Cảnh báo tình trạng ồ ạt chuyển đổi trồng sầu riêng
Sầu riêng hiện nay được xem là cây ăn trái xuất khẩu tỷ USD. Vì thế diện tích sầu riêng tăng nhanh, vượt quá định hướng phát triển của ngành nông nghiệp nên các chuyên gia cảnh báo việc phát triển đại trà, ồ ạt mà thiếu quy hoạch bài bản sẽ dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, khó tiêu thụ sản phẩm, gây thiệt hại cho nông dân.
Tiền Giang đang là địa phương có diện tích trồng sầu riêng lớn nhất ĐBSCL với diện tích khoảng 22.000ha, tập trung nhiều ở huyện Cái Bè và Cai Lậy. Theo ông Võ Văn Men, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang, cây sầu riêng hiện đang được xem là loại cây trồng đặc sản có lợi thế cạnh tranh cao. Sầu riêng không chỉ là nguồn nông sản hàng hóa có giá trị xuất khẩu lớn mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất so với các loại cây trồng đặc sản khác trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.
Năm nay, năng suất sầu riêng đạt trung bình 20-25 tấn trái/ha, đạt mức kỷ lục về sản lượng. Giá bán tại vườn cũng chạm ngưỡng cao nhất từ trước đến nay, dao động 120.000-140.000 đồng/kg. Với mức giá và sản lượng “khủng” như vậy, doanh thu từ mỗi ha vườn sầu riêng đạt 2-2,4 tỷ đồng. Trừ đi chi phí đầu tư ban đầu và các khoản chi tiêu chăm sóc, phun thuốc trong năm, số tiền lãi ròng mà người trồng được hưởng dao động từ 1-1,2 tỷ đồng/ha. Nông dân Bùi Văn Năm (ngụ huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) trồng 2 ha sầu riêng, sau Tết vừa rồi bán với giá 135.000 đồng/kg đối với Ri6, thu lãi gần 2 tỷ đồng.
Tại TP Cần Thơ, những năm gần đây, cây sầu riêng cũng đang được phát triển và đầu tư với diện tích từ 537ha (năm 2015) tăng lên 4.816ha (năm 2023, chiếm gần 11% diện tích cây ăn trái của thành phố), tập trung chủ yếu tại Phong Điền (3.285ha), Thới Lai (333ha) và Ô Môn (233ha). Hiện nay có trên 86% giống sầu riêng Ri6 được trồng tại các nhà vườn. Đến tháng 5/2024, thành phố có 56 mã số vùng trồng sầu riêng với diện tích 1.307ha, có 3 cơ sở đóng gói. Thị trường tiêu thụ nội địa và xuất khẩu sang Trung Quốc, hàng sấy và cấp đông có thể xuất đi Trung Quốc, EU, Mỹ…
Từng “trung thành” với cây khoai lang hàng chục năm trời, hiện nay ông Ngô Văn Tua (ngụ xã Thành Đông, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long) đã chuyển toàn bộ 2ha diện tích trồng khoai sang trồng mít thái và sầu riêng. Ông Tua cho hay: “Nhiều năm trước, khoai lang xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc, giá cả không ổn định. Một năm trước, tôi chuyển sang trồng mít thái và sầu riêng giống Ri6, trong đó diện tích cây sầu riêng là 4.300m2, trồng 100 gốc. Đến thời điểm này đã trồng được 2 năm và phải đợi khoảng 2-3 năm nữa mới có thu hoạch”.
Chưa từng qua lớp tập huấn trồng sầu riêng nhưng ông Tua vẫn mạnh dạn bỏ khoai để trồng loại cây ăn trái này vì sầu riêng luôn được giá. “Tôi tự đi mua giống, phân hữu cơ, lên liếp… rồi tham quan một số vườn sầu riêng để học hỏi kinh nghiệm chăm sóc. Chi phí cũng nhiều nhưng thấy sầu riêng luôn có giá, hơn nữa hiện nay sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch, hy vọng tới đợt thu hoạch giá vẫn cao”, ông Tua nói.
Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), diện tích trồng sầu riêng đã vượt gấp đôi so với định hướng trong Đề án phát triển cây ăn trái chủ lực đến năm 2025-2030. Tính đến cuối năm 2023, tổng diện tích sầu riêng cả nước hơn 150.000ha (tăng 146.800ha so với năm 2015), tương ứng với sản lượng sầu riêng tăng từ 366.000 tấn lên hơn 1,2 triệu tấn. Cục Trồng trọt cũng đã có công văn chỉ đạo phát triển cây sầu riêng tại các tỉnh, thành miền Nam. Trong đó, cảnh báo việc tăng diện tích cây sầu riêng một cách ồ ạt, thiếu kiểm soát, theo phong trào, không theo định hướng, có thể dẫn đến hậu quả khó lường, cung vượt quá cầu, dội chợ... Nghiêm trọng hơn là tại các vùng trồng không phù hợp như nhiễm mặn, nhiễm phèn. Vùng không chủ động được tưới tiêu sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng về năng suất và chất lượng sầu riêng.
Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang không khuyến khích phát triển thêm diện tích trồng sầu riêng mà cần tập trung nâng cao chất lượng trái thương phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn được phía Trung Quốc cấp mã số vùng trồng xuất khẩu chính ngạch. Lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang khuyến cáo nông dân chỉ chuyển đổi sang trồng cây sầu riêng trong vùng quy hoạch, đặc biệt là tuân thủ quy định, nhất là Nghị định số 62/2019/NĐ-CP của Chính phủ về việc chuyển đổi cây trồng ở vùng đất trồng lúa. Khi chuyển đổi cần có sự liên kết tiêu thụ. Người dân không chuyển đổi trên đất lúa không thích nghi và thực hiện rải vụ nhằm tránh thu hoạch cùng lúc gây sản lượng ùn ứ. Đồng thời, đẩy mạnh việc lập hồ sơ để được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu chính ngạch.
Theo ông Nguyễn Văn Liêm, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Long, sầu riêng là cây khó trồng, đòi hỏi kỹ thuật cao và cả khả năng đầu tư của người trồng. Do đó, không thể phát triển một cách ồ ạt sẽ cho chất lượng và sản lượng không đảm bảo, dẫn đến khó khăn, gây thiệt hại cho người trồng. Vì vậy, để phát triển ngành hàng sầu riêng theo hướng hiện đại, chất lượng, an toàn và bền vững, đòi hỏi một chiến lược phát triển ngành hàng sầu riêng dài hạn cùng các giải pháp tháo gỡ kịp thời.
Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ cho hay: “Không phải gần đây mà từ lâu ngành nông nghiệp đã khuyến cáo nông dân thận trọng khi tăng diện tích trồng cây sầu riêng. Chỉ nên trồng ở những vùng chuyên canh, tập trung để đảm bảo vấn đề liên kết, có kết nối được doanh nghiệp tiêu thụ và phải sản xuất đạt chất lượng cao, đảm bảo an toàn, truy xuất tốt nguồn gốc để xuất khẩu”.