Cảnh báo tốc độ lây lan của SARS-CoV-2 gia tăng tại Nhật Bản
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, nhóm chuyên gia cố vấn của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) vừa cảnh báo: Số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đang có xu hướng gia tăng trên toàn quốc và đặc biệt tăng nhanh ở một số khu vực. Vì vậy, họ khuyến cáo cần phải cẩn trọng trong tình hình hiện nay.
Nhóm chuyên gia cho biết tốc độ lây lan của virus chết người này đang tăng gần bằng tốc độ lây lan trong các tháng 3 và 4, thời điểm Nhật Bản đã chứng kiến số ca nhiễm tăng mạnh. Bên cạnh đó, số lượng bệnh nhân nguy kịch cũng đang tăng dần.
Trong tuần từ 30/7 - 5/8, tỷ lệ số người dương tính với SARS-CoV-2 trên 100.000 dân ở Nhật Bản là 7,33, tăng mạnh so với con số 4,88 trong tuần từ 23 - 29/7. Đáng chú ý, tỷ lệ này đã tăng đột biến ở một số tỉnh, thành lớn. Cụ thể, vào ngày 5/8, tỷ lệ này ở Tokyo là 17,41, ở tỉnh Aichi là 14,38, ở tỉnh Osaka là 14,37, ở tỉnh Fukuoka là 16,58 và tỉnh Okinawa là 30,32.
Trong khi đó, kết quả nghiên cứu của Trung tâm Quốc gia về Sức khỏe và Y khoa Toàn cầu (NCGM) cho thấy tỷ lệ tử vong vì dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong số những bệnh nhân nhập viện ở Nhật Bản thấp hơn rất nhiều so với các nước khác. Cụ thể, trong khoảng 2.600 bệnh nhân tại gần 230 cơ sở y tế trong giai đoạn từ tháng 3 - 6, chỉ có 7,5% ca tử vong. Tỷ lệ này ở Trung Quốc là 28%, ở Anh 26% và bang New York (Mỹ) là từ 21-24%. Theo NCGM, tỷ lệ tử vong thấp ở Nhật Bản một phần do có ít bệnh nhân nhập viện trong tình trạng béo phì hoặc mắc bệnh tiểu đường.
NCGM nhận định kết quả nghiên cứu trên đã củng cố bằng chứng cho thấy các bệnh nhân COVID-19 nặng thường là những người già, với tiền sử hút thuốc hoặc có các bệnh mãn tính. Những người ở độ tuổi trên 60 thường có nguy cơ có các triệu chứng nặng hơn và cần sử dụng máy trợ thở.
* Cùng ngày, theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, số ca nhiễm virus SARS CoV-2 tại Ấn Độ đã vượt ngưỡng 2 triệu. Bộ Y tế và Phúc lợi gia đình cho biết tính đến ngày 7/8, tổng số ca nhiễm ở nước này đã lên tới 2.027.04 ca sau khi ghi nhận thêm 62.538 ca mới trong 24 giờ qua. Trong khi đó, số ca tử vong cũng tăng lên đến 41.585 ca, với 886 ca mới ghi nhận.
Có tới 50% tổng số ca nhiễm tại Ấn Độ tập trung ở 3 bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Maharashtra, Tamil Nadu và Delhi. Cho đến tháng 6, virus SARS-CoV-2 chủ yếu hoành hành ở các đô thị lớn và gây quá tải cho các hệ thống y tế. Nay tình hình tại Ấn Độ đang thực sự trở nên tồi tệ khi dịch lan đến các thành phố và thị trấn nhỏ hơn với cơ sở hạ tầng y tế nghèo nàn. Các chuyên gia y tế cộng đồng cho rằng với dân số khổng lồ, Ấn Độ sẽ có số ca nhiễm lớn, và các biện pháp phòng ngừa là lựa chọn duy nhất cho đến khi có vaccine, đồng thời hối thúc chính phủ cần lập tức hành động, chi mạnh cho hoạt động truy dấu và xét nghiệm, cũng như áp đặt lệnh phong tỏa tại những khu vực điểm nóng.
Tại Mỹ, Viện Đánh giá và Tham số y tế (IHME) của Đại học Washington dự báo số ca tử vong ở nước này có thể lên tới gần 300.000 ca vào ngày 1/12, và 70.000 ca sẽ được cứu sống nếu mọi người chú ý đeo khẩu trang. Dự báo trên được đưa ra trong bối cảnh một cố vấn cấp cao của Nhà Trắng về dịch truyền nhiễm cảnh báo các thành phố lớn ở Mỹ có thể chứng kiến số ca tăng vọt và trở thành các điểm nóng về dịch nếu giới chức địa phương lơ là với các biện pháp phòng chống dịch.
Giám đốc Viện IHME Christopher Murray cho biết: "Dường như mọi người đang đeo khẩu trang và thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội khác thường xuyên hơn khi dịch gia tăng, nhưng sau một thời gian, khi số ca nhiễm giảm bớt, mọi người lại lơ là cảnh giác".
Hiện số ca tử vong tại Mỹ đã vượt 162.000 người, cao nhất thế giới. Trong 24 giờ qua, Mỹ lần đầu tiên ghi nhận hơn 2.000 ca tử vong trong vòng 3 tháng. Ổ dịch ở Mỹ, vốn từng tập trung ở thành phố đông dân như New York, hiện đã lan rộng ra các cộng đồng dân cư khác. Theo các chuyên gia, sự lây lan virus một phần do hoạt động di chuyển trong dịp nghỉ Hè. Quan chức cấp cao về dịch truyền nhiễm Anthony Fauci cảnh báo: "Đây là một chỉ dấu cho thấy điều tồi tệ đang ở phía trước".