Cảnh báo tình trạng trẻ vị thành niên điều khiển phương tiện tham gia giao thông

Theo Ủy ban ATGT quốc gia, tình hình trật tự ATGT 6 tháng đầu năm 2024 vẫn còn diễn biến phức tạp. Trong đó, số lượng người chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông có chiều hướng gia tăng là một trong những vấn đề đáng lo ngại.

Diễn ra tại nhiều địa phương

Theo số liệu thống kê của Bộ Công an từ ngày 15/12/2023 - 14/6/2024, toàn quốc xảy ra 12.350 vụ TNGT, làm chết 5.343 người, bị thương 9.552 người.

So với cùng kì năm 2023 số người chết vì TNGT tuy giảm nhưng lại gia tăng về số vụ tai nạn và số người bị thương. Trong đó, TNGT của người dưới 18 tuổi chiếm 8,71%.

Tại hội nghị sơ kết công tác bảo đảm trật tự, ATGT 6 tháng đầu năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trần Lưu Quang đã thẳng thắn chỉ ra 6 việc còn tồn tại trong công tác đảm bảo trật tự ATGT.

Trong đó, vấn đề về số người chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông có chiều hướng gia tăng, nhất là lứa tuổi vị thành niên, học sinh diễn ra tại nhiều địa phương trên cả nước.

Một số vụ việc điển hình có thể kể đến như: ngày 29/3, Đ.Q.H (16 tuổi, trú xã An Phú, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) dùng chân điều khiển xe máy, không đội mũ bảo hiểm, nằm ngửa trên xe rồi lạng lách trên ĐT 649, đoạn qua xã An Chấn, huyện Tuy An. Đ.Q.H sau đó đã bị lực lượng chức năng phát hiện và xử phạt.

Đ.Q.H (16 tuổi) dùng chân điều khiển xe máy lạng lách trên đường. Ảnh cắt từ clip.

Đ.Q.H (16 tuổi) dùng chân điều khiển xe máy lạng lách trên đường. Ảnh cắt từ clip.

Ngày 4/7, Công an tỉnh Bình Phước ra quyết định xử phạt đối với N.B.Đ.K, 16 tuổi, trú xã Trừ Văn Thố, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương về hành vi dùng 2 chân lái xe máy, quay video đưa lên mạng xã hội. Chủ xe cũng bị phạt vì giao xe cho người không đủ điều kiện tham gia giao thông.

Theo các chuyên gia, hành vi giao xe cho người chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện không chỉ gây nguy hiểm cho bản thân người lái xe mà còn ảnh hưởng đến những người tham gia giao thông khác. Thậm chí có những vụ việc đã ra gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Điển hình như ngày 23/12/2023 Trần Văn Dũng uống rượu cùng Nguyễn Ngọc H. (sinh năm 2007) và 4 người khác tại một đám cưới thuộc thôn An Bài 1, xã Đồng Du, huyện Bình Lục tỉnh Hà Nam. Sau đó, Nguyễn Ngọc H. mượn xe mô tô nhãn hiệu Yamaha Exciter, không đeo biển số của Trần Văn Dũng đi đón bạn.

Khi đến Km123 + 600 trên Quốc lộ 37 xã Tràng An, huyện Bình Lục, Nguyễn Ngọc H. điều khiển xe mô tô đi không đúng phần đường quy định đã tự đâm vào gốc cây bên đường. Hậu quả, H. tử vong, xe máy bị hư hỏng. Theo kết luận giám định, nồng độ cồn trong máu của H. là 92,04mg/100ml máu.

Tại cơ quan công an, Trần Văn Dũng khai nhận biết rõ H. đã sử dụng rượu, không có giấy phép lái xe, không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ nhưng vẫn giao xe cho H. sử dụng gây hậu quả nghiêm trọng.

Trước thực trạng này, Bộ Công an đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành riêng chỉ thị 31/CT-TTg về tăng cường công tác bảo đảm trật tự ATGT cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới.

