Cảnh báo từ những vụ vỡ hụi hàng chục tỷ đồng gây chấn động ở các tỉnh miền Trung
Mặc dù cơ quan chức năng liên tục cảnh báo, thế nhưng chỉ trong thời gian ngắn ở các tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh liên tiếp diễn ra nhiều vụ vỡ hụi hàng chục tỷ đồng.
Việc góp hụi, chơi hụi trên thực tế là quá trình các bên tham gia thường chỉ dựa vào niềm tin mà bỏ qua các ràng buộc pháp lý, dẫn đến việc khó giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm khi xảy ra vỡ hụi. Phản ánh tại địa bàn tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh tiếp tục là lời cảnh tỉnh đến những ai đang và có ý định chơi hụi chỉ dựa vào niềm tin và lợi nhuận trước mắt.
Vào những ngày đầu tháng 7 này, một vụ vỡ hụi lớn đã xảy ra tại các xã Kỳ Bắc, Kỳ Phong, Kỳ Tiến, huyện Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh) gây bức xúc, thất thoát tài sản gần cả trăm người dân địa phương.
Vào năm 2015, những tiểu thương ở chợ Voi (xã Kỳ Bắc) rủ nhau góp hụi và thống nhất cho Thảo đứng chủ. Thời gian đầu, Thảo cho người chơi tham gia các dây hụi theo hình thức có lãi. Mỗi dây hụi có 10 suất, mỗi suất phải đóng số tiền 100.000 đồng/ngày. Đến cuối tháng khi mọi người tham gia đóng đủ số tiền theo thỏa thuận, Thảo cho mọi người bốc thăm để mua tiền hụi tháng đó.
Từ khoảng năm 2017 trở đi, những người mua hụi hằng tháng ngày càng ít nên Thảo cố tình mua lại tiền hụi của người tham gia góp hụi rồi trả tiền lãi cho họ hằng tháng. Số tiền hụi mua lại Thảo sử dụng để đầu tư kinh doanh và cho một số người khác vay để lấy lãi.
Càng về sau do công việc kinh doanh không sinh lãi, thêm vào việc trả lãi, gốc cho những người tham gia hụi hằng tháng khá lớn nên Thảo biến tướng cách tổ chức hụi, thu tiền của người sau để trả gốc và lãi cho người trước mà không tổ chức các dây hụi như cũ.
Đến khoảng năm 2019, không còn khả năng để trả nợ cho các con hụi nên Thảo dùng thủ đoạn trả lãi cao hơn so với các dây hụi khác để thu hút người dân tiếp tục đóng hụi cho mình. Đến kỳ hạn trả gốc, Thảo cố tình kéo dài hoặc vay lại số tiền đó, chấp nhận trả lãi cao. Mỗi tháng khi đến hạn bốc hụi, một số người dân đến hỏi mua dây hụi, Thảo không cho mua và bảo đã có người khác mua với giá cao hơn.
Đầu năm 2023, khi thế chấp hết toàn bộ tài sản hiện có để vay ngân hàng lấy tiền trả nợ cho các con hụi, Thảo đã đưa ra một số thông tin gian dối để vay tiền của một số người dân, trong đó có vay tiền của các con hụi với số tiền hàng tỷ đồng.
Và đến thời điểm hiện tại, Công an huyện Kỳ Anh đã tiếp nhận 56 đơn của người dân tố giác Thảo chiếm đoạt số tiền lên đến 10 tỷ đồng.
Cũng với thủ đoạn tương tự, vào trung tuần tháng 7 này, nhiều hộ dân từ xã Tân Thành, huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) đã đệ đơn đơn tố cáo gửi Công an huyện Yên Thành về việc bị bà Lê Thị Hoa (trú xóm Thị Tứ, xã Tân Thành) lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tại xã Tân Thành, có đến hàng chục người cho bà Hoa vay thông qua chơi phường và vay cá nhân (bà Hoa có viết giấy vay tiền hoặc kí hợp đồng vay tiền), với số tiền lên tới vài chục tỷ đồng. Trong đó, ông Trần Văn Hòa (44 tuổi, trú xóm Thị Tứ, xã Tân Thành) cho bà Hoa vay số tiền lên tới 7 tỷ đồng.
