Cảnh báo u ám về khủng hoảng nhân đạo trên thế giới
Biến đổi khí hậu, xung đột vũ trang ngày càng trầm trọng, gánh nặng nợ nần ngày càng tăng và sự hỗ trợ giảm sút của cộng đồng quốc tế sẽ khiến các cuộc khủng hoảng nhân đạo trên thế giới thêm nghiêm trọng trong năm 2024.
Đó là dự báo đáng lo được Ủy ban Cứu hộ quốc tế (IRC, trụ sở ở Mỹ) đưa ra trong báo cáo công bố ngày 14-12. Giám đốc IRC David Miliband kêu gọi quan tâm nhiều hơn đến vấn đề thích ứng khí hậu, trao quyền cho phụ nữ, hoạt động ngân hàng vì con người trước tiên, hỗ trợ người phải rời bỏ nhà cửa…
Theo IRC, trong danh sách 20 quốc gia, vùng lãnh thổ đứng đầu về nguy cơ khủng hoảng nhân đạo trở nên xấu hơn trong năm tới, có 9 quốc gia châu Phi hạ Sahara, Sudan, Nam Sudan, Afghanistan, Syria, Lebanon, Yemen, Ukraine, Haiti…
Nhìn chung, 20 quốc gia, vùng lãnh thổ này chỉ chiếm 10% dân số thế giới nhưng chiếm tới 86% nhu cầu nhân đạo toàn cầu, 70% người phải di cư.
Theo Reuters, báo cáo trên được công bố sau khi dữ liệu mới nhất cho thấy số người cần viện trợ nhân đạo trong năm nay tăng lên 300 triệu, số người phải rời bỏ nhà cửa tăng vọt lên 110 triệu.
Ngoài ra, Ngân hàng Thế giới (WB) hôm 13-12 cho biết các nước đang phát triển đã phải chi 443,5 USD để trả nợ công trong năm 2022 giữa lúc lãi suất toàn cầu tăng cao. Đây là con số cao kỷ lục, tăng 5% so với năm trước đó.
Tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn với những nước nghèo nhất thế giới. Theo đài CNBC, tính riêng 24 quốc gia nghèo nhất thế giới, chi phí trả nợ có thể tăng tới 39% trong các năm 2023 và 2024. Ông Indermit Gill, nhà kinh tế trưởng của WB, nhận định mức nợ kỷ lục và lãi suất cao đã đẩy nhiều quốc gia vào con đường khủng hoảng.
Nêu bật mức độ nghiêm trọng của tình hình, WB cho biết đã xảy ra 18 vụ vỡ nợ quốc gia tại 10 nước đang phát triển trong 3 năm qua. Con số này nhiều hơn tổng số vụ vỡ nợ trong 2 thập kỷ trước đó. Danh sách này bao gồm các vụ vỡ nợ ở Ghana, Sri Lanka và Zambia...