Trong phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm giao cho ngành giao thông, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu lực lượng chức năng tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền và tập trung xử lý nghiêm các vi phạm về trật tự ATGT. Trong đó có hành vi giao xe cho người chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Cần giải pháp cả ngắn hạn, lâu dài

Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Phạm Việt Cường - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính sách và phòng chống chấn thương Trường Đại học Y tế Công cộng cho rằng, việc giao xe cho trẻ vị thành niên xuất phát từ nhiều nguyên nhân.

Hiện nay, tại một số khu vực ngoài đô thị nhiều trường học chưa tổ chức phương tiện cho trẻ cấp 2, cấp 3 đến trường. Nếu có xe đưa đón thì quy định về tổ chức phương tiện này chưa cụ thể nên phụ huynh đã giao xe máy điện, xe xăng có dung tích dưới 50cc cho con đi học để tăng tính chủ động trong đi lại.

Hai là khi các em từ 16 tuổi cũng bắt đầu có xu hướng độc lập hơn. Có không ít trường hợp do phụ huynh chủ quan, chưa kiểm soát chặt, các em đã tự ý lấy xe của gia đình hoặc mượn xe của người khác để điều khiển.

Ba là pháp luật chưa quy định cụ thể về điều kiện để được điều khiển phương tiện chạy bằng động cơ điện hoặc động cơ xăng dung tích nhỏ. Điều này dẫn đến thực tế trẻ em cấp 3, từ 16 tuổi trở lên đã có thể sử dụng xe.

Đánh giá thực trạng này là nguyên nhân không nhỏ dẫn đến TNGT, PGS.TS Phạm Việt Cường nêu ý kiến, tuy luật không có quy định cụ thể hoặc các hướng dẫn yêu cầu bắt buộc về việc có bằng lái xe đối với trẻ vị thành niên, nhưng xe máy điện, xe đạp điện có công suất khoảng 30 – 40km/h là khá nhanh.

Chưa kể các em tay lái yếu, chưa có kiến thức về lưu thông an toàn, khi điều khiển xe trên đường mà va chạm vào phương tiện lớn như xe tải, xe container... sẽ rất nguy hiểm.

Bên cạnh việc tuyên truyền cho phụ huynh cần cân nhắc khi mua xe cho con; kiên quyết không giao phương tiện khi các em chưa đủ tuổi, đủ điều kiện để điều khiển nhằm góp phần giảm thiểu tai nạn không đáng có, theo PGS.TS Nguyễn Việt Cường, cơ quan chức năng cũng nên xem xét về quy định khi sử dụng bất cứ phương tiện cơ giới nào để tham gia giao thông đều cần được đào tạo.

Tích cực tuyên truyền ATGT cho trẻ tại các trường học. Ảnh: Cục CSGT

Tích cực tuyên truyền ATGT cho trẻ tại các trường học. Ảnh: Cục CSGT

Đối với người dưới 18 tuổi, luật không quy định phải có bằng lái xe nhưng cần thiết phải trải qua một khóa đào tạo chứng nhận đã biết cách điều khiển phương tiện tham gia giao thông cơ bản. Trong khóa đào tạo này cần đặc biệt nhấn mạnh việc an toàn và đảm bảo an toàn giao thông.

PGS.TS Phạm Việt Cường cho rằng đây là việc có thể làm trong thời gian ngắn và cũng không đòi hỏi sự đầu tư lớn. Có thể phối hợp với các nhà trường làm ngay.

“Về lâu về dài có thể hướng tới việc cung cấp bằng tạm để trẻ từ 16 tuổi có thể được lái xe dung tích nhỏ, hoặc xe đạp điện, xe máy điện nhưng dưới sự giám sát của người lớn. Điều này tương tự như ở một số nước trên thế giới trẻ vị thành niên cũng có bằng lái xe nhưng quy định trong thời gian đầu điều khiển phương tiện lưu thông phải có người lớn đi cùng để đảm bảo an toàn và nâng cao kinh nghiệm” - PGS.TS Nguyễn Việt Cường nêu ý kiến.

Huyền Sâm

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/canh-bao-tinh-trang-tre-vi-thanh-nien-dieu-khien-phuong-tien-tham-gia-giao-thong.html