“Sau khi ôm được số tiền rất lớn của nhiều hộ dân, vợ chồng bà Hoa đã bỏ trốn, chúng tôi không thể liên lạc được. Ra tận quê bà Hoa ở Thanh Hóa cũng không tìm được, giờ ai nấy đều khánh kiệt, như ngồi trên đống lửa” - ông Trần Văn Hòa cho biết.
Theo ông Hòa, bà Hoa nói cần huy động số tiền lớn để làm ăn buôn bán, khi có lãi sẽ chia lại cho bà con. Do tin tưởng nên ai cũng sẵn lòng cho bà Hoa vay, nhiều người đi vay mượn, huy động về đưa cho bà Hoa. Nay bà Hoa đã đi khỏi địa phương nhiều tháng và không thể liên lạc được, những người cho vay vô cùng hoang mang, lo lắng, không biết bấu víu vào đâu.
Cũng với phương thức vay hụi, bốc hụi, bà Hoàng Thị Lam (44 tuổi, ở xóm Đình Phụng, xã Hợp Thành, huyện Yên Thành) đã nắm giữ số tiền hàng chục tỉ đồng của các hộ dân trên địa bàn rồi tuyên bố vỡ hụi. Đến nay, đã có 60 người ký tên làm đơn tố cáo bà Lam chiếm đoạt tài sản với tổng số tiền gần 10 tỉ đồng của các phường viên. Người nhiều nhất đang bị chủ phường nợ hơn 1,4 tỉ đồng.
Theo những người chơi hụi ở đây, vào đầu tháng 6/2023 vừa qua, người dân đã làm đơn gửi lên Công an huyện Yên Thành. Đến ngày 9/6, Công an huyện Yên Thành có thông báo trả lời đơn với nội dung “không thụ lý đơn”, đồng thời hướng dẫn họ chuyển đơn sang Tòa án để giải quyết dựa trên Nghị định 19/2019/NĐ-CP của Chính phủ “quy định về họ, hụi, biêu, phường”.
Trong văn bản của UBND huyện Yên Thành có nêu: “Nếu công dân không thống nhất với đề nghị của Công an huyện thì viết đơn gửi lên Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An để được xem xét, giải quyết theo đúng quy định của pháp luật”.
Chỉ tính trong vài năm qua, Cơ quan điều tra các cấp trong tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh đã tiếp nhận hàng chục đơn tố cáo liên quan đến hụi. Quá trình điều tra, xác minh, chứng minh tội phạm gặp rất nhiều khó khăn do thực tế việc tổ chức hụi đều được những người tham gia tự thỏa thuận với nhau về hình thức lập dây hụi, biện pháp chơi hụi, cách thức hốt hụi và giao nhận tiền hụi...
Có thể thấy, trong những vụ vỡ hụi, việc xử lý để thu hồi tài sản trả lại cho người dân là hết sức khó khăn. Vì vậy, cơ quan Công an khuyến cáo người dân nên chọn lựa các kênh đầu tư, các hình thức tiết kiệm, tích góp phù hợp, an toàn; nếu chọn hình thức góp vốn dựa vào uy tín thì phải hết sức cân nhắc và thận trọng trong việc lựa chọn người tham gia, đồng thời nắm vững các quy định của pháp luật liên quan, vừa để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình, vừa phòng tránh rủi ro, cũng như những vi phạm pháp luật trong quá trình tham gia.
Đồng thời, cảnh báo những người tổ chức tham gia góp vốn cần tuân thủ các quy định pháp luật, nghiêm cấm việc tổ chức hụi để huy động vốn trái pháp luật, cho vay nặng lãi, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, sẽ bị xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật.