Cảnh báo tội phạm cưỡng đoạt tài sản bằng hình thức thế chấp tài khoản Icloud

Vì nhu cầu vay tiên giải ngân nhanh, nhiều người sẵn sàng thế chấp tài khoản iCloud của iPhone để vay tiền, tuy nhiên sau đó mới vỡ lẽ lúc vay thì dễ, khi trả lại khó do lãi suất cao khó lường, thậm chí có trường hợp trả hết tiền vay vẫn chưa thoát nợ...

Một đường dây cho hơn 30.000 người vay nặng lãi, ép thế chấp iCloud với lãi suất lên đến 629%/ năm vừa bị Công an tỉnh Bắc Giang triệt phá. Với hình thức yêu cầu người vay tiền chỉ cần thế chấp điện thoại iPhone thông qua cung cấp tài khoản iCloud, một đường dây gồm 13 đối tượng vừa bị Công an tỉnh Bắc Giang phát hiện và triệt phá vì đã hoạt động “tín dụng đen” trên không gian mạng. Theo thông tin từ Công an tỉnh Bắc Giang, có hơn 30.000 lượt người trong cả nước đã vay tiền của nhóm đối tượng này, với số tiền giải ngân khoảng 70 tỷ đồng. Người vay phải chịu mức lãi suất cao ngất ngưởng, có khi lên tới hơn 600%/ năm.

Các đối tượng cầm đầu nhóm cho vay tiền trong đường dây này là Đỗ Thành Tôn (sinh năm 2000), ở xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình; Vũ Văn Phong (sinh năm 2004) ở xã Hồng Phong, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương; Đào Văn Thái (sinh năm 1993) ở xã Vụ Bản, huyện Đan Hùng, tỉnh Phú Thọ; Nguyễn Ngọc Linh (sinh năm 1992), ở xã Phú Lộc, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Các đối tượng yêu cầu người vay thoát tài khoản iCloud của bản thân và đăng nhập tài khoản iCloud do đối tượng cung cấp để quản lý thông tin và máy điện thoại của người vay. Nếu người vay không trả tiền, các đối tượng sẽ khóa tài khoản iCloud và người vay sẽ không sử dụng được điện thoại của mình.

Điều đáng chú ý là mức lãi suất mà các đối tượng cho vay từ hơn 300%/năm đến hơn 600%/ năm, cao gấp 15 đến 31 lần mức lãi cao nhất được phép trong giao dịch dân sự.

Theo Công an tỉnh Bắc Giang, các đối tượng trong đường dây này có sự phân công vai trò, nhiệm vụ rõ ràng: đối tượng tổ chức cầm đầu, cung cấp tiền và hệ thống thiết bị; đối tượng quản lý nhóm, trực tiếp quản lý nhân viên, thẩm định khách hàng và giải ngân khoản vay; đối tượng hỗ trợ kỹ thuật liên lạc với cộng tác viên, thẩm định khách hàng, hướng dẫn cài đặt máy, quản lý việc nhắc nợ, đòi nợ, thu nợ; đối tượng cộng tác viên đăng bài quảng cáo cho vay trên mạng xã hội, tìm kiếm người vay và thu thập thông tin người vay.

Với hình thức và thủ đoạn này, người vay tiền có thể vay từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng tùy thuộc vào đời của điện thoại iPhone. Đời điện thoại càng cao thì số tiền vay được càng nhiều. Người vay phải cung cấp hình ảnh thẻ căn cước công dân, ảnh chân dung, số điện thoại, danh bạ, địa chỉ thường trú, nghề nghiệp, địa chỉ nơi làm việc, nơi ở hiện tại, họ tên bố, mẹ, vợ, chồng, tên Facebook của người thân, số tài khoản ngân hàng… Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro.

Các đối tượng trong đường dây cho vay bằng thế chấp tài khoản iCloud bị Công an tỉnh Bắc Giang bắt giữ

Các đối tượng trong đường dây cho vay bằng thế chấp tài khoản iCloud bị Công an tỉnh Bắc Giang bắt giữ

Theo Thiếu tá Chu Văn Hiệu - Phó Trưởng phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Bắc Giang, vay tiền qua iCloud là chiêu trò cho vay nặng lãi "công nghệ cao", xuất hiện trên thị trường từ năm 2020. Trên các bài đăng quảng cáo, các khoản vay có thể lên đến 80-90% giá trị máy, nhưng thường thì các chủ nợ chỉ cho vay khoảng 50% giá trị máy.

"Lãi suất 10 ăn 8, dù vay ít nhưng số tiền thực tế phải trả rất nhiều. Bên cạnh lãi cao, còn có những rủi ro về lộ hình ảnh và thông tin cá nhân", Thiếu tá Chu Văn Hiệu cảnh báo. Việc vay tiền bằng iCloud không chỉ tiềm ẩn rủi ro về mất giá trị hiện vật mà còn có nguy cơ cao về rò rỉ dữ liệu riêng tư. Khi chấp nhận đăng nhập iCloud của người khác vào máy, người vay đã trao cho người khác quyền truy cập vào hầu như toàn bộ dữ liệu trong điện thoại như kho ảnh, email, danh bạ, tài liệu, vị trí,…

Một khi nhập iCloud vào máy, sẽ bị chiếm quyền kiểm soát điện thoại. Nếu cố gắng đăng xuất nhiều lần, các đối tượng sẽ khóa luôn iCloud của người vay. Người cho vay lúc này trở thành "chủ nhân" của chiếc iPhone, có thể tìm ra vị trí chính xác của người vay và buộc họ phải trả tiền mới mở lại tài khoản và cung cấp mật khẩu. Có trường hợp các đối tượng không chuyển khoản tiền nào vào tài khoản sau khi người vay nhập iCloud, mà chuyển sang phương án đòi tiền chuộc hoặc không trả lại quyền kiểm soát iPhone dù người vay đã trả đủ tiền.

Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, Cục An toàn thông tin khuyến nghị, người dân không nên sử dụng các dịch vụ vay tiền qua mạng nói chung và vay tiền bằng iCloud nói riêng; không cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng dưới mọi hình thức; lựa chọn các tổ chức tài chính, ngân hàng uy tín để vay tiền, không tìm đến các dịch vụ trên mạng xã hội. Ngoài ra, người dân cũng cần cài đặt bảo mật 2 lớp để mọi thao tác cài đặt iPhone, iPad đều phải thông báo qua số điện thoại cá nhân.

Luật sư Lê Hiếu, Giám đốc Công ty Luật TNHH Hiếu Hùng, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, nhận định: "Hình thức tính lãi như vậy vi phạm pháp luật. Các đối tượng này lợi dụng nhu cầu vay tiền của người dân để thu lợi bất chính."

Để tránh sập bẫy kẻ lừa đảo, các chuyên gia bảo mật khuyến cáo người dùng không nên vay tiền qua dịch vụ trên mạng nói chung và qua tài khoản iCloud nói riêng. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân và dữ liệu nhạy cảm cho người khác dưới bất kỳ hình thức nào.

Chu Hương

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/canh-bao-toi-pham-cuong-doat-tai-san-bang-hinh-thuc-the-chap-tai-khoan-icloud-post585248.antd