Cảnh báo trào lưu 'dán băng dính vào miệng khi ngủ' lan truyền trên TikTok
Mạng xã hội TikTok đang lan truyền trào lưu dán băng dính vào miệng khi ngủ để không phát ra tiếng ngáy và ngủ sâu hơn … nhưng nhiều bác sĩ cảnh báo nguy hiểm.
Thời gian qua, nhiều cư dân mạng đã học theo trào lưu trên TikTok bằng cách "dán băng dính vào miệng trước lúc ngủ". Theo họ, điều này sẽ thúc đẩy việc thở bằng mũi, giúp ngủ ngon hơn và không phát ra tiếng ngáy vào ban đêm.
Trên kênh TikTok có hơn 400 ngàn người theo dõi, huấn luyện viên sức khỏe Cory Rodriguez khẳng định việc dán băng dính vào miệng sẽ giúp ngủ ngon hơn.
"Mục đích của việc dán băng dính vào miệng khi ngủ nhằm giúp bạn thở bằng mũi thay vì thở bằng miệng" - anh Rodriguez nói trong đoạn video đăng trên TikTok và đồng thời cho biết mình đã dán chặt miệng để ngủ hàng đêm.
Đoạn video nhanh chóng thu hút hơn 5 triệu lượt xem trên TikTok. Bình luận dưới bài đăng, nhiều cư dân mạng cho biết đã làm theo. Họ còn khẳng định cảm thấy ngủ ngon hơn, không còn ngáy, giảm tình trạng khô miệng và thậm chí không còn bị hôi miệng sau khi ngủ dậy.
Tuy nhiên, nhiều bác sĩ đã lên tiếng cảnh báo về trào lưu trên và khẳng định hiện chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy nó sẽ giúp mang lại lợi ích và ngủ ngon hơn.
"Việc dán băng dính vào miệng có thể gây nên những tác hại xấu đến sức khỏe như kích ứng phần da xung quanh miệng do tác động từ băng keo và giấc ngủ có thể bị gián đoạn do khó thở bằng mũi" - một chuyên gia về giấc ngủ lưu ý.
Chuyên gia về giấc ngủ James Wilson cũng cảnh báo: "Việc dán chặt miệng để khuyến khích thở bằng mũi là cách làm cực đoan và có thể gây ra một số rủi ro nghiêm trọng về sức khỏe. Rủi ro có thể nguy hiểm hơn với những người mắc chứng ngưng thở trong khi ngủ, tức tình trạng cơ thể ngừng hô hấp đột ngột trong lúc ngủ.
Bác sĩ Ayush Gupta - chuyên gia tim mạch và chăm sóc đặc biệt tại bệnh viện Fortis Vasant Kunj (Ấn Độ) - cũng cho rằng việc dán băng dính vào miệng khi ngủ có thể gây nên những biến chứng nguy hiểm.
"Không bao giờ được dán băng dính vào miệng lúc ngủ vì nếu mũi của bạn bị tắc nghẽn mức oxy có thể giảm đáng kể và dẫn đến các biến chứng tim mạch cấp tính" - bác sĩ Ayush Gupta quả quyết.