động của cán bộ y tế ở các địa phương gặp nhiều khó khăn.

Mới đây, Ban Chỉ đạo Chăm sóc sức khỏe nhân dân tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các huyện, thành phố triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống ngộ độc do nấm. Theo đó, các cấp chính quyền cần đẩy mạnh tuyên truyền đến từng gia đình, thôn, bản; hướng dẫn người dân cách nhận biết nấm độc bằng hình ảnh cụ thể trên tờ rơi, áp phích và bằng trực quan nấm hái tại địa phương cũng như hướng dẫn bà con cách xử trí khi có ngộ nấm xảy ra. Khuyến cáo người dân tuyệt đối không hái, chế biến và ăn các loại nấm mọc hoang dại, nấm lạ không rõ nguồn gốc.

Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202005/canh-bao-tinh-trang-ngo-doc-nam-rung-759601/